Điểm nhấn là phần điều hành của Chủ tọa: Linh hoạt, dân chủ, trách nhiệm

- Thứ Sáu, 12/11/2021, 06:24 - Chia sẻ
Nhiều đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ bày tỏ hài lòng với ngày chất vấn và trả lời chất vấn thứ hai của Kỳ họp này. Điểm nhấn của phiên chất vấn là phần điều hành của Chủ tọa, rất linh hoạt, dân chủ, trách nhiệm. Các ý kiến mong muốn và kỳ vọng là các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ có các biện pháp dài hơi hơn để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho hai ngành quan trọng của đất nước: Giáo dục và đào tạo; kế hoạch và đầu tư.

ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình): Mong muốn Bộ trưởng trả lời thấu đáo giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế

Ảnh: Thanh Chi

Đối với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về nhiều nội dung, như: Giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; công tác chuẩn bị đầu tư, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và kế hoạch năm 2021; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia... Những nội dung này đã được đại biểu thảo luận, nêu nhiều ý kiến tại phiên thảo luận ở tổ và hội trường về kinh tế - xã hội vừa qua. Đặc biệt là vấn đề đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công - được xác định là động lực để phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Cá nhân tôi đặc biệt quan tâm đến hai nội dung liên quan đến các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế và mong muốn Bộ trưởng trả lời thấu đáo trong phiên chất vấn sáng nay. Đó là tính hiệu quả của các giải pháp phục hồi; quy mô ra sao, giải pháp thế nào và quan trọng hơn là các đối tượng nào được hưởng các gói hỗ trợ này, để thực sự đóng góp cho phục hồi và phát triển kinh tế liên tục. Tôi cũng quan tâm tới khâu tổ chức thực thi. Chúng ta thường nói tổ chức thực thi vẫn là khâu yếu trong mọi vấn đề. Lần này, với các chương trình phục hồi kinh tế, tôi kỳ vọng, Bộ trưởng sẽ có câu trả lời rõ ràng, có giải pháp cụ thể, khả thi để cải thiện, nâng cao hiệu quả tổ chức thực thi, bảo đảm các chương trình phục hồi kinh tế phát huy tác dụng như mục tiêu và mong muốn.

Cùng với đó, Bộ cần đưa ra được cả những biện pháp trước mắt và lâu dài nhằm khôi phục hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tạo dư địa để phát triển trong năm 2022.

Một trong những điểm nhấn của phiên chất vấn chính là phần điều hành của Chủ tọa. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phần hỏi - đáp giữa đại biểu và các Bộ trưởng, trưởng ngành cũng như phần tham gia trả lời của các thành viên Chính phủ có liên quan rất linh hoạt, dân chủ, trách nhiệm, mang lại hiệu quả cao. 

ĐBQH Đôn Tuấn Phong (An Giang): Thẳng thắn, rõ ràng và trách nhiệm cao

Ảnh: Thanh Chi

Trong phiên chất vấn về lĩnh vực giáo dục và đào tạo với phần trả lời chính là Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, các đại biểu Quốc hội đã đặt ra nhiều vấn đề “nóng”, như: Dạy và học trực tuyến; giáo dục mầm non, hỗ trợ cơ sở giáo dục và giáo viên mầm non ngoài công lập; những bất cập, khiếm khuyết trong sách giáo khoa mới; chất lượng đào tạo đại học; dạy thêm và học thêm…

Dù mới nhận chức vụ, nhưng trong lần đầu tiên đăng đàn trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã trả lời thẳng vào các câu hỏi, lý giải rõ ràng nguyên nhân một số hạn chế, tồn tại được đại biểu chỉ ra. Điều này cho thấy, Bộ trưởng đã tiếp quản công việc nhanh chóng, nắm chắc những vấn đề đang đặt ra trong lĩnh vực quản lý của ngành mình.  

Hiện nay, phần lớn cán bộ quản lý, giáo viên tại cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đang gặp nhiều khó khăn, vì không có công việc đồng nghĩa không có thu nhập. Nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập cũng đứng trước thách thức khi tạm ngừng hoạt động, thậm chí có nơi đã phải đóng cửa vĩnh viễn. Thêm vào đó, khi trẻ em không đi học mầm non, cha mẹ phải gián đoạn công việc để chăm sóc trẻ ở nhà. Để hỗ trợ cho cơ sở giáo dục mầm non và các cô nuôi dạy trẻ tại các cơ sở này, Bộ trưởng đề xuất có gói ngân sách hỗ trợ riêng cho các đối tượng này (khoảng 800 tỷ đồng). Nhưng mức kinh phí hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập này còn thấp so với kỳ vọng của cử tri ngành giáo dục, và để thực hiện được cũng cần sự vào cuộc của một số bộ, ngành liên quan, các cấp chính quyền địa phương.

Để làm rõ hơn những vấn đề trong ngành giáo dục, các Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Thông tin và Truyền thông đã tham gia trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, nhìn chung đáp ứng thỏa đáng các chất vấn của đại biểu. Với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, chúng ta cần thấy rằng, do dịch bệnh, học sinh và sinh viên phải học trực tuyến, trong đó có những trường hợp gia đình khó khăn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Con số khoảng 1,5 triệu học sinh không có phương tiện học trực tuyến đang đặt ra bài toán khó với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông. Hơn nữa, việc học trực tuyến trong thời gian dài không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng học tập mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, sinh viên. Đây là thực tế mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các bộ, ngành liên quan cần quan tâm, xử lý thấu đáo. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời cụ thể, kỹ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội đưa ra. Tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, chuyển nguồn vốn cao trong năm 2021 được Bộ trưởng khẳng định không phải có nguyên nhân từ quy định của các luật liên quan, chủ yếu do quá trình thực hiện. Bộ trưởng cũng nhận một phần trách nhiệm do sự “nể nang” khi địa phương trình dự kiến kế hoạch đầu tư hàng năm hay cả nhiệm kỳ. Câu chuyện này có lẽ cần một cuộc trao đổi thẳng thắn giữa bộ, ngành và các địa phương để làm rõ "nút thắt" ở đâu, đưa ra biện pháp tháo gỡ hiệu quả, vì đây là một động lực để phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.  

