Dịch tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của nền kinh tế

- Thứ Năm, 30/09/2021, 07:12 - Chia sẻ
Số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2021 do Tổng cục Thống kê công bố sáng 29.9 đã định lượng cụ thể tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Trung bình mỗi tháng có 10.000 doanh nghiệp rời thị trường và tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 3,04%.
	Quang cảnh buổi họp báo Ảnh: Minh Trang
Quang cảnh buổi họp báo
Ảnh: Minh Trang

GDP quý III giảm sâu nhất từ trước đến nay

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III ước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. 

Tính chung 9 tháng, GDP ước tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cục Thống kê cho rằng đây là một thành công trong bối cảnh  dịch  ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, đóng góp 98,53%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05%.

9 tháng qua, nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục đóng vai trò là “bệ đỡ” cho nền kinh tế. Ngành nông nghiệp tăng 3,32%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Tăng trưởng âm trong 9 tháng của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Trong đó, ngành bán buôn, bán lẻ giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,3 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành vận tải kho bãi giảm 7,79%, làm giảm 0,47 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 23,18%, làm giảm 0,57 điểm phần trăm. Ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất với mức tăng 21,15%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,37%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm. Ngành thông tin và truyền thông tăng 5,24%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm.

CPI tăng thấp nhất kể từ năm 2016

So với tháng 8.2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 giảm 0,62%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 5 nhóm giảm giá là nhà ở và vật liệu xây dựng, giáo dục, giao thông, hàng ăn và dịch vụ ăn uống, bưu chính viễn thông. 6 nhóm tăng giá gồm: Đồ uống và thuốc lá, thiết bị và đồ dùng gia đình, thuốc và dịch vụ y tế, may mặc, văn hóa giải trí và du lịch, hàng hóa và dịch vụ khác.

Quý III, CPI bình quân tăng 2,51% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng, CPI tăng 1,82% so với cùng kỳ năm 2020, thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 9 tháng tăng 0,88%.

10.000 doanh nghiệp rời thị trường mỗi tháng

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, dịch Covid-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản; chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp; và số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 9 có sụt giảm tới 62,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 9 tháng, tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3%. Bình quân một tháng có 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Từ đó, tình hình lao động, việc làm cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quý III giảm 2,4 triệu người so với quý trước và giảm 2,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 3,72%, mức tăng cao nhất kể từ quý I.2020. Tính chung 9 tháng, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 49,1 triệu người, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước là 2,67%  

Trước tình hình đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Tính đến ngày 21.9, tổng kinh phí đã hỗ trợ là gần 13,8 nghìn tỷ đồng cho gần 17,6 triệu đối tượng, trong đó có 11,4 nghìn tỷ đồng được chi cho 23 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh. Riêng TP. Hồ Chí Minh đã chi trên 5.446 tỷ đồng (chiếm 40% toàn quốc) hỗ trợ trên 4,81 triệu đối tượng (chiếm 27,3% toàn quốc) và trao 1,8 triệu túi an sinh xã hội cho người dân.

Để khôi phục kinh tế, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng cần phải kiểm soát được dịch bệnh cùng với sự hướng dẫn và xây dựng khung y tế để khoanh vùng trong phạm vi hẹp nhất. Ngoài ra cần tăng cường kết nối, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, theo dõi sát thị trường trong nước và quốc tế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Minh Trang