Điểm nghẽn hàng thiết yếu

- Thứ Sáu, 30/07/2021, 06:32 - Chia sẻ
“Thiết yếu” có lẽ là cụm từ được người dân nhắc đến nhiều nhất thời gian qua, gần như là “giấy thông hành” để người dân được phép ra đường, hàng hóa được phép lưu thông qua các địa phương. Tuy nhiên, thế nào là các mặt hàng thiết yếu, nhu cầu thiết yếu thì lại rất khó cụ thể hóa. Đã có tình trạng mỗi địa phương lại hiểu một cách khác nhau dẫn đến thực hiện không thống nhất trên cả nước.

Tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chỉ có những mặt hàng thiết yếu mới được phép kinh doanh để phục vụ nhu cầu của người dân. Bộ Công thương cũng đã công bố quy định 4 nhóm hàng hóa thiết yếu. Tuy nhiên, nhiều nơi các cơ quan kiểm soát đánh giá hàng thiết yếu tập trung vào lương thực thực phẩm dẫn đến nhiều hàng hóa tiêu dùng cũng cần thiết với người dân nhưng không được tạo điều kiện thuận lợi để vận chuyển. Do đó, một số loại nguyên - phụ liệu, vật tư để sản xuất hàng thiết yếu đã liên tục bị yêu cầu quay đầu tại các điểm chốt kiểm dịch ở nhiều địa phương.

Vì cách hiểu khác nhau nên có thể mặt hàng này đối với tỉnh này là hàng thiết yếu, nhưng sang tỉnh khác rất có thể đó không phải hàng thiết yếu. Có tỉnh thì 4 nhóm, tỉnh thì 6 nhóm; nơi chi tiết, nơi chung chung. Tại Tây Ninh, danh mục hàng thiết yếu còn có thêm các mặt hàng kim khí, điện máy phục vụ các hoạt động của gia đình, nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh. Cần Thơ còn nêu chi tiết bánh mỳ, bánh bao, bún, hủ tiếu… nằm trong nhóm hàng thực phẩm, là những hàng hóa thiết yếu. Khánh Hòa lại bổ sung thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y vào danh sách hàng hóa thiết yếu…

Thực ra, cũng khó trách các địa phương hiểu khác nhau bởi cho dù danh mục hàng thiết yếu có chi tiết, cụ thể đến đâu thì cũng khó có thể khẳng định là không bỏ sót mặt hàng nào đó, có thể liệt kê đầy đủ hết được. Thông thường, các văn bản quy phạm pháp luật chỉ quy định danh mục hàng hóa cấm hoặc hạn chế kinh doanh, ít khi liệt kê danh mục được phép. Trước nhiều ý kiến góp ý, Bộ Công thương đã trình Thủ tướng, đề xuất cho phép hàng hóa được lưu thông bình thường với điều kiện bảo đảm phòng dịch, trừ các mặt hàng thuộc danh mục hàng cấm, hạn chế kinh doanh. Như vậy, có thể áp dụng nguyên tắc loại trừ các mặt hàng cấm, còn lại sẽ được áp dụng “luồng xanh” để lưu thông.

Nếu được chấp thuận, đây có thể sẽ là bước đột phá trong thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Cách làm này cũng dễ vận dụng, dễ triển khai đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương, tránh tình trạng mỗi nơi "định nghĩa" hàng thiết yếu một kiểu, gây ra tình trạng ngăn sông cấm chợ. Và quan trọng hơn, điều này cũng sẽ thay đổi tư duy về hạn chế tiếp xúc không nhất thiết phải đi kèm hạn chế lưu thông hàng hóa. Hoạt động vận chuyển phải đáp ứng được mục tiêu đưa hàng thiết yếu đến tay người tiêu dùng, bảo đảm hạn chế tiếp xúc tối đa, không để lây nhiễm Covid-19 chứ không phải nằm ở việc phân biệt hàng hóa thiết yếu đến mức nào.

Chi An