Mục tiêu tăng trưởng được Chính phủ đặt ra cho năm 2022 khá tham vọng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay với mức tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5%. Để thực hiện mục tiêu này đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, nhất là trong điều kiện thế giới đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, không gây gián đoạn, đứt gãy sản xuất, kinh doanh. Với nền kinh tế có độ mở cao như nước ta, việc gián đoạn, đứt gãy sản xuất trên thế giới chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chúng ta. Trong các giải pháp được xác định, Bộ cần quan tâm đưa ra gói hỗ trợ ở quy mô lớn hơn cho đối tượng chịu ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh; bổ sung một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp quay trở lại sản xuất; chấn chỉnh những hạn chế trong giải ngân đầu tư công; xây dựng mô hình kinh tế, sản xuất, kinh doanh dài hơi cho điều kiện dịch bệnh hiện nay…

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế): Chủ tọa điều hành khoa học, trách nhiệm

Qua chất vấn, các đại biểu thể hiện tinh thần nghiêm túc, dành nhiều thời gian nghiên cứu sâu các nhóm vấn đề đưa ra chất vấn lần này, đưa ra những câu hỏi đúng và trúng. Các Bộ trưởng trả lời chất vấn đều rất trách nhiệm trước những vấn đề nóng, nắm rõ ngành, lĩnh vực mình phụ trách, trả lời rõ ràng. Sự tham gia trả lời chất vấn, làm rõ thêm các vấn đề đại biểu nêu của Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng khác có liên quan đã cho thấy tinh thần “cộng đồng trách nhiệm”, thể hiện sự đồng hành trong phối hợp giải quyết các vấn đề về sinh kế cho người dân trong bối cảnh chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19.

Tôi đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi nhiều vấn đề được giải trình thấu đáo, điềm đạm, dù đây là lần đầu tiên Bộ trưởng trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành rất khoa học, trách nhiệm, vừa giúp nhiều đại biểu Quốc hội được hỏi, tranh luận vừa tạo điều kiện, gợi mở để các Bộ trưởng trả lời đầy đủ hơn các chất vấn. Khi có quá nhiều chất vấn trùng lặp, hoặc chất vấn dài, Chủ tịch Quốc hội kịp thời điều hành, hoặc tổng hợp khái quát lại nội dung chất vấn của đại biểu để Bộ trưởng trả lời đi đúng trọng tâm câu hỏi, tránh bỏ sót câu hoặc ý chất vấn của đại biểu.

Tôi mong muốn và kỳ vọng, các nhóm vấn đề đưa ra chất vấn lần này, với phần trả lời của các Bộ trưởng, cùng những giải pháp, cam kết đã nêu, trách nhiệm đã nhận, thì những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong từng ngành, lĩnh vực sẽ có sự chuyển biến tích cực thực sự. Các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân chắc chắn sẽ theo dõi, giám sát việc thực hiện của các Bộ trưởng, trưởng ngành. 

Phó Trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng: Đúng đắn, sáng suốt

Việc Quốc hội lựa chọn 4 lĩnh vực đưa ra chất vấn lần này là rất đúng đắn và sáng suốt.

Ảnh: Hoàng Ngọc

Qua theo dõi phiên chất vấn với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các đại biểu đã tập trung vào nhiều vấn đề lớn, trong đó có vấn đề dạy và học trực tuyến. Trước thềm Kỳ họp thứ Hai, trong số 99 kiến nghị của cử tri cả nước về giáo dục và đào tạo gửi đến Ban Dân nguyện, thì có đến 23 kiến nghị (thuộc 20 địa phương) về dạy và học trực tuyến, miễn giảm học phí trong giai đoạn dịch Covid-19. Đối với các chất vấn về sách giáo khoa, nhiều chất vấn rất sắc sảo, như ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định), ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk). Sách giáo khoa là vấn đề liên quan đến "nhà nhà, người người" và hàng triệu học sinh, thế nhưng vẫn còn những "hạt sạn" hay còn tình trạng độc quyền sách giáo khoa, rất dễ dẫn đến câu chuyện trục lợi và tham nhũng. Do vậy, các đại biểu đều mong muốn phải chống cho được độc quyền, bảo đảm chất lượng sách giáo khoa cũng như công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Bộ trưởng đã có trả lời, nhưng tôi cho rằng, vấn đề này đòi hỏi phải tiếp tục được xử lý trong thực tế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời rất thẳng thắn, đúng trọng tâm các câu hỏi chất vấn. Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rất nỗ lực cùng các địa phương nghiên cứu, khảo sát rất căn bản về tình hình trong nước và bối cảnh quốc tế, đánh giá lại nguồn lực trong nước, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, để sắp xếp và bố trí nguồn lực. Bộ trưởng cũng đưa ra rất nhiều giải pháp căn bản. Nhưng rõ ràng trong bối cảnh dịch Covid-19 sẽ còn nảy sinh nhiều vấn đề cần giải quyết. Chúng ta đã có nhiều gói hỗ trợ, giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn… Tới đây, tôi kỳ vọng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một chiến lược phục hồi kinh tế sau đại dịch, trong đó dự báo được các yếu tố phát sinh trong sản xuất, kinh doanh, từ đó xác định chính xác hơn nguồn lực cho đầu tư.

Thanh Chi - Hoàng Ngọc - Trung Thành - Phương Thủy ghi