Ưu tiên nguồn lực, chính sách đầu tư trực tiếp cho con người

Ưu tiên nguồn lực, chính sách đầu tư trực tiếp cho con người

Pct QuangPhuong

Chia sẻ với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nói chung, Chương trình đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc CAO THỊ XUÂN cho rằng, cần khảo sát kỹ lưỡng để thiết kế chính sách cho phù hợp, tránh tình trạng khi ban hành khó thực hiện. Ưu tiên nguồn lực và có giải pháp phù hợp cho các nhóm chính sách liên quan đến đầu tư trực tiếp cho con người như: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo, phát triển sinh kế, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, vốn tín dụng. 

Một tỉnh ban hành 40-50 văn bản để thực hiện Chương trình dân tộc thiểu số

-Kỳ họp thứ Sáu vừa qua, lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ đồng thời với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Qua giám sát của Quốc hội, cũng như từ thực tế giám sát của Hội đồng Dân tộc, theo bà đâu là những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi?

- Qua giám sát chuyên đề của Quốc hội, cũng như từ thực tiễn nắm tình hình ở địa phương cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, các Chương trình mục tiêu quốc nói chung, trong đó có Chương trình DTTS có những khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ.

Ưu tiên nguồn lực, chính sách đầu tư trực tiếp cho con người
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân

Thứ nhất, về hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành.

Một trong những vướng mắc lớn nhất được xác định từ kết quả giám sát vừa qua là có quá nhiều các văn bản hướng dẫn, dẫn đến thiếu đồng bộ, chậm ban hành, chất lượng đạt thấp, không rõ ràng, nhiều văn bản ban hành xong phải sửa đổi, bổ sung. Khối lượng văn bản hướng dẫn để thực hiện Chương trình này đến cuối năm 2023 mới cơ bản hoàn thành. Trong khi đó, nội dung, chất lượng văn bản vẫn còn bất cập.

Tính từ tháng 6.2020 đến tháng 6.2023, Chương trình DTTS ở cấp Trung ương đã ban hành 58 văn bản. Theo Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản khác do cấp trung ương ban hành, các địa phương tiếp tục ban hành các văn bản khác để cụ thể hóa. Tính trung bình, một tỉnh ban hành khoảng 40-50 văn bản quy định về cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình DTTS.

Thứ hai, về bộ máy tổ chức quản lý, chỉ đạo thực hiện.

So với hai Chương trình mục tiêu quốc gia còn lại, Chương trình DTTS lần đầu tiên được triển khai thực hiện, nên có nhiều lúng túng trong công tác điều phối, tổ chức thực hiện. Mô hình chỉ đạo, điều hành giữa Trung ương và địa phương chưa thống nhất, đồng bộ. Ở Trung ương, cơ quan thường trực được giao cho Ủy ban Dân tộc, ở cấp tỉnh giao cho cơ quan công tác dân tộc, nhưng đến cấp huyện nhiều địa phương lại không có phòng dân tộc như: tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn.

Mặt khác, cơ quan công tác dân tộc không có nhiều kinh nghiệm và chuyên môn trong việc hướng dẫn chỉ đạo, điều hành các dự án thành phần. Ban đầu các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được giao về Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, sau một thời gian triển khai thực hiện, do liên quan đến công tác chuyên môn, nên hầu hết các tỉnh đã chuyển nhiệm vụ này về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, dẫn đến thiếu chủ động về hướng dẫn, chỉ đạo, nhất là tham mưu xây dựng các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền, làm chậm tiến độ thực hiện.

Chương trình thực hiện còn chồng chéo

Ngoài 2 tồn tại vướng mắc trên, thì cấu trúc, nội dung của Chương trình DTTS cũng bộc lộ những bất cập.
Có thể thấy, Chương trình DTTS là một chương trình tổng thể, gồm 10 dự án thành phần, được tích hợp hầu hết các chính sách dân tộc của giai đoạn trước, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, chuyên môn của các bộ, ngành khác nhau, nên việc điều phối, phối hợp trong quản lý, tổ chức thực hiện rất phức tạp. Đòi hỏi các văn bản hướng dẫn phải đồng bộ, đầy đủ thì các địa phương mới có cơ sở triển khai thực hiện. Điều này chưa có trong tiền lệ, dẫn đến công tác điều phối, phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ngành gặp rất nhiều lúng túng.
Ưu tiên nguồn lực, chính sách đầu tư trực tiếp cho con người
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân phát biểu tại cuộc làm việc với  UBND tỉnh Nghệ An về chương trình giám sát việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2016-2021. Ảnh: Phạm Bằng

Thực tế so với hai Chương trình còn lại, Chương trình DTTS được Quốc hội, Chính phủ quyết định sớm nhất, nhưng chậm ban hành văn bản hướng, có văn bản hướng dẫn đến tháng 6.2023 mới ban hành, trong đó nhiều văn bản phải sửa đổi, bổ sung - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân.

Việc tập trung nhiệm vụ cho cơ quan Chủ chương trình có thuận lợi, nhưng cũng có khó khăn. Thuận lợi là tập trung đầu mối quản lý, theo dõi các chính sách, nhưng cũng sẽ không linh hoạt, thiếu chủ động cho các bộ, ngành. Mặc dù Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ Chương trình, nhưng nội dung các chính sách vẫn do các bộ, ngành quản lý hướng dẫn, tổ chức thực hiện, Ủy ban Dân tộc chỉ đôn đốc, tổng hợp, về bản chất tổ chức thực hiện không có gì khác nhiều so với trước đây.

