Đích đến của chính quyền đô thị

- Thứ Ba, 27/10/2020, 08:19 - Chia sẻ

Chiều qua, 26.10, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh (dự thảo Nghị quyết) đã được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội. Nội dung này sẽ còn được Quốc hội thảo luận trong đợt 2 trước khi xem xét thông qua vào cuối Kỳ họp.

Trong phiên thảo luận đầu tiên, đa số đại biểu Quốc hội tán thành đề xuất của Chính phủ về việc Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết để áp dụng trực tiếp, song song với Luật Tổ chức chính quyền địa phương trên địa bàn TP Hồ Chí Minh mà không cần thực hiện thí điểm như đối với TP Hà Nội và Đà Nẵng. Tuy vậy, dự thảo Nghị quyết này vẫn còn khá nhiều vấn đề cần được xem xét thận trọng hơn. Trong đó, vấn đề hết sức quan trọng là đổi mới tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của HĐND thành phố như thế nào, tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực ở những nơi không tổ chức HĐND ra sao, tên gọi của cơ quan hành chính ở quận, phường thế nào...

Thực tế, thí điểm không tổ chức HĐND quận, phường ở một số địa phương trước đây đã cho thấy đây là những vấn đề căn cốt bảo đảm sự vận hành thông suốt, hiệu quả của cơ quan hành chính tại quận, phường mà không tạo ra khoảng trống về kiểm soát quyền lực nhà nước trong điều kiện không có HĐND quận, phường thay mặt nhân dân địa phương quyết định, giám sát các vấn đề thuộc thẩm quyền. 

Tiếc là, dự thảo Nghị quyết lại chưa đề ra được giải pháp đổi mới thiết thực nào về tổ chức và phương thức hoạt động của HĐND thành phố. Những yếu tố cốt lõi có thể gia tăng “sức mạnh” của HĐND thành phố như cơ cấu tổ chức, số lượng đại biểu HĐND, đặc biệt là số lượng đại biểu HĐND chuyên trách vẫn được giữ nguyên như quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Cả Tờ trình và dự thảo Nghị quyết cũng chưa làm rõ được phương thức hoạt động của HĐND thành phố sẽ được đổi mới thế nào để đáp ứng khối lượng công việc, phù hợp với điều kiện tổ chức chính quyền đô thị mới mà vẫn bảo đảm quyền dân chủ đại diện của người dân.

Tên gọi của cơ quan hành chính ở quận, phường cũng được Chính phủ đề xuất giữ nguyên là UBND. Nhưng đây không chỉ đơn giản là vấn đề tên gọi, không phải cứ gọi thế nào cũng được mà có thể gây ra những hệ lụy rất phức tạp. Bởi theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, UBND có sự khác biệt cơ bản về địa vị pháp lý, tính chất, cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động so với cơ quan hành chính tại các địa bàn không tổ chức HĐND. Cụ thể, UBND ở cấp chính quyền địa phương do HĐND cùng cấp bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm còn UBND nơi không tổ chức HĐND là cơ quan hành chính trực thuộc UBND cấp trên, do Chủ tịch UBND cấp trên bổ nhiệm, cách chức.

Mặt khác, UBND ở nơi tổ chức HĐND phải chịu trách nhiệm trước HĐND cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên còn UBND ở nơi không tổ chức HĐND thì dự thảo Nghị quyết lại chưa quy định chế độ trách nhiệm cụ thể. Việc giữ tên gọi cơ quan hành chính quận, phường là UBND sẽ gây ra nhiều khó khăn, phức tạp trong cách hiểu và cách thức quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND tại các văn bản quy phạm pháp luật khác, ảnh hưởng đến tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Một điểm mới quan trọng khác của dự thảo Nghị quyết là quy định UBND quận, phường (nơi không có HĐND) sẽ làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Nhưng cụ thể phương thức hoạt động của UBND quận, phường này trong điều kiện làm việc theo chế độ thủ trưởng thế nào cũng chưa rõ. Nếu không có những quy định rõ ràng, mạch lạc về phương thức hoạt động của các UBND quận, phường này thì rất khó có thể vừa đề cao trách nhiệm, quyền hạn, sự chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ở quận, phường vừa bảo đảm được nguyên tắc tập trung dân chủ trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn.    

Nhiều vấn đề còn băn khoăn khác cũng đã được Ủy ban Pháp luật chỉ rõ trong Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết. Nói đúng hơn, những vấn đề còn vướng, còn lấn cấn như vậy cũng đã được bàn thảo, tranh luận rất nhiều từ khi Quốc hội xem xét, quyết định ban hành Nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội và Đà Nẵng. Nhưng đến nay, theo Ủy ban Pháp luật, vẫn chưa tìm được phương án xử lý thật thuyết phục, triệt để các vấn đề này mà vẫn phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để hoàn thiện sau khi Hà Nội, Đà Nẵng thực hiện thí điểm.

Với một đô thị loại đặc biệt, có diện tích tự nhiên rộng, quy mô dân số, quy mô kinh tế và cường độ hoạt động kinh tế lớn nhất cả nước như TP Hồ Chí Minh thì vấn đề giám sát, kiểm soát quyền lực đối với cơ quan hành chính ở địa phương khi không có HĐND càng phải được xem xét thận trọng. Dù Quốc hội đồng ý ban hành nghị quyết thực hiện ngay, ổn định tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh thì vẫn cần yêu cầu Chính phủ giải trình tường tận các cơ chế bảo đảm sự giám sát và kiểm soát quyền lực nhà nước đối với cơ quan hành chính quận, phường. Bởi bất kỳ sự đổi mới nào về tổ chức chính quyền địa phương thì đích đến cuối cùng vẫn phải là phục vụ nhân dân tốt hơn và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân thực chất hơn, hiệu quả hơn. 

Hải Lam