Tổng công ty Nhà nước

Điệp khúc kêu lỗ cả năm để tăng giá; thông báo lãi cuối năm để về đích thành tích. Và, thái độ của chúng ta?

- Chủ Nhật, 26/01/2014, 08:19 - Chia sẻ
Trong năm qua, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã liên tục kêu lỗ, nhưng báo cáo tổng kết cuối năm lại thông báo số lãi lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Vậy thực chất số lãi thu được do các doanh nghiệp đã có những biện pháp mới trong điều hành sản xuất kinh doanh hay chủ yếu do tăng giá bán sản phẩm? Phải chăng vị thế độc quyền vẫn tiếp tục mang lại lợi ích lớn cho các doanh nghiệp này? Trong bối cảnh khó khăn gay gắt của nền kinh tế, việc liên tục tăng giá đầu vào sản xuất và tiêu dùng có thỏa đáng không? CHUYÊN GIA KINH TẾ VŨ ĐÌNH ÁNH và chúng tôi đã trao đổi:
 
Nguồn: quangninh.gov.vn

- Thưa ông, mới đây một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã công bố mức lãi lớn trong năm 2013. Đặt trong bối cảnh hết sức khó khăn của nền kinh tế, cả năm nhiều đơn vị liên tục kêu lỗ, nhưng đến cuối năm lại công bố lãi lớn. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Tôi cho rằng ấn tượng đầu tiên là sẽ ngạc nhiên, rõ ràng là trong suốt cả năm họ kêu lỗ và nhiều khi cái lỗ đó được coi là cái cớ để điều chỉnh giá tăng lên thì đến cuối năm họ lại thông báo lãi hay thậm chí lại còn là lãi rất lớn. Theo báo cáo không chính thức chỉ có khoảng 1/3 số doanh nghiệp trong nước làm ăn có lãi. Vậy các tập đoàn nhà nước có doanh thu lớn như vậy mà công bố những khoản lãi lớn như vậy thì cũng đáng ngạc nhiên.

-  Trong năm qua, ngành điện đã hai lần tăng giá và theo lộ trình sẽ tiếp tục tăng trong năm 2014. Vậy doanh nghiệp và người tiêu dùng hiểu như thế nào về chuyện ngành nay. Khi lỗ thì bắt người tiêu dùng phải chia sẻ bằng cách tăng giá,  nhưng tại sao khi lãi ngành điện cũng vẫn tăng giá, thưa Ông?

- Tôi cho rằng điều này bắt nguồn từ cơ chế quản lý của chúng ta liên quan đến ngành điện. Chúng ta cũng biết rằng, đối với ngành điện thì phải có nguyên tắc và đưa nó dần theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên do đặc thù của ngành điện, rõ ràng ngành điện hiện nay vẫn chưa tạo ra được thị trường cạnh tranh thật sự trong tất cả các khâu. Chủ yếu chúng ta thấy ở đây là vị trí thông qua việc thống lĩnh thị trường hay nói theo thuật ngữ kinh tế là thống lĩnh thị trường của EVN. Một mặt thì họ cung cấp, chiếm thị phần lớn thị trường điện trong nước. Mặt khác với kết quả kiểm toán vừa qua chúng ta đã biết liên quan đến ngành điện, bên cạnh những chi phí hợp lý hợp lệ, họ còn đưa thêm những chi phí xây dựng nhà, thậm chí là biệt thự, sân golf vào trong chi phí giá điện. Vấn đề thứ hai đối với ngành điện, là chuyện công khai minh bạch giá thành cũng như là các cấu thành của giá điện để khi thay đổi giá điện như năm vừa rồi điều chỉnh 2 lần hay mức độ tăng là bao nhiêu đều chưa có tính thuyết phục để người dân hiểu rõ hơn. Do đó tôi cho rằng vấn đề của ngành điện, nếu như có lãi thì chủ yếu là dựa vào việc tăng giá điện mà tăng giá lại thiếu cơ sở thuyết phục thì đó lại là câu chuyện buồn bên cạnh sự vui là doanh nghiệp nhà nước có lãi.

- Trong năm 2013, giá xăng dầu đã có tới 11 lần điều chỉnh. Điều này chứng tỏ việc điều hành mặt hàng này đã theo sát diễn biến giá thị trường hơn. Tuy nhiên, vẫn lặp lại tình trạng giảm ít, tăng nhiều, hoặc tăng nhanh, giảm chậm. Ông có bình luận gì về cách điều hành này đối với sản xuất và tiêu dùng?

- Tôi đơn cử như cách đây 2 năm, cuối năm 2011, khi lần đầu tiên báo tăng giá là ngành xăng dầu kêu lỗ. Tuy nhiên thì chỉ ngay sau đó một thời gian ngắn, ngành xăng dầu thông báo là có lãi. Chúng ta có Nghị định 84 điều hành và quản lý thị trường xăng dầu và đặc biệt trong đó là giá xăng dầu. Tuy nhiên rõ ràng là đối với cái quỹ bình ổn giá xăng dầu thì việc quản lý quỹ cho đến việc khi nào thì xả quỹ. Một bên chúng ta vẫn thu quỹ, một bên chúng ta lại xả quỹ trong trường hợp mà chúng ta nói để giữ bình ổn giá xăng dầu. Tôi cho rằng thêm những cái vấn đề phức tạp như vậy ngay cả cái cơ chế quản lý cũng chưa rõ ràng. Còn đối với ngành điện thì cũng tương tự như vậy.

