Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Hà Tĩnh Khóa XVIII

Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển

- Chủ Nhật, 18/12/2022, 07:00 - Chia sẻ

Bên cạnh ghi nhận những kết quả tích cực như kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi và phát triển, Hà Tĩnh là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh... tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Khóa XVIII, đại biểu cũng chỉ ra những vấn đề nổi cộm cần tập trung xử lý, khắc phục, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển như: tiến độ một số dự án, nhất là dự án trọng điểm còn chậm; chất lượng khám bệnh, chữa bệnh chưa đáp ứng yêu cầu; tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra...

Kiểm soát nợ công, quản lý chặt bội chi ngân sách 

Nói về nỗ lực của của tỉnh trong năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết: mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục phục hồi và phát triển. Tăng trưởng kinh tế ước đạt 3,98%; thu ngân sách ước đạt 16.900 tỷ đồng, (đạt 103,68% dự toán); các dự án công nghiệp lớn được đẩy nhanh tiến độ. Hà Tĩnh cũng là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh. Các chương trình, chính sách phục hồi, hỗ trợ sản xuất kinh doanh được triển khai kịp thời. Tỉnh đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn để lại dấu ấn tích cực…

Dù đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng như nhận định của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng, tỉnh cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. So với kế hoạch đề ra, nhiều chỉ tiêu chưa đạt. Trong đó, có những chỉ tiêu quan trọng như: tốc độ tăng trưởng, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội; chương trình xây dựng NTM ở một số địa phương có biểu hiện chững lại; hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều trở ngại; tiến độ một số dự án còn chậm, nhất là các dự án trọng điểm; công tác cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu...

Bàn về các giải pháp tỉnh cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, nhiều đại biểu đề nghị, UBND tỉnh cần bảo đảm nguồn lực thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội, nhất là với hộ nghèo, các hộ gặp hoàn cảnh khó khăn; cân đối, bố trí kinh phí hợp lý cho các chính sách, đề án đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND ban hành. Bên cạnh đó, đẩy nhanh thực hiện 5 chương trình trọng điểm, 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Thực hiện thực chất, hiệu quả việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga đề nghị, UBND tỉnh theo dõi sát diễn biến tình hình giá cả, lạm phát trên thế giới và trong nước, bám sát các giải pháp điều hành của Trung ương để kịp thời xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát; bảo đảm nguồn thực hiện cải cách tiền lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; quản lý chặt bội chi NSNN, kiểm soát nợ công… Đồng thời, có giải pháp hạn chế tối đa chi chuyển nguồn; tiết kiệm tối thiểu 15% chi thường xuyên NSNN ngay từ khâu xây dựng dự toán (trừ các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, có tính chất lương, chi cho con người theo chế độ và các khoản đặc thù không thể cắt giảm)…

Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển -0

Bảo đảm các chính sách phát huy hiệu quả

Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, y tế, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đánh giá: nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học giữa các địa phương, các cấp học hiện chưa đồng đều; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đồng bộ; tình trạng thừa, thiếu giáo viên vẫn còn diễn ra; việc rà soát, đánh giá, thống nhất phương án tổ chức mô hình Trung tâm y tế cấp huyện còn chậm; chất lượng khám, chữa bệnh chưa đáp ứng yêu cầu; việc thu hút, giữ chân đội ngũ bác sĩ công tác tại một số bệnh viện, trung tâm y tế đang gặp khó...

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đào Thị Anh Nga kiến nghị, UBND tỉnh cần tiếp tục tăng cường quản lý, ưu tiên nguồn lực, nâng cao trách nhiệm, chất lượng tham mưu xây dựng, triển khai các chính sách trên lĩnh vực văn hóa - xã hội. Đồng thời, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới; rà soát, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, quy mô các điểm trường; từng bước khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên… Cùng với đó, rà soát, đánh giá toàn diện hoạt động của các Trung tâm y tế cấp huyện để có phương án thống nhất, ổn định, tổ chức thực hiện trên toàn tỉnh; bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân...

Đối với lĩnh vực pháp chế, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần đề nghị UBND tỉnh tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, như: phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; giải quyết đơn thư KNTC của công dân; tiếp tục phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc... “Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải quyết và tổ chức thực hiện các kết luận sau thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại; thông báo kết luận giải quyết tố cáo đã có hiệu lực pháp luật. Chỉ đạo rà soát các vụ việc KNTC, kiến nghị của công dân tồn đọng; có kế hoạch cụ thể để giải quyết dứt điểm, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân”, bà Nhuần nhấn mạnh.

Diệp Anh