Mường Nhé chuyển mình phát triển

- Thứ Bảy, 20/04/2024, 08:50 - Chia sẻ

Nằm ở tận cùng Tây Bắc Tổ quốc, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) là "ngôi nhà chung" của 11 dân tộc anh em. Sau 22 năm thành lập, từ chỗ chồng chất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới hơn 90% thì nay, Mường Nhé đã hoàn toàn đổi khác. Một Mường Nhé yên bình và đang trên đường phát triển với sự chung sức đồng lòng của hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở…

Từ "bốn không" đến "sáu không"

Từ chỗ là xã "bốn không" đầy khó khăn: Không điện, đường, trường, trạm trước kia; Sín Thầu của huyện Mường Nhé nay có "sáu không" mới rất đáng tự hào: Không có người nghiện ma túy, không chặt phá rừng làm nương, không có người du canh du cư, không xuất cảnh trái phép, không sinh con thứ ba, không theo tà đạo, tôn giáo lạ... không có truyền đạo trái phép.

Bấy lâu, gia đình ông Lỳ Tư Xá cũng như nhiều gia đình khác của bản Pờ Nhù Khò, xã Sín Thầu vẫn chăn nuôi chủ yếu bằng hình thức thả rông trên rừng nên hiệu quả kinh tế mang lại thấp, gia súc phát triển chậm. Không những thế, dịch bệnh xảy ra thường xuyên ảnh hưởng rất lớn đến việc chăn nuôi, phát triển đàn.

Được sự phân tích và động viên của cán bộ xã, ông Xá đã mạnh dạn vay vốn từ nguồn hỗ trợ sản xuất của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Mường Nhé để chuyển đổi mô hình kinh tế. Với số tiền 100 triệu đồng, ông đầu tư xây dựng chuồng trại, con giống, chuyển từ chăn thả tự nhiên sang bán chăn thả và nuôi nhốt tập trung, từ đó đã mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn.

Sín Thầu giờ đã không còn nhà tranh vách đất.... Ảnh: Đ. Kiên
Sín Thầu giờ đã không còn nhà tranh vách đất.... Ảnh: Đ. Kiên

Ông Xá phấn khởi cho biết, hiện tại, nhà ông đang có 25 con trâu, bò. Từ khi chuyển đổi mô hình chăn nuôi, đàn gia súc của gia đình phát triển tốt, không xảy ra bệnh tật, lại giảm được công chăm sóc, khi xuất bán được giá hơn so với khi chăn thả tự nhiên.

Làm nên kỳ tích "sáu không" của Sín Thầu phải kể đến A Pa Chải. A Pa Chải - theo đồng bào Hà Nhì có nghĩa là "Bản của người chị". Những năm qua, A Pa Chải đã thật sự là "Người chị gương mẫu"! Cả bản có hơn 40 hộ thì hơn 10 hộ gia đình có đàn trâu, bò từ 40 - 100 con, thu hoạch từ 5 - 10 tấn thóc/năm, thu nhập 50 - 100 triệu đồng/năm; 7 hộ gia đình có mô hình trang trại vừa và nhỏ sản xuất theo mô hình VACR thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Tiêu biểu trong phát triển kinh tế là các hộ gia đình ông Sừng Khai, Chang Váng Sinh, Sùng Phì Sinh, Lỳ Xuyến Phù...

Ông Lỳ Xuyến Phù, bản A Pa Chải, xã Sín Thầu chia sẻ, để phát triển kinh tế, gia đình ông đã bám sát hướng dẫn của lãnh đạo xã, sự hỗ trợ của NHCSXH và Agribank. "Khi nghèo khó, NHCSXH đã giúp gia đình tôi thoát được cái nghèo. Đến nay, cuộc sống ổn định hơn, Agribank lại tiếp sức cho chúng tôi phát triển kinh tế. Hiện nay, gia đình tôi có 7 ao cá, có đàn trâu bò hàng chục con và ngô lúa không bao giờ thiếu" - ông Lỳ Xuyến Phù cho biết.

Lời tâm sự của ông Lỳ Xuyến Phù phần nào nói lên niềm tin của đồng bào A Pa Chải nói riêng và Sín Thầu nói chung vào Đảng, Nhà nước. Có tin, có yêu, đồng bào mới đi theo, làm theo…

Gian nan vẫn còn phía trước

Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu Pờ Mý Lế chia sẻ, để có được kết quả trên Sín Thầu đã phải nỗ lực rất nhiều. Đặc biệt đó là sự quyết tâm, đồng hành của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở. Trong đó, chắc chắn không thể thiếu vai trò của nguồn vốn tín dụng chính sách và tín dụng nông nghiệp, nông thôn.

Với quyết tâm chính trị "Đưa Nhân dân thoát nghèo", Sín Thầu đã làm rõ nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, đó là do ngại đổi mới, chưa chuyển đổi cây trồng vật nuôi, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất và các tệ nạn xã hội... Từ đó, Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng chương trình, xác định mục tiêu, đề ra các giải pháp cụ thể để triển khai và phân công tổ chức thực hiện. Nhiều năm qua, bằng các chính sách, chương trình dự án của Đảng, Nhà nước, Sín Thầu đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư, tập trung phát triển kinh tế.

Đơn cử, thực hiện Chương trình 30a của Chính phủ, hàng trăm hộ nghèo đã xóa được nhà tranh tre nứa lá, giúp đồng bào Hà Nhì định cư, yên tâm lao động sản xuất. Với tinh thần phấn đấu liên tục, 5 năm trở lại đây tỷ lệ hộ nghèo của xã Sín Thầu giảm bình quân từ 6 - 8%/năm.

Một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên diện mạo mới cho Sín Thầu chính là từ Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền và Nhân dân đã có sự đồng thuận cao trong thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới, chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nêu cao vai trò của đảng viên, người có uy tín gương mẫu đi đầu trong phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới.

Nhìn lại hơn 20 năm kể từ khi trên cơ sở tách ra từ huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) từ chỗ hơn 90% hộ dân là hộ nghèo; đến nay, Sín Thầu là xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất huyện Mường Nhé, chỉ còn 20,83%, tỷ lệ che phủ rừng là 73%, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 26 triệu đồng/năm. Trên con đường xây dựng nông thôn mới, bên cạnh sự hỗ trợ của Đảng, Chính phủ qua các chương trình mục tiêu quốc gia thì nguồn vốn chính sách của Agribank và NHCSXH đã giúp nhiều người dân ở xã đầu tư làm ăn kinh tế. Nhờ các chương trình đầu tư lãi suất thấp, người dân Sín Thầu đã có cơ hội đầu tư, phát triển kinh tế trang trại, đem lại nguồn thu ổn định, cải thiện cuộc sống.

Vùng biên Sín Thầu đang khởi sắc, các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với xã biên giới đã và đang đi nhanh vào cuộc sống, nâng cao niềm tin của Nhân dân vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Người dân hăng hái thi đua sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng "điểm sáng văn hóa trên biên giới" ngày càng phát triển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.

Đức Kiên
#