Thái Nguyên

Phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

- Thứ Sáu, 06/10/2023, 07:02 - Chia sẻ

Phát triển công nghiệp và đô thị hóa đồng thời cũng tạo nên áp lực lớn về môi trường, đây là bài toán khó đối với doanh nghiệp và các cấp quản lý; nên ngay từ khi phê duyệt, lựa chọn các dự án đầu tư, tỉnh Thái Nguyên luôn có yêu cầu cao về đánh giá tác động môi trường.

Tạo đột phá, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp 

Trong những năm qua, Thái Nguyên có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn nên đã thu hút được nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển công nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có 7 khu công nghiệp (KCN), với diện tích 2.395ha; hiện có 6/7 KCN đã đi vào hoạt động. 

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên dự lễ kỷ niệm thành lập Công ty TNHH Điện tử Samsung Việt Nam Thái Nguyên
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên dự lễ kỷ niệm thành lập Công ty TNHH Điện tử Samsung Việt Nam Thái Nguyên

Các khu công nghiệp của tỉnh được đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, kết nối giao thông thuận tiện, đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Đây là yếu tố quan trọng để thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhờ đó, trong 10 năm qua, tốc độ công nghiệp hóa của Thái Nguyên luôn nằm trong top đầu cả nước; năm 2021, thu ngân sách tỉnh đạt 18.000 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế năm GRDP đạt 6,51%. 

Theo đó, tỉnh Thái Nguyên tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp phía Nam (huyện Phú Bình, thành phố Phổ Yên, thành phố Sông Công) để thu hút đầu tư, tạo đột phá trong phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp. Tỉnh ưu tiên lựa chọn các dự án có quy mô đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, các nhà đầu tư có tiềm lực và chiến lược đầu tư dài hạn; gắn hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh với chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, kế hoạch xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương. 

Ngoài ra, tỉnh tập trung phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tất cả các ngành, các lĩnh vực; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh; xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, giữa người dân với doanh nghiệp, định hướng gắn kết đến thị trường quốc tế để tạo ra những chuỗi giá trị.

Nhiều công ty lớn đã và đang kinh doanh hiệu quả tại Thái Nguyên cũng luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường, quan tâm đến sức khỏe người lao động để phát triển bền vững như: Tập đoàn Samsung Electronic Thái Nguyên - Việt Nam, Công ty Cổ phần Mansan High - Tech Materials, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG. Đây là những doanh nghiệp có vốn đầu tư hàng tỷ USD và sử dụng nhiều lao động, đóng góp lớn vào thu ngân sách của tỉnh. TNG đang hướng đến và cam kết sự phát triển xanh vì môi trường. Các dự án mà Công ty đầu tư xây dựng ngày càng đổi mới để tiệm cận các tiêu chuẩn phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và Việt Nam. 

Chọn phát triển bền vững, TNG theo đuổi phương châm “Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường” nghiên cứu và từng bước áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững đã được công nhận. Hiện thực hóa sứ mệnh đó, từ năm 2019, Dự án Nhà máy xanh theo tiêu chuẩn Leed, Lotus của TNG đã được triển khai trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, ông Ashley Mcaleese Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Masan High-Tech Materials cho biết: Masan High-Tech Materials xác định bảo vệ môi trường là trách nhiệm của doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững và trách nhiệm cộng đồng.

Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế

Một số dự án có quy mô lớn nhưng nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, hoặc công nghệ không tiên tiến đều không được tỉnh lựa chọn, điển hình như Dự án sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam tại khu công nghiệp Sông Công II có số vốn đầu tư 450 triệu USD đã không được chấp thuận đầu tư tại Thái Nguyên.

Theo Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên Phạm Mạnh Hùng, cho biết, hiện nhà máy hoạt động trong các KCN trên địa bàn tỉnh phát sinh hơn 470 tấn chất thải rắn và khoảng 31.000m3 nước thải/ngày. Để bảo vệ môi trường tại các KCN, Ban Quản lý các KCN tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các công trình bảo vệ môi trường. 

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động xả thải, xử lý chất thải của các nhà máy. Đối với lượng chất thải công nghiệp, gồm: chất thải thông thường và chất thải nguy hại đều được các nhà máy ký hợp đồng với doanh nghiệp đủ điều kiện để xử lý theo quy định.

Đối với các KCN mới được đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, các nhà máy đều lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, bảo đảm xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả vào hệ thống thu gom nước thải chung. Sau đó, toàn bộ nước thải sẽ được thu gom về Khu xử lý nước thải tập trung của KCN. Tại đây, nước thải tiếp tục được xử lý đạt quy chuẩn loại A QCVN 40:2011/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp) trước khi xả ra môi trường.

Đối với một số KCN từ hàng chục năm trước chưa đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải, hiện Ban Quản lý các KCN tỉnh đang đôn đốc chủ đầu tư từng bước hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường bảo đảm theo quy định. Đối với KCN Điềm Thụy A và KCN Sông Công II (do Ban Quản lý các KCN tỉnh làm chủ đầu tư), Ban đã chỉ đạo các đơn vị quản lý hạ tầng nghiên cứu bố trí nhân lực bảo đảm thành lập tổ, chốt kiểm soát hoạt động ra - vào của phương tiện vận chuyển chất thải của các đơn vị dịch vụ xử lý chất thải; các phương tiện vận chuyển chất thải phải được đăng ký ra vào KCN theo yêu cầu của chủ đầu tư. Từ đó, bảo đảm công tác chuyển giao, xử lý chất thải sẽ được quản lý, giám sát chặt hơn.

Tại các KCN, chủ đầu tư hạ tầng đều thực hiện đầy đủ chương trình quan trắc, giám sát môi trường định kỳ theo yêu cầu trong Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, tần suất thực hiện 4 lần/năm. 

Trong đó, quan trắc, giám sát đầy đủ các chỉ tiêu về chất lượng nước thải, khí thải. Kết quả quan trắc, các chỉ tiêu môi trường của các KCN tại Thái Nguyên đều nằm trong giới hạn cho phép của tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về bảo vệ môi trường. 

Thái Nguyên đang sở hữu đầy đủ các yếu tố cần thiết để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, ngay cả những nhà đầu tư khó tính nhất. Do đó, với định hướng và giải pháp liên quan đến phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư được nêu trong Quy hoạch sẽ góp phần củng cố năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư của tỉnh, từ đó kiến tạo thêm cơ hội để tỉnh thu hút “đại bàng” đến làm tổ. 

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng từng nhấn mạnh trước các nhà đầu tư rằng, Thái Nguyên là “mảnh đất hứa” trong đầu tư với những chính sách ưu đãi đặc thù. Tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí đào tạo, đào tạo lại cho người lao động. Đây là cơ chế riêng của Thái Nguyên. Các nhà lãnh đạo của tỉnh đều trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm... Sự nhiệt huyết, quyết liệt và thống nhất trong chỉ đạo, điều hành đã tạo nên một chính quyền kiến tạo, đưa ra nhiều quyết định bứt phá.

Văn Anh