Bên cạnh đó, công tác khảo sát, đối tượng thực hiện của Chương trình DTTS còn hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, nhu cầu của địa phương. Qua giám sát cho thấy, việc giải ngân vốn sự nghiệp hiện nay đang rất thấp, do không có đối tượng thụ hưởng hoặc định mức không phù hợp với tình hình thực tiễn.

Ngoài ra, ba Chương trình mục tiêu quốc gia đang có sự chồng chéo, đan xen nhiều nội dung tương tự trên cùng một địa bàn cấp huyện, xã như: các dự án về sản xuất, hạ tầng, đào tạo nghề… Trong khi đó cơ chế quản lý, hướng dẫn về quy trình, tổ chức thực hiện khác nhau, tạo ra khó khăn lớn về hồ sơ, thủ tục cho cơ quan quản lý, tổ chức thực hiện ở cơ sở, nhất là cấp xã. Mặc dù Trung ương có văn bản chỉ đạo về việc phối hợp, lồng ghép giữa các Chương trình, nhưng do thiếu cơ chế giải pháp cụ thể nên khó và không thể thực hiện được.

 Thứ tư, về xác định địa bàn thực hiện của Chương trình DTTS.

Việc phân định địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại các Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12.11.2020 về tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi chỉ lấy đối tượng dân tộc (tỷ lệ trên 15% là người dân tộc thiểu số), bỏ qua đối tượng miền núi, nơi có thị trấn cấp huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, Khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025 đã làm giảm 1.832 xã so với giai đoạn trước và phần lớn không bao gồm địa bàn thị trấn huyện. Chính vì vậy một số chính sách liên quan đến hỗ trợ giáo dục, y tế cấp huyện, dạy nghề… không thuộc phạm vi thực hiện của Chương trình theo Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong khi đó các chính sách này vẫn được Chính phủ đề xuất, phân bổ vốn để thực hiện.

Tăng cường giám sát việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình 

- Quốc hội giám sát giữa kỳ đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã giúp nhận diện rõ hơn những tồn tại, qua đó đưa ra các giải pháp để thực hiện tốt hơn Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình DTTS, thưa bà?

- Có thể nói, Quốc hội giám sát giữa kỳ vừa qua có tác động rất lớn, thúc đẩy các cấp, các ngành hoàn thiện văn bản quản lý, qua đó, góp phần đẩy nhanh việc triển khai thực hiện chương trình.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với 8 chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ về cơ chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để địa phương chủ động điều chỉnh vốn, danh mục các dự án, chính sách không còn đối tượng, hoặc khó giải ngân sang các dự án, chính sách khác, góp phần thực hiện hiệu quả hơn các chương trình, dự án.

- Với 4 vướng mắc, tồn tại như bà vừa nói, vậy theo bà, đâu là giải pháp để khắc phục tình trạng này?

- Để khắc phục những tồn tại, tôi cho rằng, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường vai trò giám sát việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội có liên quan đến Chương trình. Tăng cường nắm tình hình ở cơ sở, để kịp thời cùng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản theo thẩm quyền, tạo điều kiện đẩy nhanh thực hiện Chương trình. Trong đó ngay trong năm 2024, cùng với Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy xem xét, ủy quyền để Chính phủ điều chỉnh, chuẩn hóa một số nội dung liên quan đến đối tượng thực hiện Chương trình theo đề xuất tại Tờ trình số 698/TTr - CP  về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình DTTS.

Ưu tiên nguồn lực, chính sách đầu tư trực tiếp cho con người
 Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân phát biểu kết luận tại cuộc làm việc với UBND huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng về triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chiều 15.6.2023. Ảnh: baocaobang.vn

Đối với Chính phủ, cần tập trung hướng dẫn, chỉ đạo ngay các địa phương triển khai Nghị quyết số 111/2024/QH15. Trong đó tập trung rà soát lại toàn bộ các chính sách, nguồn vốn của các Chương trình để trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh danh mục, nguồn vốn cho phù hợp với tình hình thực tiễn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh các quyết định liên quan điều chỉnh các Quyết định về phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi và các văn bản liên quan khác thuộc thẩm quyền của Chính phủ để bảo đảm đồng bộ, phù hợp.

- Để đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sớm thụ hưởng các chính sách, cần có giải pháp gì, thưa bà?

- Tôi cho rằng, trước tiên cần phải có giải pháp để khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong giai đoạn này. Trong đó, cần bám sát chỉ đạo của Đảng tại Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác dân tộc trong tình hình mới, và tiếp tục thực hiện, triển khai đầy đủ quan điểm, mục tiêu, nội dung của Nghị quyết 88 và Nghị quyết 120 đã được Quốc hội Khóa 14 ban hành.

Về định hướng chính sách, cần có sự khảo sát kỹ để thiết kế chính sách cho phù hợp, tránh tình trạng khi ban hành khó thực hiện. Ưu tiên nguồn lực và có giải pháp phù hợp cho các nhóm chính sách liên quan đến đầu tư trực tiếp cho con người như: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo, phát triển sinh kế, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, vốn tín dụng… Nhóm này có đặc điểm là khó triển khai nhất, nhưng lại mang lại hiệu quả nhanh, tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào. Đây mới là đích cuối cùng của Chương trình.

Với các nhóm chính sách về đầu tư về phát triển cộng đồng: Xây dựng cơ sở hạ tầng, trường học, kênh mương, nhà văn hóa… Đây là nhóm chính sách có tính ổn định, dễ thực hiện, giải ngân nhanh nhưng lại cần rất nhiều nguồn lực. Do đó, cần phải tách riêng giao cho các cơ quan chức năng, chuyên môn tính toán, cân đối nguồn lực và lựa chọn nội dung, dự án ưu tiên để triển khai cho phù hợp.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!