Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Điểm hẹn tâm linh của con Lạc cháu Hồng

- Thứ Tư, 21/04/2021, 08:25 - Chia sẻ
Là sự chắt lọc, kết tinh và thăng hoa theo thời gian của tâm thức về nguồn cội dân tộc, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, tín ngưỡng thờ các Vua Hùng - biểu tượng Quốc Tổ đã luôn được duy trì, trở thành sức mạnh nội lực có sức lan tỏa mãnh liệt, cố kết toàn dân tộc cùng vượt qua gian nan thử thách trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.
Giỗ Tổ Hùng Vương - ngày hội của dân tộc Việt
Nguồn: ITN

Cùng chung một cội

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, truyền thuyết về cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ với "bọc trăm trứng", một huyền thoại mở đất, mở nước từ thời đại các Vua Hùng đã ăn sâu vào tâm thức mỗi người Việt Nam. Truyền thuyết này chứa đựng triết lý nhân văn sâu sắc, lý giải dân tộc Việt Nam có chung cội nguồn, chung dòng máu Lạc Hồng, để rồi, nghĩa “đồng bào” từ đó mà sinh ra.

Nhớ ơn những người có công khai sơn lập quốc, từ lâu, Nhân dân ta đã tôn thờ Quốc Tổ, biểu hiện cao nhất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt. Điều đặc biệt là trải qua bao biến cố của lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn luôn chiếm vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc; được bảo tồn và lưu giữ qua bao nhiêu thế hệ, với sức sống lâu bền và ngày một lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, tồn tại qua mọi thể chế chính trị.

Theo PGS.TS. Bùi Quang Thanh, người tham gia xây dựng hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” trình UNESCO, điểm độc đáo ở đây là việc Quốc Tổ Hùng Vương được Nhân dân Việt Nam tôn vinh, nhưng lại không chiếm thế độc tôn tại bất kỳ sinh hoạt tín ngưỡng nào. Đây cũng là tín ngưỡng mà các triều đại phong kiến trong lịch sử đều chú trọng khuyến khích người dân duy trì.

Sử sách ghi lại rằng tục thờ cúng Hùng Vương đã phát triển rất mạnh từ thế kỷ XII - trước khi chính thức được vinh danh vào thời Lê Thánh Tông. “Hùng đồ thập bát diệp thánh vương ngọc phả cổ truyền” được nhà Lê biên soạn vào năm Nhâm Thìn (1472) đã ghi chép các thần tích về Hùng Vương và nêu rõ, từ đời nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến triều đại Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa (nay là làng Cổ Tích)... Sau đó, việc tham gia tôn vinh Quốc Tổ của dân tộc Việt được duy trì khá đều đặn trong toàn cộng đồng và liên tục phát triển mở rộng theo tiến trình lịch sử.

Thời nhà Nguyễn, triều đình cấp tiền tu sửa, tôn tạo đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, đền Giếng. Các vua nhà Nguyễn theo lệ cứ 5 năm (vào năm tròn, năm chẵn) nhà nước đứng ra tổ chức Lễ Giỗ Tổ (Quốc lễ) tại Đền Hùng, còn các năm lẻ do địa phương tổ chức. Vào năm Khải Định thứ 2 (1917), quan tuần phủ Lê Trung Ngọc đã xin Bộ Lễ “ấn định ngày Quốc lễ vào 10.3 âm lịch hằng năm làm ngày cả nước làm lễ tế Vua Hùng”.

Thế kỷ XX, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho cả dân tộc. Cũng bởi vậy, ngay sau khi Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 18.2.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN lấy ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10.3 âm lịch hằng năm làm ngày lễ quốc gia, cho công chức nghỉ để tổ chức các hoạt động tưởng nhớ các vua Hùng. Điều này tiếp tục được kế thừa trong thời đại ngày nay, nhằm nhắc nhớ về lịch sử dân tộc, truyền thống uống nước nhớ nguồn, khích lệ niềm tự hào cội nguồn quốc gia...

Ngày 6.12.2012, UNESCO đã chính thức đưa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều này khẳng định tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ là biểu tượng tuyệt vời của sự nghiệp thống nhất quốc gia, cố kết dân tộc Việt Nam, mà còn có giá trị nổi bật toàn cầu, được nhân loại kính ngưỡng. GS.TS. Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết: “Khi tham gia vào quá trình chuẩn bị hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, điều tôi quan tâm nhất là sự khác biệt của tín ngưỡng này. Tiêu chí được UNESCO đánh giá cao ở tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là giá trị tín ngưỡng với sự sáng tạo của người Việt gắn với 18 vị Vua Hùng, gắn với khởi thủy của quốc gia, dân tộc là Nhà nước Văn Lang. Điều này khác hoàn toàn với tôn giáo, vì tôn giáo chỉ có một nhân vật trung tâm... Mặc dù là di sản văn hóa phi vật thể, nhưng trong tâm thức người Việt, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành 'vật thể', là sợi dây cố kết người Việt với nhau”.

