Diện mạo mới ở đất thép Xuân Lộc

- Thứ Tư, 29/12/2021, 20:51 - Chia sẻ
Sau 30 năm, từ một huyện nghèo khó ngày đầu chia tách, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai đã trở thành một huyện nông thôn mới với diện mạo mới. Năm 1991, có tới 20,8% dân số thuộc diện đói nghèo; thu nhập trung bình của người dân chỉ đạt hơn 2 triệu đồng/người/năm. Nhưng nay, Xuân Lộc đã có một diện mạo hoàn toàn khác, đặc biệt thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cảu huyện đạt 66,5 triệu đồng, tăng gấp 33 lần so với năm 1991.

Chuẩn bị nhân lực cho “nông thôn 4 có”

Xác định nông nghiệp là đòn bẩy phát triển, Xuân Lộc lấy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề nông thôn để đi lên. Theo đó, huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đưa công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp để phát triển nông thôn và phù hợp với nhu cầu của thị trường. Chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của huyện.

Ngay từ những năm 2005, Xuân Lộc được tỉnh Đồng Nai chọn làm điểm để phát triển nông nghiệp và xây dựng “nông thôn 4 có” gồm: Có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, có đời sống kinh tế được cải thiện, có đời sống văn hóa tốt và có môi trường sinh thái tốt. Chủ trương, đường lối “nông thôn 4 có” của Đảng bộ huyện mang đến khí thế thi đua sôi nổi cho nông thôn cũ thay đổi. Chủ trương này cũng được quán triệt đến từng xã, tuyên truyền đến từng nhà để nhân dân nắm và cùng đồng lòng thực hiện, trong đó vấn đề đào tạo nghề cho lao động, nhât slaf lao động nông thôn được đặt lên hàng đầu. Từ chủ trương này, đã có hàng nghìn lao động được đào tọa, có kỹ năng làm việc và biết ứng dụng khó học kỹ thuật vào sản xuất. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021,  huyện Xuân Lộc đã giải quyết việc làm cho 3005 lao động đạt 50,08 % kế hoạch, trong đó đưa vào làm việc tại các công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh là trên 2 nghìn lao động; giải quyết việc làm tại chỗ từ nguồn vốn vay là 550 lao động, tạo việc làm từ chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn là 435 lao động. Đồng thời xác nhận đăng ký sử dụng lao động cho 13 doanh nghiệp với 435 lao động; tiếp nhận thang bảng lương của 11 doanh nghiệp trên địa bàn. Về công tác đào nghề tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn 6 tháng đầu năm là 108.900 người/142.810 người đạt 76,26%, trong đó qua đào tạo nghề 86.400 người/ 142.810 đạt 60,55%.

Nông thôn mới ở huyện Xuân Lộc

Từ phương châm cốt lõi là “nông thôn 4 có” đã giúp phương thức sản xuất của nông dân Xuân Lộc dần thay đổi tư duy cũ và lạc hậu, chuyển từ quy mô nhỏ lẻ sang quy mô trang trại và hình thành các cánh đồng mẫu lớn với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng dần được chuyển đổi, có tiêu chuẩn rõ ràng và dễ hiểu với người dân. Đặc biệt, Xuân Lộc đã sở hữu trong tay một lực lượng lao động được đào tạo bài bản, có kỹ năng – yếu tố quan trọng đưa Xuân Lộc phát triển như hôm nay.

Và những trái ngọt…

Từ nền tảng “nông thôn 4 có”, Xuân Lộc đã nhanh chóng bắt tay vào xây dựng chương trình nông thôn mới với một khí thế mới, quyết tâm mới nhằm hướng đến những thành quả mới. Dựa trên các yếu tố tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, Xuân Lộc đã quy hoạch bài bản, sắp xếp cơ cấu lại mùa vụ, đồng thời bố trí lại cây trồng thích hợp để cho năng suất chất lượng và giá trị cao hơn. Huyện đã có các giải pháp về đầu tư, khai thác nguồn nước, thủy lợi phục vụ cho sản xuất hợp lý.

Nhờ được sắp xếp và bố trí sản xuất nông nghiệp hàng hóa một cách hợp lý mà H.Xuân Lộc đã hình thành được nhiều vùng sản xuất lớn, không chỉ phục vụ cho yêu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu. Tính đến nay, Xuân Lộc có 590 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt từ 300 triệu đến trên 1 tỷ đồng/ha/năm; 51 sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa; 14 sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Xuân Lộc cũng đã có những nông sản có thương hiệu mạnh như: hồ tiêu Xuân Thọ, Suối Cao; lúa, bắp Lang Minh, Xuân Phú; trái cây Xuân Định, Bảo Hòa…

Không chỉ tập trung cho sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra nhiều việc làm, cải thiện đời sống người dân, Xuân Lộc còn đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng nông thôn, trong đó có tập trung đầu tư mạnh cho hạ tầng điện, đường, trường học, trạm y tế. Những tuyến đường được xây dựng mới hay nâng cấp đều được người dân hưởng ứng rất tích cực, trong đó nhiều người đã hiến đất làm đường, đóng góp ngày công xây dựng, tổ chức trồng cây hoa cảnh, lắp đặt đèn chiếu sáng ban đêm… Một thành quả nữa của huyện là hệ thống trường học từ mầm non đến THPT được xây dựng mới đều hướng đến đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, Xuân Lộc cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia cao nhất tỉnh.

Trong những năm gần đây, Xuân Lộc tiếp tục được đánh giá là một trong những địa phương có bước phát triển của tỉnh với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân. Chỉ tính riêng nhiệm kỳ 2015-2020, huyện đã thực hiện thành công nhiều mục tiêu kinh tế - xã hội với kết quả ấn tượng như: giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 46,5 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân 10,48%/năm (chiếm 42,9% cơ cấu kinh tế); tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 14 nghìn tỷ đồng (tăng gần 1 ngàn tỷ đồng so với nhiệm kỳ trước).

Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Viên Hồng Tiến chia sẻ, Xuân Lộc vẫn đang không ngừng đổi mới và đang trên đường trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu với 3 khâu đột phá là: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất cho đến tiêu thụ, phát triển công nghiệp bảo quản và chế biến sâu, chú trọng xây dựng thương hiệu hàng hóa và du lịch sinh thái vườn. Tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn theo hướng hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, thương mại, dịch vụ và tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính.

Bình Nhi