Điểm nghẽn trong chính bộ máy

- Thứ Bảy, 17/04/2021, 06:40 - Chia sẻ
Sau hơn ba thập niên Đổi mới, kinh tế tư nhân, dù khởi đầu nhỏ bé và gần như có quy mô không đáng kể đã lớn mạnh không ngừng, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Nghị quyết số 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ghi nhận những đóng góp to lớn của khu vực này, đồng thời đề ra những hướng đi mới nhằm phát triển kinh tế tư nhân, đưa khu vực này trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhìn lại nhiệm kỳ Khóa XIV của Quốc hội, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tại Nghị quyết 26 về kế hoạch trung hạn đã đề ra nhiệm vụ phát huy tối đa tiềm lực của mọi thành phần kinh tế ngoài nhà nước, Nhà nước chỉ đầu tư cho những lĩnh vực dự án mà các thành phần kinh tế khác không thể đầu tư. Tiếp đó, Quốc hội cũng đã ban hành Luật về đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) nhằm huy động tối đa nguồn lực tài chính, kỹ thuật từ thành phần kinh tế tư nhân để góp sức cùng khu vực nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội. 

Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường đã qua có thể thấy, việc huy động tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước chưa đạt được mục tiêu như mong muốn, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư cho hạ tầng quốc gia. Trong cả nhiệm kỳ có rất nhiều dự án hạ tầng giao thông đã phải chuyển từ hình thức PPP sang đầu tư công (100% vốn nhà nước). Có thể kể đến 8 dự án thuộc tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, các dự án thuộc tuyến đường ven biển và nhiều dự án BOT ở một số địa phương. Tỷ lệ đầu tư từ khối tư nhân trong tổng vốn đầu tư tại thời điểm cao nhất cũng chỉ đạt được 45,6%, thấp hơn nhiều nước trên thế giới. Tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIV, các đại biểu đã chỉ ra rằng, tình trạng này có nguyên nhân khách quan nhưng cũng có những nguyên nhân chủ quan.

Trong khi đó, phát triển hạ tầng quốc gia, trước mắt là hạ tầng giao thông là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vừa giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngắn hạn, vừa chuẩn bị nền tảng cho phát triển dài hạn.

Bởi vậy, trong phiên họp của Chính phủ ngày 15.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ưu tiên cao về giải ngân đầu tư công, đặc biệt tập trung vào các dự án hạ tầng trọng điểm. Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch. Đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua, xác định rõ khó khăn, vướng mắc để xử lý.

Như vậy có thể thấy những khó khăn lớn từ huy động khu vực tư nhân tham gia PPP đã buộc Chính phủ, trong ngắn hạn, phải quay lại dựa vào nguồn lực công và vốn ngân sách.

Sự chuyển hướng của Chính phủ nhằm thích ứng với hoàn cảnh hiện tại của đất nước là có thể hiểu được. Tuy nhiên về dài hạn, huy động nguồn lực xã hội, đầu tư tư nhân vẫn là cần thiết. Định hướng của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội đã xác định hướng đi và đòi hỏi Chính phủ cần tiếp tục nỗ lực để hiện thực hóa chủ trương đúng đắn này.

Nguồn lực khu vực tư nhân là dồi dào, nhưng điểm nghẽn phần lớn đến từ chính sách cụ thể, từ quy trình, thủ tục thực hiện của các bộ, ngành và địa phương. Nói cách khác, điểm nghẽn nằm trong chính bộ máy nhà nước chứ không phải khu vực tư. Do đó, Chính phủ sẽ cần hành động quyết liệt hơn nữa, tập trung hơn nữa để khắc phục những vấn đề của chính bộ máy. Có như vậy mới phát huy được sức mạnh tổng hợp, huy động được mọi nguồn lực, khơi dậy khát vọng phát triển trong mỗi người dân, góp phần vào tương lai phát triển dài hạn của đất nước.

Cẩm Phô