Thảo luận tại Tổ về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

Cần tạo điều kiện cho địa phương linh hoạt, chủ động trong phân bổ nguồn lực

- Thứ Ba, 16/01/2024, 18:01 - Chia sẻ

Thảo luận tại Tổ về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, cần có cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện linh hoạt cho địa phương chủ động trong phân bổ nguồn lực, bổ sung quy định tránh tình trạng trục lợi chính sách, gây thất thoát, lãng phí…

ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình): Tránh tình trạng trục lợi chính sách, gây thất thoát, lãng phí

Về cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, Chính phủ đề xuất 2 phương án. Tôi đồng tình với phương án 1 là thực hiện chính sách hỗ trợ theo dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, không áp dụng quy định quản lý tài sản công đối với tài sản có vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dưới 500 triệu đồng, hoặc tài sản hỗ trợ cho cộng đồng người dân; thực hiện chính sách cho chủ trì liên kết được vay vốn ưu đãi đầu tư tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên để phục vụ hoạt động phát triển sản xuất (không thực hiện hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước).

Thiết kế theo phương án này bảo đảm cơ sở pháp lý rõ ràng, đồng bộ cho các địa phương trong quản lý, giám sát quá trình sử dụng tài sản công được hình thành trong quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ sản xuất. Việc quy định thực hiện chính sách hỗ trợ không áp dụng quy định quản lý tài sản công đối với tài sản có vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dưới 500 triệu đồng, hoặc tài sản hỗ trợ cho cộng đồng người dân bảo đảm dễ thực hiện, kết nối được chính sách hỗ trợ của nhà nước với các đối tượng hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số... và có thể tổ chức thực hiện ngay sau khi Nghị quyết được thông qua.

Song, cần cân nhắc bổ sung vào phương án 1 các quy định để tránh tình trạng trục lợi chính sách, gây thất thoát, lãng phí. Cùng với đó, cần tích cực đẩy mạnh truyền thông góp phần nâng cao nhận thức trong thực hiện các chơ chế, chính sách này.

Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, hiện Chính phủ đưa ra 2 phương án. Tôi ủng hộ phương án 2: HĐND cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tiễn để quyết định lựa chọn một huyện thực hiện thí điểm; UBND cấp tỉnh quyết định giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng Chương trình mục tiêu quốc gia cho cấp huyện được lựa chọn thí điểm. HĐND cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các Chương trình trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Kế hoạch đầu tư vốn hàng năm, dự toán ngân sách nhà nước hàng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung cho dự án thành phần khác của các Chương trình. Phương án này sẽ bảo đảm phân cấp triệt để cho cấp huyện, giúp chủ động, linh hoạt trong điều hành, quản lý triển khai thực hiện các Chương trình. Đồng thời, là cơ sở phục vụ xây dựng các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, tôi đề nghị cần quy định rõ hơn về tiêu chí, điều kiện lựa chọn huyện thực hiện; trong quá trình triển khai cần chỉ đạo sát sao, tránh tình trạng các địa phương chỉ ưu tiên vốn đầu tư cơ sở hạ tầng mà ít quan tâm đến thực hiện các chính sách về an sinh xã hội.

ĐBQH Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang): Địa phương lúng túng do thiếu văn bản hướng dẫn thực hiện

Trong giải ngân nguồn vốn sự nghiệp thực hiện các tiểu dự án, dự án của Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có giai đoạn I từ năm 2021 - 2025, việc phân bổ nguồn vốn về địa phương hướng dẫn chi tiết đến từng dự án nên địa phương không chủ động được trong bố trí nguồn vốn thực hiện phù hợp với tình hình thực tế. Nguyên tắc, cách thức phân bổ nguồn lực chỉ dựa vào định mức, chưa dựa trên kết quả thực hiện, mục tiêu, nhiệm vụ và kết quả sử dụng nguồn lực hàng năm dẫn đến nguồn kinh phí được phân bổ cho các địa phương không theo đúng nhu cầu sử dụng kinh phí hàng năm. Do vậy, nên có cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện linh hoạt cho địa phương chủ động trong phân bổ nguồn lực.

