Thanh Hóa chủ động, linh hoạt ứng phó với mưa lũ

- Chủ Nhật, 01/10/2023, 08:05 - Chia sẻ

Từ ngày 25.9.2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng, khiến mực nước nhiều tuyến sông dâng cao đến mức báo động II, báo động I. Lũ lớn đã làm ngập úng hàng ngàn hécta hoa màu; ngập hàng trăm nhà dân; sạt lở trên nhiều tuyến đường giao thông, bờ bãi sông... UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện nhiều biện pháp chủ động, linh hoạt ứng phó với mưa lũ nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân.  

Khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp

Ngay sau khi mưa lớn xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã phát đi công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố đình hoãn các cuộc họp không thực sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai ứng phó với mưa lũ. Theo đó, cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành liên quan và các công ty khai thác công trình thủy lợi đã tập trung chỉ đạo, huy động phương tiện, thiết bị khẩn trương tiêu úng bảo vệ lúa, hoa màu; sẵn sàng phương án cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn cho người dân ở những khu vực nguy hiểm.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra, nắm tình hình, kịp thời chỉ đạo từng ngày, từng giờ để các địa phương chủ động ứng phó với mưa lũ
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra, nắm tình hình, kịp thời chỉ đạo từng ngày, từng giờ để các địa phương chủ động ứng phó với mưa lũ

Nằm ven sông Bưởi, huyện Thạch Thành là một trong những huyện thường xuyên chịu thiệt hại trong các đợt mưa lũ. Chủ tịch UBND huyện Đinh Văn Hưng cho biết, trước tình hình mưa lớn diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Thạch Thành đã phát lệnh báo động 2 trên sông Bưởi. Yêu cầu các xã, thị trấn, cơ quan đóng trên địa bàn sẵn sàng tổ chức sơ tán các hộ dân đến nơi an toàn; sơ tán ngay người già, trẻ em tại các khu vực đang sạt; bố trí các tổ, chốt tuần tra, hướng dẫn giao thông tại các điểm xung yếu để cảnh báo và hỗ trợ người dân tránh xa khu vực nguy hiểm.... Nhờ đó, trong đợt mưa lũ này, trên địa bàn huyện không có thiệt hại về người.

Gia đình bà Trần Thị Lan (khu phố Ngọc Bồ, thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành) dường như đã có nhiều kinh nghiệm “chạy lũ”. Bà Lan chia sẻ: “Mỗi lần mưa lớn kéo dài thì các cấp chính quyền đều tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ người dân sơ tán đồ đạc, của cải, vật dụng. Cùng với đó, di dời những hộ ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Vừa được hỗ trợ của chính quyền, vừa có kinh nghiệm sống ở đây lâu dài nên đợt mưa này gia đình tôi chủ động dọn dẹp đồ đạc, vật dụng lên khu vực cao. Chúng tôi cũng chủ động di chuyển đến nhà người thân để trú ẩn, khi nào lũ rút thì về”.

Còn bà Ngô Thị Nông (thôn Định Hưng, Thạch Định, Thạch Thành) mấy ngày nay luôn lo lắng căn nhà mới xây của gia đình người con trai bị lũ cuốn do nằm ngay sát khu vực sạt lở ở bờ sông Bưởi. Tuy nhiên, gia đình bà cũng chấp hành, chủ động thực hiện yêu cầu của chính quyền địa phương về lệnh di dời để bảo đảm an toàn tính mạng.

Trong những ngày mưa lũ lớn, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thường xuyên trực tiếp kiểm tra, nắm tình hình, kịp thời chỉ đạo từng ngày, từng giờ để các địa phương chủ động trong quá trình ứng phó với mưa lũ. Do đó, không chỉ Thạch Thành, các địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là 11 huyện miền núi luôn trong tâm thế sẵn sàng, khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống, kịp thời ứng phó với diễn biến bất thường trong mưa lũ. Trong đó, lực lượng công an, quân đội có vai trò quan trọng, trực tiếp thực hiện các biện pháp.

Tập trung khắc phục hậu quả sau lũ

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa, tính đến sáng ngày 30.9, mưa lũ gây ngập nước 1.123ha lúa, hơn 2.800ha rau màu, các cây trồng khác; sạt lở đê cấp IV trở xuống tại 2 vị trí, 550m bãi sông; gây hư hỏng 4 đập thủy lợi, 7 điểm trường học bị ảnh hưởng; các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở ta - luy, xói lở, sa bồi mặt đường tại nhiều vị trí; đã có 3 người tử vong do mưa lũ.

Sáng 30.9, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã đến thăm hỏi, động viên, chia buồn với các gia đình có người thân bị thiệt mạng do đuối nước tại thị xã Nghi Sơn, các huyện Như Xuân và Bá Thước. Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quan tâm, động viên, giúp đỡ gia đình vượt qua khó khăn; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường các giải pháp phòng, chống đuối nước cho trẻ em và khuyến cáo người dân không ra sông, suối đánh bắt cá khi mưa lũ. Đối với các khu vực nguy hiểm cần cắm biển cảnh báo, để tránh xảy ra tình trạng đuối nước thương tâm.

Thời điểm hiện tại, mặc dù mưa lớn đã ngừng, nước lũ bắt đầu rút trên các tuyến sông, song tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn có mưa nhẹ rải rác. Các địa phương đã và đang tiếp tục thực hiện Công điện số 11, ngày 29.9 của Chủ tịch UBND tỉnh về yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả sau lũ trên tinh thần “sẵn sàng” ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản và tính mạng của người dân.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố chủ động rà soát, tổ chức sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, hỗ trợ các hộ có nguy cơ thiếu đói; kiểm soát chặt việc đi lại qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn, quản lý chặt không để người dân đi đánh cá, vớt củi trên các sông, suối khi đang có lũ; có phương án bảo đảm an toàn cho học sinh tại các khu vực bị ngập lụt. Kịp thời huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả thiên tai và tổ chức tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra...

Đào Cảnh