- Hiện nay, chưa có cơ quan chủ quản nào của các tập đoàn lên tiếng về chuyện lãi lớn của các doanh nghiệp khi trước đó họ kêu lỗ để tăng giá thì lại được duyệt. Ông có suy nghĩ gì về việc này, dường như các cơ quan quản lý chưa xem xét một cách thấu đáo các phương án đề xuất tăng giá của doanh nghiệp?

- Rõ ràng trong thực tế chúng ta thấy các cơ quan quản lý thường đứng về phía các doanh nghiệp trong những lần điều chỉnh tăng giá mà có thể gây ảnh hưởng đến những lợi ích của người tiêu dùng. Ở đây chúng ta xuất phát từ tư duy, mỗi lần điều chỉnh giá nói riêng hay những vấn đề liên quan đến mối liên hệ quản lý doanh nghiệp có vị thế độc quyền thì thấy rằng các cơ quan quản lý nhà nước thay vì cân bằng lợi ích giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng, giữa người bán với người mua thì lại đứng về phía những người bán, đứng về phía các doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi của họ. Nhưng tôi cho rằng về mặt nguyên tắc nhà nước, các cơ quan quản lý, các thanh tra giám sát phải đứng ở giữa để cân bằng lợi ích giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng chứ không phải chia sẻ lợi ích trong việc hoạt động kinh doanh cũng như điều chỉnh giá của các nguyên vật liệu thiết yếu như vậy.

- Thưa Ông, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã phải giải thể, phá sản. Người tiêu dùng thì phải thắt chặt chi tiêu nhưng mà một số doanh nghiệp nhà nước với vị thế đặc quyền hay chiếm lĩnh vị trí trên thị trường cứ liên tục kêu lỗ để tăng giá bán thì rõ ràng là không thỏa đáng?

- Tôi cho rằng việc này xuất phát từ một hiện trạng trong nền kinh tế của chúng ta và hiện trạng này khó có thể thay đổi nhanh chóng trong thời gian tới nếu như không nỗ lực, quyết tâm để thay đổi hiện trạng đó. Đầu tiên là vị thế độc quyền, vị trí thống lĩnh đối với việc sản xuất kinh doanh cũng như là giá đối với điện, than, xăng dầu đó là những độc quyền của nhà nước, độc quyền này giao cho một số những doanh nghiệp nhà nước hay thậm chí trong khá nhiều trường hợp là cho một cái doanh nghiệp nhà nước. Bởi vậy, không thể lạm dụng vị thế độc quyền đó, đặc biệt là trong việc giao cho cái doanh nghiệp có cái vị thế độc quyền đó xác định giá. Chúng ta cũng biết trong kinh doanh vấn đề lợi nhuận được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên nếu thế đơn giản nhất là tăng giá để thu lợi nhuận mà không cần quan tâm đến việc là tăng cường khả năng quản lý, không cần quan tâm đến chi phí sản xuất, cũng như giảm giá thành, thậm chí cũng không cần nâng cao chất lượng phục vụ, thì rõ ràng đây là cái hiện trạng cần có biện pháp quyết liệt để xử lý.

Do đó về mặt giá nói riêng cũng như quản lý kinh doanh của các doanh nghiệp, vị trí độc quyền Việt Nam hiện nay thì các cơ quan quản lý nhà nước cần phải đứng ra để hạn chế  việc doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận bằng việc tăng giá, trong khi việc tăng lợi nhuận phải xuất phát từ cải tiến khả năng quản lý, quản trị từ việc giảm chi phí, giảm giá thành đồng thời nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp.

- Để giảm sự độc quyền, tăng sự cạnh tranh thì theo ông, trong thời gian tới, phải đẩy mạnh hơn sự tham gia của các thành phần kinh tế như thế nào để người dân và doanh nghiệp đều có lợi?

- Ví dụ hướng đi như ngành điện là hướng đi hợp lý và phù hợp. Tuy nhiên tôi quan tâm hơn là tốc độ đẩy nhanh hơn để làm sao thị trường điện cạnh tranh không chỉ là thị trường phát điện cạnh tranh mà còn liên quan đến lưới điện về sau, kể cả truyền tải điện rồi người tiêu dùng cuối cùng. Khi đó giá điện, chất lượng phục vụ điện sẽ được quyết định dựa trên cái cơ chế thị trường, dựa trên các quy luật thị trường như là quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu, chúng ta sẽ có một thị trường điện mà tiếp cận được với thông lệ của thế giới và bảo đảm cái quyền lợi kinh doanh về điện cũng như người tiêu dùng về điện. Và với một mô hình như vậy thì có thể tiếp tục đối với cả các ngành nghề, sản phẩm mà hiện nay vẫn giữ vị trí thống lĩnh hay là độc quyền. Như vậy chúng ta sẽ tạo ra được thị trường đồng bộ hóa và thông qua đó thì sẽ giúp giải quyết được những vấn đề mà chúng ta đang vướng mắc hiện nay, đó là vấn đề cơ chế thị trường.

- Cám ơn Ông, vậy thì thái độ của chúng ta là gì?

- ...

Anh Tú thực hiện