Biểu tượng của khát vọng độc lập, tự chủ

Lời thề của Trưng Trắc khi đất nước gặp họa xâm lăng: "Một xin rửa sạch nước thù - Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng” còn được lưu lại tới ngày nay. Qua đó cho thấy, ý thức về cội nguồn đã tạo nên tinh thần yêu nước, tinh thần tự cường dân tộc, ý thức độc lập, tự chủ của mỗi người dân Việt Nam. Từ bao đời nay, nguồn sức mạnh tinh thần ấy đã giúp cho dân tộc Việt Nam vững vàng vượt qua mọi gian nan thử thách, đoàn kết, gắn bó keo sơn để chiến thắng mọi thiên tai và kẻ thù.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, tập tục thờ cúng Hùng Vương được khẳng định sớm trong cuốn “Lĩnh Nam Chích quái” do Vũ Quỳnh đề tựa vào thời Lê Thánh Tông. Khi đó, với tinh thần độc lập dân tộc và khẳng định văn hóa quốc gia Đại Việt sau chiến thắng quân Minh, những biểu tượng thần thoại truyền thuyết về cội nguồn quốc gia được nâng cao, và việc thờ cúng Vua Hùng vừa tiếp nối những thần thoại trước đó ở đất Lĩnh Nam, vừa khẳng định sâu sắc nền độc lập của quốc gia.

Hay vào ngày Giỗ Tổ năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch Nước, đã thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chủ trì lễ dâng hương tại Đền Hùng. Cụ đã dâng lên bàn thờ các Vua Hùng tấm bản đồ Việt Nam và thanh kiếm - thể hiện ý nguyện đoàn kết một lòng, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược để giữ yên bờ cõi.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7.5.1954), ngày 9.9.1954, tại Đền Giếng trong quần thể Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đây là nguồn động lực vô cùng to lớn dẫn dắt cả dân tộc làm nên những kỳ tích của thời đại Hồ Chí Minh.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng: “Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng của người Việt có hai ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đó là khẳng định nền độc lập của quốc gia Đại Việt được xây dựng trong lịch sử và hướng về cội nguồn chung của đất nước, của dân tộc”.

Cố Giáo sư sử học Hà Văn Tấn từng khẳng định: “Không nơi nào trên thế giới, mà ở đó tất cả mọi người đều tin rằng họ có một ngôi mộ tổ tiên chung, một đền thờ tổ tiên chung, để vào một ngày hàng năm, họ lại hành hương đến tưởng niệm như ở Việt Nam”.

Trong xã hội đương đại, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng khẳng định vị trí vững chắc. Cứ đến ngày 10.3 âm lịch hằng năm, dù ai ở gần hay xa, đều hướng tâm tưởng về núi Nghĩa Lĩnh, tưởng nhớ các Vua Hùng mở cõi, tạo dựng hình hài đất nước. Từ cộng đồng người Việt ở Phú Thọ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lan tỏa mở rộng ra phạm vi cả nước, trở thành nét đẹp trong phong tục tập quán của cộng đồng. Ngoài 3 ngôi đền trên núi Nghĩa Lĩnh thờ Hùng Vương, vùng trung tâm tín ngưỡng ở Phú Thọ có hơn 100 làng với 345 di tích gắn liền với tín ngưỡng này, và trên phạm vi cả nước, có hơn 1.400 di tích thờ Hùng Vương. Ngoài ra, cộng đồng người Việt tại nhiều quốc gia cũng tổ chức các hoạt động hướng về Giỗ Tổ, tiêu biểu là dự án ''Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu”, thu hút sự tham gia của đông đảo kiều bào tại nhiều nước...

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng nay đã trở thành ngày hội của non sông, ngày hội chung của những người mang dòng máu Việt. Đức tin tín ngưỡng thuần Việt - thờ cúng Quốc Tổ đã vượt qua mọi thời đại để trở thành biểu tượng cho khát vọng trường tồn, độc lập tự chủ, và ước mơ về sự phồn vinh của quốc gia, dân tộc.

Ngọc Phương