Quốc hội thảo luận trực tuyến về thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Điều chỉnh chính sách linh hoạt, cắt giảm tối đa chi phí quản lý

- Thứ Tư, 27/10/2021, 16:37 - Chia sẻ
Chiều 27.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện cần linh hoạt hơn

Thảo luận từ điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, ĐBQH Trần Thị Hiền đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đưa vào Chương trình kỳ họp việc thảo luận Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) và tình hình quản lý sử dụng Quỹ BHXH năm 2020. Đây cũng là dịp rất tốt để người dân, xã hội hiểu rõ hơn về vai trò của bảo hiểm xã hội - một trong những trụ cột của an sinh xã hội. 

ĐBQH Trần Thị Hiền (Hà Nam) phát biểu
Ảnh: Xuân Tùng

Cũng theo đại biểu Trần Thị Hiền, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động phấn khởi, đánh giá cao việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trong thời gian qua đã tháo gỡ khó khăn, đưa ra nhiều quyết sách kịp thời, chưa có tiền lệ hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong đó có những chính sách liên quan trực tiếp đến BHXH như giảm mức đóng, giãn thời gian đóng một số chế độ bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp..., hỗ trợ tiền mặt cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp... Quá trình thực hiện chế độ, chính sách và vận hành, quản lý Quỹ BHXH tuy còn những hạn chế nhất định nhưng đã tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, từ khâu tổ chức thực hiện chính sách, các chế độ, phát triển và quản lý đối tượng, quản lý và sử dụng Quỹ bảo đảm an toàn, cân đối thu - chi cho đến việc đầu tư, phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý...

ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Đề cập đến BHXH tự nguyện, ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) nêu thực tế, số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2020 tuy có tăng so với năm 2019 nhưng mức đóng và số tiền đóng không cao, chủ yếu chọn đóng ở mức chuẩn nghèo nông thôn, 700.000 đồng/tháng. Mặt khác, tổng số người tham gia đóng BHXH tự nguyện còn khiêm tốn, mới đạt 2,31% tổng lực lượng lao động trong độ tuổi của cả nước.

Một trong những nguyên nhân khiến BHXH tự nguyện chưa đạt kết quả như mong muốn, theo đại biểu Nguyễn Hải Anh là do chính sách chưa đủ hấp dẫn, thu hút người tham gia. Ví dụ, quy định thời gian đóng còn tương đối dài, lên tới 20 năm, chế độ hưởng còn hạn chế, đặc biệt, còn thiếu linh hoạt, đa dạng hình thức đóng so với các loại hình thương mại trên thị trường. Do đó, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị thời gian tới phải sớm xem xét, điều chỉnh quy định chính sách về BHXH tự nguyện, rút ngắn thời gian đóng và đa dạng hoá hình thức tham gia BHXH tự nguyện, nhất là có những phương thức, cách tính theo giá trị dòng tiền để tăng sự hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều người tham gia.

Ảnh: Quang Khánh

Cần giảm mức đóng cho người tham gia BHXH khi ốm đau, thai sản

Theo đại biểu Trần Thị Hiền, doanh nghiệp và người sử dụng lao động chân chính phần lớn tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật để không chỉ tồn tại lâu dài, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, cống hiến xây dựng Tổ quốc, coi người lao động là tài sản của doanh nghiệp. Do đó, cần tạo điều kiện cho người lao động và người lao động giảm thiểu mức chi phí, nhất trong bối cảnh hiện nay. 

Qua báo cáo của Chính phủ cho thấy, các quỹ có tính chất ngắn hạn đều có kết dư và bảo đảm cân đối. Chẳng hạn, quỹ ốm đau thai sản năm 2019 kết dư 12,97 nghìn tỷ đồng, năm 2020 kết dư 13,47 nghìn tỷ đồng; quỹ Tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp kết dư năm 2019 là 47,87 nghìn tỷ đồng, năm 2020 kết dư 54 nghìn tỷ đồng; tương tự quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) kết dư 2 năm là 85,5 nghìn tỷ đồng và 90,59 nghìn tỷ đồng. Do vậy, đại biểu tỉnh Hà Nam đề nghị cần sửa đổi quy định liên quan theo hướng linh hoạt hơn nhằm giảm mức đóng cho người tham gia BHXH khi ốm đau, thai sản, hỗ trợ thiết thực cho các bên giảm chi phí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi kinh tế trong bối cảnh vẫn đang chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 như hiện nay. 

ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Liên quan tới chi phí quản lý Quỹ BHXH, ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng, nguồn chi phí thực hiện quản lý Quỹ BHXH hàng năm được trích từ tiền sinh lời hoạt động đầu tư, và định kỳ 3 năm Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức chi phí quản lý quỹ BHXH. Năm 2020, chi phí quản lý Quỹ BHXH, BHTN đang được thực hiện theo Nghị quyết 528/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, chi phí quản lý Quỹ BHXH và BHTN giảm dần theo năm 2019 là 2,15%, năm 2020 là 2% và năm 2021 là 1,85% và được trích từ tiền sinh lời hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH, BHTN. 

Thời gian qua, ngành BHXH đã cắt giảm chi phí so với quy định. Tuy nhiên, qua nghiên cứu báo cáo thẩm tra cũng như báo cáo của Chính phủ thì việc cắt giảm so với năm 2019 xét về tổng thể cho thấy dự toán chi phí phát triển và quản lý Quỹ BHXH năm 2020 đều cao hơn so với năm 2019 trong khi tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đạt hiệu quả thì mức giảm này chưa tương xứng. Do vậy, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị cần tiếp tục cắt giảm chi phí quản lý Quỹ BHXH, BHTN trong bối cảnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, chi phí quản lý phải gắn với kết quả phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm và hiệu quả sinh lời của Quỹ.

Hồ Long