Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Yên Bái Khóa XIX

Điều chỉnh, bổ sung kịch bản phát triển kinh tế - xã hội

- Thứ Hai, 19/07/2021, 07:04 - Chia sẻ
Ngay sau kỳ họp, UBND tỉnh cần khẩn trương triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh. Cùng với đó, kịp thời điều chỉnh, bổ sung kịch bản phát triển kinh tế - xã hội, thu ngân sách, kế hoạch đầu tư công, phòng chống dịch bệnh Covid-19; tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp..., Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy nhấn mạnh tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Khóa XIX.

Nhiều gam màu sáng

Là địa phương đầu tiên xuất hiện ca nhiễm mới trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, song với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Yên Bái đã chủ động, quyết liệt ngay từ đầu, nhanh chóng kiểm soát được tình hình và đến nay qua hơn 2 tháng không phát hiện ca nhiễm mới. Kết quả này đã góp phần duy trì ổn định nền kinh tế, bảo đảm cuộc sống của người dân.

		Các đại biểu dự kỳ họp
Các đại biểu dự kỳ họp

Chia sẻ tại kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tạ Văn Long cho biết: Bám sát chỉ đạo của Trung ương về thực hiện mục tiêu kép, Yên Bái đã tập trung tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực của dịch. Qua đó, kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với nhiều chỉ tiêu tăng khá so với kế hoạch năm và so với cùng kỳ. Cụ thể: GRDP tăng 5,68%; tổng sản phẩm nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,03%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,64%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 16,5%; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được nâng lên rõ rệt...

Công tác thu - chi ngân sách được triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm. Thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt 1.564 tỷ đồng, tăng 22,83% so với cùng kỳ. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, thu hồi nợ đọng được tăng cường. Chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, bám sát các quy định, định mức; các biện pháp về thực hành tiết kiệm chống lãng phí được tích cực triển khai. Bên cạnh đó, đầu tư công tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng trọng tâm, trọng điểm, vốn đầu tư công được kiểm soát chặt chẽ, sử dụng hiệu quả. Các công trình hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, xây dựng NTM… tiếp tục được ưu tiên tập trung đầu tư đã góp phần thay đổi bộ mặt đô thị, diện mạo nông thôn, tạo động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao đời sống người dân.

Khẩn trương đưa nghị quyết vào cuộc sống

Tại kỳ họp, các đại biểu bày tỏ băn khoăn và lo lắng trước những tác động nặng nề từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trước tiên, là hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn về nguyên vật liệu, nhất là các doanh nghiệp liên quan đến xuất, nhập khẩu hàng hóa và sử dụng lao động ngoài nước. Các ngành dịch vụ, du lịch - một trong những thế mạnh của các huyện vùng cao bị ảnh hưởng nặng nề.

Bên cạnh đó, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp tuy đã được cải thiện song chưa đáp ứng yêu cầu, thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, giá trị sản phẩm còn thấp. Việc ban hành và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, đề án còn chậm trễ, một số chính sách chậm đi vào cuộc sống… Đây là những “điểm nghẽn” cần bàn bạc đưa ra giải pháp tháo gỡ kịp thời. Theo các đại biểu, tỉnh cần chiến lược bài bản, cụ thể và toàn diện, từng bước tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đề nghị, HĐND, UBND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh phải tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí khát vọng vươn lên, năng động, chủ động, sáng tạo để cùng với cả hệ thống chính trị và nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ năm 2021, tạo tiền đề quan trọng, khí thế mạnh mẽ cho những năm tiếp theo, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

“Ngay sau kỳ họp, UBND tỉnh cần khẩn trương triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh tại kỳ họp. Cùng với đó, kịp thời điều chỉnh, bổ sung kịch bản phát triển kinh tế - xã hội, kịch bản thu ngân sách, kế hoạch đầu tư công, kế hoạch phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp, bảo đảm hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã đề ra. Đặc biệt, phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực”, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy yêu cầu.

Liên quan đến dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành một số chính sách thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: Đây đều là các chính sách tác động sâu rộng tới người dân. Quá trình xây dựng, thẩm tra đã được chuẩn bị kỹ lưỡng trên cơ sở bám sát các quy định của Trung ương, vận dụng vào điều kiện thực tế của địa phương và tham khảo kinh nghiệm một số địa phương khác. Tuy nhiên, do mức độ ảnh hưởng sâu rộng của chính sách tới người dân, nhất là ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, các đối tượng bảo trợ xã hội, đại biểu cần thảo luận kỹ lưỡng, thấu đáo trước khi quyết nghị thông qua, để bảo đảm nghị quyết sau khi ban hành có tính khả thi cao, góp phần bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chỉ số hạnh phúc của Nhân dân trong tỉnh.

 

TRỌNG HIẾU