Thái Nguyên: Phát triển cụm công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư

- Thứ Năm, 17/11/2022, 21:16 - Chia sẻ

Hiện nay, Thái Nguyên đã quy hoạch 41 cụm công nghiệp (CCN), với tổng diện tích 2.067ha. Việc đầu tư đưa các cụm CCN mới vào hoạt động sẽ đóng góp tích cực vào việc nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho lao động địa phương, tăng thu cho ngân sách nhà nước...

Hình thành nhiều cụm công nghiệp với diện tích lớn

Đúng theo cam kết và tiến độ triển khai, chưa đầy 7 tháng sau khi được cấp quyết định thành lập, CCN Tân Phú 1 và Tân Phú 2, CCN Lương Sơn ra đời. Với mức đầu hơn 800 tỷ đồng, các CCN đã chính thức được khởi công. Với vị trí thuận lợi, được đầu tư đồng bộ, hiện đại về hạ tầng kỹ thuật, các CCN này được kỳ vọng sẽ phát triển thành các cụm logistics xanh, thông minh và khu vực hóa chuỗi cung ứng...

Nằm kề Khu công nghiệp Yên Bình, các CCN Tân Phú 1 và Tân Phú 2 với diện tích 75ha, có điều kiện thuận lợi để dễ dàng là thu hút các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, hợp tác chuyển giao công nghệ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả sử dụng tài nguyên và lao động và giá trị gia tăng cao…

Phát triển cụm công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư -0
Lễ khởi công cụm nghiệp Tân Phú 1 và Tân Phú 2 và cụm công nghiệp Lương Sơn, Thái Nguyên. (nguồn ITN).

Với lợi thế có trục kết nối giao thông với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, từ 2 CCN này, chỉ mất 30 phút để di chuyển đến sân bay Nội Bài và khoảng 1 giờ để đến trung tâm Thủ đô Hà Nội, thuận tiện kết nối đến Cảng nước sâu Cái Lân (Quảng Ninh) hay cảng Đình Vũ (Hải Phòng).

Trong khi đó, CCN Lương Sơn có diện tích gần 35 ha tại phường Lương Sơn, thành phố Sông Công có tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, có vị trí thuận lợi để kết nối giao thương với Hà Nội, Hải Phòng, cửa khẩu Lạng Sơn...

Với vị trí chiến lược, thuận lợi, các CCN này được nhà đầu tư quy hoạch phát triển thành các cụm logistics thông minh và khu vực hóa chuỗi cung ứng, đồng thời phát triển logistics xanh, nhằm thu hút các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, có hợp tác chuyển giao công nghệ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả sử dụng tài nguyên và lao động, có giá trị gia tăng cao…

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần SAIGONTEL - chủ đầu tư các CCN Tân Phú 1, Tân Phú 2 và Lương Sơn khẳng định, SAIGONTEL đã vạch ra chiến lược phát triển các CCN theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường. Các CCN được đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo khả năng cung ứng điện, viễn thông, cấp thoát nước, xử lý nước thải cùng những dịch vụ hỗ trợ… Từ đó, đáp ứng yêu cầu và tiêu chuẩn của một CCN hiện đại, phát triển bền vững, giúp nhà đầu tư yên tâm chọn lựa.

Hơn 41 cụm công nghiệp sẵn sàng đón sóng đầu tư

Theo báo cáo, Thái Nguyên đã quy hoạch 41 CCN, với tổng diện tích 2.067ha. Đặc biệt, CCN Tân Phú 1 và Tân Phú 2 là 2 trong số 6 CCN mới được tỉnh bổ sung quy hoạch và nhanh chóng được triển khai xây dựng. Sự hình thành và phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tăng thu nhập cho người dân tại các địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng chia sẻ, nhằm cụ thể hóa định hướng của tỉnh về phát triển các CCN theo chiều sâu, cũng như dịch chuyển quy hoạch các CCN trên địa bàn theo hướng từ vùng khó khăn đến các địa phương có điều kiện hạ tầng và tiềm năng thu hút đầu tư tốt hơn, trong năm 2022, tỉnh Thái Nguyên còn đưa ra khỏi quy hoạch 5 CCN và giảm diện tích quy hoạch đối với 3 CCN.

Đối với các CCN đã có nhà đầu tư hạ tầng, đều đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai để sớm đi vào hoạt động. Hiện, 22 CCN đã có chủ đầu tư hạ tầng, với 65 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư là trên 9.400 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, để thu hút doanh nghiệp vào khu, CCN, Thái Nguyên cam kết tạo môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng, thuận lợi, tích cực hỗ trợ nhà đầu tư ngay từ giai đoạn đầu thực hiện dự án. Đồng thời, vận dụng chế độ, chính sách chung của Đảng, Nhà nước và cơ chế đặc thù của tỉnh để có những ưu đãi, khuyến khích đầu tư, tạo động lực, đột phá trong phát triển công nghiệp.

"Đây cũng chính là một trong 6 khâu đột phá để hiện thực hóa tầm nhìn, khát vọng đưa Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030" - Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng nhấn mạnh.

Ngoài việc thu hút đầu tư, theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng, quan điểm của địa phương là phát triển công nghiệp phải gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Đặc biệt, nói không với những dự án lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường…

Tùng Dương
#