Điều chỉnh để duy trì sản xuất

- Chủ Nhật, 15/08/2021, 10:20 - Chia sẻ
Sau quá trình duy trì “3 tại chỗ”, rất nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động vì xuất hiện ca mắc Covid-19, thậm chí ngay cả doanh nghiệp đang thực hiện tốt mô hình cũng phải dừng sản xuất. Nguyên nhân là bởi các doanh nghiệp “hụt hơi” bởi hàng loạt chi phí gia tăng, thiếu cơ sở hạ tầng để phục vụ tại chỗ người lao động lâu dài, cách thực hiện tại các địa phương cũng chưa đồng bộ. Thực tế này cho thấy, khó có thể quy định một mô hình sản xuất "cứng" với tất cả lĩnh vực, ngành hàng và cần một mô hình sản xuất thay thế, linh hoạt hơn để doanh nghiệp dễ thích ứng, miễn là bảo đảm được an toàn.

Để tránh nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng do không thể tiếp tục mô hình trên, nhiều doanh nghiệp đã đề nghị thực hiện mô hình “2 tại chỗ” (ăn uống và làm việc tại chỗ), tiến tới tạo lập “doanh nghiệp xanh”. Có nghĩa người lao động sẽ ăn uống và làm việc tại chỗ, và tạo một cung đường, cho phép họ được về nhà trên cơ sở đảm bảo tuyệt đối kiểm soát dịch bệnh. Mô hình này phải kết hợp với việc tăng tần suất test nhanh cho người lao động để nhanh chóng phát hiện các ca dương tính, đặc biệt khuyến khích thực hiện với những lao động được tiêm ít nhất một mũi vaccine.

Nhiều doanh nghiệp đánh giá, mô hình này đặc biệt phù hợp với điều kiện có lượng lớn nhà trọ công nhân ở quanh nhà máy sản xuất. Người lao động sẽ phải ký cam kết chỉ di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc, tuân thủ 5K cũng như các yêu cầu phòng dịch của địa phương. Chủ doanh nghiệp làm việc với chủ nhà trọ nhằm thắt chặt kiểm soát an toàn phòng chống dịch, đồng thời cử nhân viên phối hợp kiểm soát việc đi lại của công nhân sau giờ làm. Doanh nghiệp sẽ tổ chức xe đưa đóng công nhân từ nhà máy đến địa điểm ở. Như vậy sẽ giảm áp lực chi phí cho doanh nghiệp và tinh thần công nhân thoải mái hơn.

Đợt dịch thứ 4 bùng phát với diễn biến và hình thái phức tạp hơn nhiều so với các đợt dịch trước đây. Vì thế, ngoài việc ứng xử linh hoạt tránh đổ vỡ chuỗi cung ứng, thì cũng cần kịch bản sống chung dài hạn với dịch, cũng như tính đến khả năng chịu đựng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào đang thực hiện tốt “3 tại chỗ” vẫn tiếp tục duy trì, khuyến khích. Còn doanh nghiệp nào đang gặp khó khăn thì linh động điều chỉnh áp dụng các phương án sản xuất an toàn, bảo đảm phòng chống dịch dựa trên tiêu chuẩn thống nhất, có sự phê duyệt và kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và y tế địa phương.

Tuần trước, Bộ Công thương cũng đã đưa ra giải pháp gửi ngành y tế nhằm tháo gỡ cho “3 tại chỗ”. Bộ này đề nghị, các địa phương xây dựng kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với diễn biến của dịch bệnh, để các doanh nghiệp có kế hoạch bố trí sản xuất phù hợp. Các doanh nghiệp ở vùng an toàn, có mức độ công nhân ở tập trung cao, Bộ Công Thường đề nghị có thể điều chỉnh, cho phép người lao động về nhà. Các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch được Bộ đưa ra tương tự trường hợp F1 tự cách ly tại gia đình và di chuyển theo tuyến cố định, không dừng đỗ dọc đường.

Trước mắt, nên thí điểm thực hiện với nhóm nhỏ 20-30 người và tối đa 100 người. Nếu thấy ổn thỏa thì có thể tăng lên với quy mô khoảng 300 người. Bằng mọi giá phải cố gắng duy trì sản xuất ở mức độ tối thiểu, phân loại các vùng nguy cơ, nơi nào đảm bảo an toàn phải duy trì hoạt động. Hiện nay nhiều thị trường đã mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu dùng bắt đầu khởi sắc. Vì thế, cần giảm thiểu tình trạng ngừng hoạt động của doanh nghiệp để tránh nguy cơ bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng khi các khách hàng lớn chuyển dịch đơn hàng sang các nước khác. Đó là chưa kể, nếu tình trạng ngừng sản xuất dài ngày, công nhân về quê dẫn đến tình trạng thiếu lao động cho các nhà máy. Như vậy sẽ rất khó đảm bảo được khả năng cung ứng, sản xuất các đơn hàng quy mô lớn cho các tập đoàn đa quốc gia.

Trong lúc này, mỗi ngành nghề hoặc thậm chí là tùy đặc thù doanh nghiệp cần có giải pháp thay thế, cải tiến cho mô hình “3 tại chỗ” để phù hợp hơn. Bộ Y tế nên ban hành những tiêu chuẩn, quy chuẩn - quy trình này mang tính chất mở, mang tính hướng dẫn để doanh nghiệp xây dựng phương án tổ chức sản xuất trên cơ sở nguyên tắc đảm bảo an toàn dịch bệnh. Còn các địa phương, thay vì “quản” doanh nghiệp sản xuất theo kiểu thủ công như hiện nay, cần yêu cầu doanh nghiệp lập cơ sở dữ liệu theo dõi sức khoẻ người lao động, gồm các thông số như lịch xét nghiệm Covid-19, tiêm chủng, địa chỉ nơi ở... Dữ liệu này được công nhận và liên thông với chính quyền tỉnh, thành phố, thậm chí là liên tỉnh. Việc này giúp doanh nghiệp, chính quyền đánh giá, quản trị rủi ro và đưa ra giải pháp xử lý tình huống theo tình hình dịch bệnh từng địa phương, cũng là giải pháp tối ưu nhất để doanh nghiệp chống chịu cho đến khi có đủ vaccine tiêm cho người lao động. 

Chi An