Diễn đàn Khoa học và công nghệ với doanh nghiệp Việt Nam trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4

- Thứ Tư, 16/05/2018, 18:01 - Chia sẻ
Ngày 16.5, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Viện Đào tạo, tư vấn và phát triển kinh tế tổ chức Diễn đàn khoa học và công nghệ với doanh nghiệp Việt Nam trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tham dự diễn đàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, một số thành viên Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường cùng các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp.

Phát biểu chào mừng tại Diễn đàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh: Đây là Diễn đàn có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ hội rất tốt để các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp trao đổi ý kiến, quan điểm khoa học, nhằm đề ra các giải pháp trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó tập trung vấn đề quản trị nhân lực. Mục đích, nhận diện thấu đáo, sâu sắc hơn về cách mạng công nghiệp lần thứ 4; gợi mở những bước đi, việc làm cụ thể để doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận, tận dụng cơ hội, hóa giải các tác động bất lợi của cách mạng công nghiệp lần thứ 4…


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu chào mừng diễn đàn

Chia sẻ tham luận vai trò của doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, bản chất công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh, công nghệ cao để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; là sự kết hợp của hệ thống thực và ảo. Dự báo cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tác động sâu sắc, to lớn và nhiều mặt không chỉ về kinh tế, xã hội và môi trường mà cả lên cách sống và phương thức sống của người dân, thậm chí là tác động lên cả Chính phủ các nước, lên an ninh, chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của nhiều quốc gia, nhiều khu vực trên thế giới. Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng tin tưởng với truyền thống cần cù, thông minh, vị trí địa chính trị rất thuận lợi, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ sớm thay đổi nhận thức, biến khó khăn thành thuận lợi, trong đó đặc biệt quan tâm đến nguồn nhân lực, đầu tư cho KH-CN.


Toàn cảnh diễn đàn

Để giải quyết vấn đề đầu tư cho KH-CN từ doanh nghiệp, đầu tiên là nâng cao nhận thức cho người quản lý, cho người làm chính sách, nhất là cho doanh nghiệp để họ hiểu rằng đầu tư cho KHCN chính là đầu tư để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải có quy định bắt buộc các doanh nghiệp đầu tư phát triển KH-CN của chính doanh nghiệp mình mà trước tiên là các doanh nghiệp nhà nước. Khi doanh nghiệp đã dành một phần lợi nhuận đóng góp vào quỹ phát triển KH-CN thì Nhà nước cần có các quy định để sử dụng quỹ được thuận lợi và có hiệu quả nhất.   

Tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các nhà làm chính sách, chuyên gia khoa học công nghệ, đại diện các doanh nghiệp đã chia sẻ những cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trong xu thế hòa mình ở cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Các câu hỏi tập trung làm rõ sự xuất hiện, nội dung cũng như sức ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với Việt Nam. Trước thời cơ và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao được đặt ra như một nhu cầu tất yếu và cấp bách…

Tin và ảnh: NHẬT ANH