Nhân tố quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát

- Chủ Nhật, 19/02/2023, 07:04 - Chia sẻ

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên ĐỖ ĐỨC CÔNG, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12.9.2022 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND đóng vai trò rất quan trọng để HĐND tập trung đổi mới phương thức giám sát. Cùng với Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, việc thực thi hiệu quả Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 sẽ là nhân tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND nói chung và hoạt động giám sát của cơ quan dân cử địa phương nói riêng; đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong thực hiện chức năng giám sát của HĐND trên phạm vi cả nước.

- Ông đánh giá như thế nào về vai trò, ý nghĩa của Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12.9.2022?

- Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND là cơ sở pháp lý quan trọng để HĐND, các cơ quan của HĐND và đại biểu HĐND thực hiện chức năng giám sát. Tuy nhiên, một số quy định của Luật mới chỉ dừng ở tính nguyên tắc. Trên thực tế, hoạt động giám sát của cơ quan dân cử địa phương vẫn còn những bất cập, hạn chế, dẫn tới hiệu quả chưa cao; việc thực hiện và đôn đốc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát có lúc, có nơi cũng chưa thực sự được quan tâm; việc xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát vẫn còn là khâu yếu.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên ĐỖ ĐỨC CÔNG

Sau hơn 6 năm thực thi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Nghị quyết số 594 đã cụ thể, tạo hành lang pháp lý thống nhất cho hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND; góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử địa phương; hạn chế việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản cá biệt để trả lời từng địa phương. Nghị quyết ra đời đóng vai trò rất quan trọng hướng dẫn cho HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tập trung đổi mới phương thức triển khai công việc khoa học, logic… nhằm tạo điều kiện để HĐND có cơ sở chủ động, tích cực và phát huy tốt hơn nữa vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Cùng với Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, việc thực thi hiệu quả Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 sẽ là nhân tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND nói chung và hoạt động giám sát của cơ quan dân cử địa phương nói riêng; đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong thực hiện chức năng giám sát của HĐND trên phạm vi cả nước.

- Thực tế, Nghị quyết số 594 ra đời đã hỗ trợ đắc lực như thế nào cho hoạt động giám sát của HĐND các cấp tỉnh Thái Nguyên thời gian qua, thưa ông?

 - Ngay tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2022, kế thừa kinh nghiệm tổ chức các phiên chất vấn theo nhóm vấn đề của HĐND tỉnh, trên cơ sở hướng dẫn của Nghị quyết 594, đề xuất của Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu HĐND tỉnh và ý kiến, kiến nghị của cử tri, lần đầu tiên, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã lựa chọn 3 nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực công thương, văn hóa và nội vụ, để đại biểu HĐND tỉnh tập trung chất vấn đối với 3 Ủy viên UBND tỉnh là Giám đốc Sở Công thương; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giám đốc Sở Nội vụ. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để ban hành nghị quyết về hoạt động chất vấn, đồng thời đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai đến HĐND cấp huyện, xã.

Năm 2023, Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên cũng quyết định lựa chọn giám sát chuyên đề về kết quả thực hiện nghị quyết, kiến nghị, kết luận giám sát của HĐND tỉnh, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2022. Kết quả giám sát sẽ là căn cứ quan trọng để Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục theo dõi, đôn đốc và định kỳ xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát, đúng tinh thần của Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15.

- Để Nghị quyết số 594 thực sự đi vào cuộc sống, HĐND tỉnh Thái Nguyên sẽ triển khai những nội dung gì, thưa ông?  

- Trước tiên phải khẳng định, để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thì khâu triển khai thực hiện rất quan trọng. Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có hướng dẫn chi tiết để các địa phương bám sát, triển khai theo lộ trình từng bước, phù hợp với điều kiện của mỗi đơn vị, địa phương. Quan trọng nhất, để thực hiện được đúng và đầy đủ những quy định của Nghị quyết này đòi hỏi sự chuyên nghiệp, tâm huyết và trách nhiệm rất cao của mỗi đại biểu HĐND, với đội ngũ giúp việc chuyên nghiệp.

Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên đã tích cực thực hiện và chủ động triển khai Nghị quyết đến HĐND cấp huyện, xã, trong đó có một số nội dung được yêu cầu thực hiện ngay như: tập trung rà soát lại các quy chế hoạt động, quy trình xử lý công việc nội bộ để bổ sung, hoàn thiện bảo đảm phù hợp với các quy định mới của Nghị quyết và yêu cầu về chuyển đổi số trong hoạt động giám sát; thông báo, giới thiệu chữ ký của Tổ trưởng và Tổ phó các Tổ đại biểu HĐND; lựa chọn nội dung, xây dựng chương trình giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu, và đại biểu HĐND; xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình giám sát của HĐND; công khai nội dung phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND.

Ngay trong quý I.2023, chúng tôi sẽ tổ chức Hội nghị giao ban Thường trực HĐND cấp huyện để đánh giá, trao đổi kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn và bàn giải pháp thực hiện Nghị quyết số 594 hiệu quả nhất. Đồng thời, tiếp tục triển khai và thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động HĐND, nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý giám sát của HĐND tỉnh.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Đào Cảnh thực hiện