Đồng bằng sông Cửu Long khẩn trương khắc phục sạt lở

- Thứ Ba, 22/08/2023, 06:32 - Chia sẻ

Mùa mưa ở Nam Bộ từ tháng 5 đến nay đã khiến tình hình sạt lở sông, kênh, rạch, bờ biển ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tiếp xuất hiện, tăng nhanh về số điểm. Chính quyền các địa phương đã, đang dồn sức giữ đất, giữ rừng, bảo vệ tài sản và tính mạng người dân. Tuy nhiên, nỗi lo mất đất, mất rừng vẫn còn canh cánh, bởi trước năm 2005, ĐBSCL được bồi đắp 100ha/năm thì 15 năm trở lại đây mất từ 350 - 500ha đất/năm.

Sạt lở, sụt lún tấn công nhiều tỉnh

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT), từ năm 2016 đến nay, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã xuất hiện tổng số 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134km. Trong đó, sạt lở bờ sông là 666 điểm với chiều dài 744km; bờ biển xuất hiện 113 điểm với 390km. Có 281 điểm với 528km sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần phải xây dựng công trình bảo vệ; 155 điểm với 306km sạt lở nguy hiểm và sạt lở bình thường là 343 điểm với 300km. Hiện tượng xói lở thường là những khu vực trực diện với biển. Theo số liệu khảo sát năm 2020 và 2022, bờ biển từ Sóc Trăng đến mũi Cà Mau có tác động xói lở, bồi lắng phụ thuộc vào mùa gió là chủ yếu, nhìn chung bờ biển vùng này xu thế xói vượt trội.  

Hàng trăm hộ dân khu vực ĐBSCL phải chịu cảnh màn trời chiếu đất do sạt lở 
Hàng trăm hộ dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải chịu cảnh màn trời chiếu đất do sạt lở
Cụ thể, tại tỉnh An Giang, từ đầu năm 2023 đến ngày 10.8, trên địa bàn đã xảy ra 70 vụ sạt lở với tổng chiều dài 3.391m, trong khi đó, cùng thời điểm này năm ngoái, số vụ sạt lở ở tỉnh này chỉ hơn 20 vụ. Tương tự tại Bến Tre, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng nghiêm trọng. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam thông tin: toàn tỉnh có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 134km. Các ngành chức năng đã di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm. Đồng thời, quản lý chặt không để xây dựng công trình, nhà ở ven sông, ven biển làm tăng nguy cơ sạt lở.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện cũng thông tin, từ năm 2010 đến năm 2022, toàn tỉnh xảy ra sạt lở 222 điểm/khu vực với tổng chiều dài sạt lở 75,6km, gây sụp lún 21.534m kè, thiệt hại 9.940ha hoa màu, cây ăn trái, lúa; 18ha ao tôm, 29ha rừng và đất sản xuất; ảnh hưởng 171 căn nhà, ước giá trị thiệt hại gần 331 tỷ đồng.  Tại Đồng Tháp 5 năm gần đây, diện tích đất bị xói lở khoảng 36,7ha, thiệt hại ước tính 88 tỷ đồng.

Tổng hợp của Bộ NN - PTNT từ báo cáo của các địa phương, từ năm 2016 đến nay, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã xuất hiện tổng số 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134km (bờ sông 666 điểm/744km; bờ biển 113 điểm/390km). Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, mất rừng ngập mặn ven biển diễn ra nghiêm trọng, đáng báo động. Thống kê 50 năm qua, diện tích rừng ngập mặn giảm khoảng 80%, từ năm 2011 - 2016, giảm trên 15.300ha.

Không chỉ sạt lở, ĐBSCL còn phải đương đầu với tình trạng sụt lún, hạ thấp nền đất. Giai đoạn 2012 - 2022, trung bình, mỗi năm, ĐBSCL sụt 0,96cm, nhanh hơn gấp 3 lần so với nước biển dâng; đồng thời, vấn đề mặn xâm nhập, ô nhiễm môi trường, tình trạng ngập úng khi triều cường xảy ra ở nhiều đô thị.

Tích cực triển khai các biện pháp giữ đất, giữ rừng

Trước tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển ngày một nghiêm trọng, nhiều năm qua, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL đã triển khai hàng loạt giải pháp, công trình giữ đất, giữ rừng, bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân. Ở mỗi địa phương đều có các hình thức kết cấu công trình bảo vệ bờ khá đa dạng, phong phú, phù hợp với địa chất, kết cấu của từng nơi. Đó là những công trình dân gian, thô sơ; công trình bán kiên cố; công trình kiên cố. Các tỉnh ven biển cũng triển khai các giải pháp bảo vệ bờ trực tiếp và bảo vệ bờ gián tiếp như làm đê giảm sóng xa bờ.

Bên cạnh đó, cùng với nâng cao nhận thức của người dân về ảnh hưởng của sạt lở, sụt lún, hạn chế khai thác cát lậu, khai thác nước ngầm, khuyến khích người dân bảo vệ cây cối ven sông, không xây cất nhà cửa lấn chiếm lòng sông, không khai thác đất, cát ven sông, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư cho các khu vực bị ảnh hưởng sạt lở, các địa phương cũng chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện cho biết, từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã thực hiện 77 công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển với kinh phí trên 1.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2023, trong điều kiện cấp bách tỉnh đã có chủ trương thực hiện 2 dự án di dân khẩn cấp, 1 công trình khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ sông Cổ Chiên, 4 công trình duy tu, bảo dưỡng và khắc phục sạt lở công trình đê điều trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Bến Tre cũng đã ứng dụng công nghệ mới chế tạo đê mềm trên cơ sở vật liệu cốt sợi phủ polyme nhiệt đới hóa, chống sạt lở, bảo vệ các công trình quốc phòng và dân sinh. Tại Đồng Tháp, theo chia sẻ của Phó Giám đốc Sở NN - PTNT  Huỳnh Tất Đạt, tỉnh đã kiến nghị Trung ương khảo sát, đánh giá toàn tuyến sông Tiền, sông Hậu. Từ đó đưa ra các giải pháp khả thi, lâu dài: "Trước mắt, chúng tôi đang sắp xếp lại các lồng bè để thí điểm dùng lồng bè che chắn, giảm tốc độ dòng chảy tại các huyện Thanh Bình, Cao Lãnh, Hồng Ngự. Đây vừa là giải pháp nằm trong quy hoạch quản lý lồng bè nuôi cá, vừa có thể tạo điều kiện bồi lắng phù sa, phòng chống sạt lở", Phó Giám đốc Sở cho biết.

Còn ở Cà Mau, tỉnh cũng đang gấp rút triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phục hồi rừng tại những khu vực bên trong kè biển, như giải pháp kè bê tông ly tâm dự ứng lực. Được biết từ ngày triển khai phương pháp kè biển ngoài đê, sóng biển vào bờ yếu hơn, bên trong kè bồi tụ nhiều đất bùn, lâu ngày cây rừng tái sinh rồi thành những thảm rừng xanh tươi.

Bài và ảnh: Vũ Châu