Điểm sáng kỳ vọng Việt Nam

- Thứ Tư, 05/01/2022, 07:58 - Chia sẻ
Năm 2021, nền KT của Việt Nam gặp phải khó khăn chưa từng có, thiệt hại do dịch bệnh gây ra ước tính lên tới 847 nghìn tỷ đồng, tương đương 37 tỷ USD,đó là con số không hề nhỏ.Tuy nhiên, trong bức tranh gam mầu tối đó vẫn ánh lên nhiều điểm sáng kỳ vọng Việt Nam trở lại lộ trình tăng trưởng vượt bậc. Năm 2021, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt trên 633 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 317 tỷ USD, còn nhập khẩu đạt trên 315 tỷ USD. Cả năm kim ngạch xuất nhập khẩu dự đoán vượt mốc 660 tỷ USD. Kết quả này cũng có nghĩa Việt Nam đã nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Vậy Việt Nam sẽ phải làm gì để viết tiếp câu chuyện tăng trưởng. PV Báo ĐBND có cuộc trao đổi với TS, Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV.
TS, Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV

Kinh tế đang trên đà phục hồi

-Nhìn lại năm 2021 đầy khó khăn, KT Việt Nam dù bị thiệt hại nặng nề nhưng vẫn trên đà phục hồi khá ấn tượng, vậy ông nhìn nhận gì về điều này?

Năm 2021 nền kinh tế nước ta rất khó khăn, vì thế quý III chúng ta tăng trưởng âm 6,02% kể từ khi đổi mới. Đặc biệt, lượng doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm ngừng sản xuất, kinh doanh tăng khoảng 18%, tuy thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cao gấp đôi với mức của năm 2021. chứng tỏ doanh nghiệp thật sự khó khăn bởi nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.

Mặc dù vậy, nền kinh tế của chúng ta đang trên đà phục hồi tốt, vì chúng ta đã thay đổi phù hợp với chiến lược của phòng chống dịch, từ zero covid sang linh hoạt an toàn, sống chung với covid, đây cũng là xu thế chung của thế giới, vì thế giới đang phục hồi tốt. Cho nên, chúng ta đã có cơ hội để tăng xuất khẩu và tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài. Trong quý IV, năm 2021 nền kinh tế nước ta phục hồi tích cực, tăng trưởng 52%, cao hơn nhiều so với mức âm 6,02% với cùng kỳ, cao hơn so với quý IV, năm 2020 ở cả 3 lĩnh vực: Công nghiệp, Nông nghiệp, Dịch vụ. Vì thế, kéo cả năm tăng trưởng 2,58%, thấp hơn mức tăng trưởng 2,91%, năm 2020. Đây là sự nỗ lực thể hiện quyết tâm phục hồi của của tiềm lực kinh tế. Đồng thời, lạm phát đã được kiểm soát tốt ở mức 1,84% bình quân so với cùng kỳ, đây là mức thấp nhất trong 6 năm qua. Điều đặc biệt, xuất khẩu tăng trưởng tích cực đạt trên 20%. Trong đó, xuất khẩu năm 2021 tăng khoảng 19%, gấp đôi so với mức tăng thương mại toàn cầu bình quân. Thu hút FDI tăng trưởng tích cực khoảng 9% só với vốn đăng ký. Giải ngân giảm nhẹ, đặc biệt tỷ giá và lãi suất tương đối ổn định, lãi suất tiếp tục giảm nhẹ qua đó hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch.

Bên cạnh đó, vẫn còn những thách thức: thứ nhất, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Thứ hai, sức cầu còn rất yếu, thể hiện qua doanh số bán lẻ mặc dù phục hồi nhưng ở mức thấp. Tính cả năm giảm gần 4% so với năm trước, đặc biệt giải ngân đầu tư công vẫn còn chưa hiệu quả, tính cả năm thậm chí vắt sang tháng 1 năm mới cũng chỉ đạt được 90% kế hoạch. Doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, hiện tượng đứt gãy chuỗi này, chuỗi kia bao gồm cả thị trường lao động vẫn còn xảy ra. Nguy cơ nợ xấu vẫn tiềm ẩn tăng lên. Đây là những thách thức chúng ta cần nhận diện để chúng ta giải quyết trong 1, 2 năm tới.

-Vậy chúng ta sẽ trở lại mạnh mẽ với đà tăng trưởng bền vững, nhiều ý kiến cho rằng triển vọng phục hồi của nền KT Việt Nam là rất lớn, vậy đâu là cơ sở cũng như tín hiệu gì cho thấy điều này, thưa ông?

Theo như dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á, trong năm 2022 mức tăng trưởng của Việt Nam là 6,5%. HSBC dự báo 6,8%, còn Kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Jacquest Morisset đánh giá mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5% trong năm 2022 của Việt Nam là hoàn toàn khả thi và Việt Nam sẽ "viết tiếp câu chuyện tăng trưởng".