Qua khảo sát và ghi nhận ý kiến cử tri cho thấy, việc thực hiện các Chương trình gặp khó khăn do thiếu căn cứ pháp lý và văn bản hướng dẫn. Cụ thể, tại các quyết định của Chính phủ về phê duyệt các Chương trình mục tiêu quốc gia có giao các bộ, cơ quan Trung ương chủ quản các Chương trình tham mưu hoặc ban hành các quy định, hướng dẫn tổ chức thực hiện, như: Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện 3 Chương trình giai đoạn 2021 - 2025... Tuy nhiên, trên thực tế, các bộ, cơ quan Trung ương chủ quản của các Chương trình chưa ban hành đủ quy định, hướng dẫn tổ chức thực hiện, dẫn tới việc các địa phương gặp lúng túng trong tổ chức triển khai thực hiện.

Để tháo gỡ vướng mắc, đề nghị Bộ Tài chính có văn bản quy định kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn được phép chuyển nguồn sang năm sau (gồm cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp) để các đơn vị, địa phương chủ động hơn trong thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; điều chỉnh cơ chế phân bổ nguồn vốn theo hướng giảm nguồn vốn sự nghiệp chuyển sang chi cho đầu tư phát triển. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, cần giao thẩm quyền cho tỉnh, thành phố được phép điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án, tiểu dự án.

Do có quá nhiều văn bản hướng dẫn, mỗi văn bản hướng dẫn lại dẫn chiếu nhiều văn bản có liên quan khác gây khó khăn trong nghiên cứu, áp dụng thực hiện, nên đề nghị Ủy ban Dân tộc cần sớm ban hành Sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình; tài liệu đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp của Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025. Đến nay, Ủy ban Dân tộc mới ban hành được khung đào tạo tại Quyết định số 752/QĐ-UBDT, do đó địa phương chưa giải ngân được Tiểu dự án này.

ĐBQH Sùng A Lềnh (Lào Cai): Có quy chế quản lý cụ thể trước khi giao cho cộng đồng quản lý và sử dụng tài sản hình thành từ dự án

Về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch vốn hàng năm của Chương trình mục tiêu quốc gia (quy định tại khoản 2, Điều 4 dự thảo Nghị quyết), đề nghị, bổ sung vào khoản c như sau: “Thời hạn điều chỉnh dự toán thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trước ngày 31.12 hàng năm”. Bởi, tại khoản 3, Điều 53 Luật Ngân sách nhà nước hiện hành quy định thời gian điều chỉnh dự toán đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách hoàn thành trước ngày 15.11 năm. Tuy nhiên, trong thực tế, phải đến thời điểm tháng 12 mới xác định được cụ thể khối lượng chính thức hoàn thành trong năm để điều chỉnh kế hoạch vốn, dự toán kinh phí giữa các dự án, hoạt động cho phù hợp.

Về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, trong 2 phương án Chính phủ đưa ra, tôi đồng tình với phương án 1, vì sẽ kế thừa được kinh nghiệm trong quản lý, tổ chức thực hiện các dự án cộng đồng của các Chương trình trước đây, đặc biệt là Chương trình 135. Tuy nhiên, phải bổ sung quy định yêu cầu thực hiện nghiệm thu và có quy chế quản lý cụ thể trước khi giao cho cộng đồng quản lý, sử dụng những tài sản này.     

Ngoài ra, tại điểm b, khoản 5, Điều 4 dự thảo Nghị quyết, cần cân nhắc cho phép tại các vùng đặc biệt khó khăn sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ cho không 20% đối với những tài sản có giá trị lớn từ 500 triệu đồng trở lên. Phần còn lại sẽ là vốn của chủ trì liên kết hoặc được hưởng vay tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội. Để phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương có thể giao cho UBND các tỉnh quy định cho từng trường hợp cụ thể.

Tôi cũng đề nghị, nghiên cứu bổ sung quy định cho phép địa phương được điều chỉnh nguồn vốn sự nghiệp không sử dụng hết (do không còn nội dung chi) để thực hiện các nội dung khác mang tính chất đầu tư, như: đầu tư đường giao thông, trường lớp học, tôn tạo hoặc xây dựng công trình bảo tồn kiến trúc của các dân tộc thiểu số… nhằm sử dụng, phát huy hiệu quả nguồn vốn Chương trình. Bởi, thực tế việc phân bổ nguồn lực từ Trung ương cho một số nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần còn chưa hợp lý. Một số nội dung như đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, kiểm tra… được bố trí kinh phí quá lớn so với nhu cầu của địa phương, trong khi đó, nhu cầu vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn nhưng Trung ương bố trí còn hạn chế.

Minh Trang - Thanh Chi - Thanh Hải ghi
#