Trong 2 năm qua, khi dịch bệnh xảy ra, Quốc hội, Chính phủ ban hành chính sách tương đối nhanh theo thông lệ chung Thế giới khi tập trung vào chính sách tài khoá, tiền tệ, trong đó chính sách tài khoá là chủ yếu. Tuy nhiên, ở khâu thực thi thì vẫn còn chậm lúng túng chỉnh sửa nhiều, khá thủ công dẫn đến việc triển khai còn chậm và đôi khi chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân cũng như doanh nghiệp trong bối cảnh cấp bách. Trong 2 năm qua chúng ta đã tung ra gói hỗ trợ tài khoá, tiền tệ khoảng 4% GDP. Trong đó, gói tài khoá chiếm khỏang 3%, gói tiền tệ khối ngân hàng chiếm khoảng 1% GDP thông qua việc miễn giảm lãi, phí, giãn nợ không tính tiền phạt…

Bên cạnh đó là các gói đột phá như: gói an sinh xã hội 26000 tỷ, trong đó gói cho vay hỗ trợ trả lương lãi suất 0% triển khai tốt hơn so với năm ngoái. Quốc hội, Chính phủ đã lấy từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 38000 tỷ hỗ trợ trực tiếp cho người lao động thông qua doanh nghiệp, được người lao động đánh giá rất tích cực. Tuy nhiên, các gói này quy mô vẫn còn nhỏ, với mức 4% GDP tương đương với các nước thu nhập thấp, so với những nước đang phát triển kiểu như Việt Nam chúng ta thì bình quân của họ vào khoảng 7,5% GDP. Cho nên, theo tôi trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn khó khăn, cần tiếp tục những trương trình, gói hỗ trợ trong năm tới. Hiện nay, Chính phủ, Quốc hội đang bàn thảo để đưa chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội với quy mô đủ lớn, đủ liều lượng, đặc biệt phải trúng và đúng hơn để góp phần giúp cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân vượt qua thách thức khó khăn trong 2 năm tới. Đồng thời, tạo nền tảng phát triển và hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm mà Đại hội Đảng XIII đề ra.

… viết tiếp câu chuyện tăng trưởng

 -Vậy Việt Nam sẽ viết tiếp về câu chuyện tăng trưởng và những dự báo về KT Việt Nam với những con số trên là rất tích cực, tuy nhiên cũng không phải là không có khó khăn thách thức, đặc biệt khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường, vậy ông chia sẻ gì về điều này?

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhóm thách thức chính: một là thách thức từ bên ngoài. Hai là thách thức từ nội tại nền kinh tế của ta. Trong đó, thách thức bên ngoài có 4 rủi ro chính: Thứ nhất, dịch bệnh vẫn còn phức tạp, việc tiếp cận vácxin không đồng đều, kinh tế thế giới phục hồi cũng không đều; Thứ hai, vẫn còn xảy ra cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; Thứ ba, rủi ro địa chính trị, thiên tai, biến đổi khí hậu ảnh hưởng rất nghiêm trọng đối với khả năng phục hồi; cuối cùng là rủi ro về chính sách tài khoá như nợ công, thâm hụt ngân sách, nợ hộ gia đình đang tăng lên, trong bối cảnh các nước bắt đầu thắt chặt những gói hỗ trợ tài khoá, tiền tệ lãi xuât trên thế giới bắt đầu tăng lên. Như vậy, gánh nặng về nợ lần trên thế giới đang tăng lên, đây cũng là rủi ro mà chúng ta cần theo dõi. Ở trong nước, những thách thức nội tại dịch bệnh vẫn còn phức tạp, liên quan đến giải ngân đầu tư công, liên quan đến việc thu chi ngân sách thiếu bền vững. Năm 2022, thu ngân sách của ta đạt chỉ tiêu, thậm chí vượt kế hoạch nhưng trong đó một số phần thu thiếu bền vững vì đột biến, chẳng hạn: thu từ đất đai, kinh doanh chứng khoán, bất động sản, ngân hàng rồi từ lĩnh vực xuất khẩu dầu thô… Đấy là những khoản thu đột biến vì năm tới có thu được nữa hay không thì vẫn chưa biết được. Nguy cơ rủi ro về nợ xấu, đâu đó vẫn còn đứt gãy chuỗi này chuỗi kia rồi chi phí hoạt động cho doanh nghiệp đã và đang tăng lên tương đối nhanh.

-Vậy theo ông, trong năm 2022 cách thức Việt Nam cần thích ứng và phục hồi trong đời sống kinh tế ra sao?

Dù trong điều kiện hoàn cảnh nào khi chúng ta luôn có một niềm tin tích cực biết nắm bắt nhanh cơ hội biết cách tạo đà lớn với chính sách đi đúng đi trúng để thúc đẩy kinh tế, điều đó sẽ giúp chúng chúng vượt qua mọi thách thức trong năm 2022 và trở lại lộ trình phục hội thực sự.

Tôi hy vọng, năm 2022 nền kinh tế của ta sẽ sáng sủa hơn, phục hồi tốt hơn, đó là tiền đề vô cùng quan trọng để giúp doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Có được như vậy, đòi hỏi sự đồng thuận vào cuộc của các bên liên quan trong đó Chính phủ, Quốc hội, người dân và doanh nghiệp cùng vào cuộc, đồng thời thúc đẩy tốt hơn hợp tác quốc tế, thực hiện tốt Chương trình về phòng chống dịch và phục hồi kinh tế. Tôi hy vọng, năm 2022 chúng ta sẽ phục hồi ấn tượng, tăng trưởng có thể đạt mức mức 6,5 – 7%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ bứt phá mạnh mẽ hơn về chuyển đổi số. Đặc biệt, đi tìm những mô hình kinh doanh mới trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, đây là nền tảng để doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững.

       Xin trân trân trọng cảm ơn ông!

Nhật Khánh