Đồng Nai:

Điều chỉnh quy hoạch phù hợp

- Thứ Năm, 13/05/2021, 06:24 - Chia sẻ
Trong những năm qua, tỉnh Đồng Nai chủ trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp và quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở từng địa phương. Trong đó, đặc biệt ưu tiên gắn quy hoạch cơ sở hạ tầng với quy hoạch sản xuất hàng hóa tập trung theo từng địa bàn.

Quy hoạch có tính chất định hướng sản xuất

Từ năm 2019, Luật Quy hoạch đã chính thức có hiệu lực, trong đó, một trong những đổi mới nổi bật là sẽ xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia theo hướng tích cực và bãi bỏ các quy hoạch ngành, sản phẩm, thay vào đó để thị trường tự điều tiết. Đối với ngành nông nghiệp, không còn việc quản lý quy hoạch “trồng cây gì, nuôi con gì” ở các địa phương. Thay vào đó, mỗi nông dân, mỗi tổ chức sản xuất nông nghiệp phải chủ động nắm bắt tín hiệu thị trường. Điều này được đánh giá là rất phù hợp vì chỉ có sản xuất theo nhu cầu thị trường mới tránh được cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa” như lâu nay.

Vì vậy, quy hoạch sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai hiện nay có tính chất định hướng sản xuất và được xây dựng dựa trên nghiên cứu về thế mạnh đất đai; thổ nhưỡng; thế mạnh phát triển của từng loại cây trồng, vật nuôi và đặc biệt là nhu cầu của thị trường. Đồng Nai chủ trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở từng địa phương. Trong đó, đặc biệt ưu tiên gắn quy hoạch cơ sở hạ tầng với quy hoạch sản xuất hàng hóa tập trung theo từng địa bàn.

Cánh đồng mẫu lớn và chăn nuôi tập trung là thành quả cho công tác điều chỉnh quy hoạch phù hợp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Hình thành các vùng trồng trọt và chăn nuôi tập trung với cơ cấu sản xuất hiệu quả, phát triển mạnh các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực bảo đảm tiêu chuẩn “cây, con 4 có”: có giá trị kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ ổn định và có thu nhập cao. Từ đó, không ngừng nâng cao thu nhập, đời sống cho người nông dân trên từng địa bàn.

Điều chỉnh quy hoạch phù hợp với yêu cầu sản xuất nông nghiệp
Nguồn: ITN

Hình thành vùng trồng trọt và chăn nuôi tập trung

Cụ thể, việc xây dựng và phát triển các mô hình cánh đồng lớn không chỉ xây dựng các mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ mà còn giúp sản xuất nông nghiệp đi theo quy hoạch đã xây dựng. Việc quản lý quy hoạch “dựa” vào các dự án cánh đồng lớn cũng sẽ giúp cho các quy hoạch gần với thị trường hơn. Bởi khi đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã gia tăng được khả năng tìm hiểu và nắm bắt nhu cầu của thị trường theo hướng sát hợp hơn. Từ nhu cầu của thị trường về chủng loại nông sản, chất lượng, sản lượng, các doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ tìm cách liên kết với nông dân để sản xuất.

Cùng với việc định hướng sản xuất thông qua quy hoạch, để bảo đảm nâng cao ý thức của người nông dân trong việc thực hiện đúng các quy hoạch, Đồng Nai cũng  đẩy mạnh việc cung cấp thông tin dự báo thị trường, chuyển giao khoa học - kỹ thuật để nông dân làm ra những sản phẩm chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện tỉnh đã hình thành được 25 vùng cây trồng chủ lực là cây công nghiệp lâu năm và cây ăn trái. Trong đó, có nhiều cây trồng đặc sản có tiếng trên thị trường như hồ tiêu, xoài, bưởi, sầu riêng, chôm chôm, thanh long ruột đỏ... và trên 90% diện tích các loại cây trồng đều sử dụng giống mới. Có thể kể đến bưởi Tân Triều (Vĩnh Cửu); xoài La Ngà, Phú Ngọc (Định Quán); xoài Xuân Hưng, Suối Cao (Xuân Lộc); sầu riêng Long Khánh, Xuân Lộc; cà phê Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Long Khánh; tiêu Xuân Thọ (Xuân Lộc)… Các cây trồng chủ lực đã phát triển cả về năng suất và chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong nước, xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Có thể thấy, từ nhiều năm qua, tỉnh Đồng Nai là địa phương có khá nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh thuộc danh mục 15 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các sản phẩm cây, con chủ lực có giá trị kinh tế cao được sắp xếp và hình thành các vùng sản xuất tập trung, như vùng cây trồng chủ lực với quy mô trên 50.000ha; 11 vùng nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 144ha; chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại quy mô lớn, hiện chăn nuôi trang trại đạt trên 90%.

Để nâng cao chất lượng cũng như tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, tỉnh Đồng Nai cũng tập trung xây dựng đề án nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhằm mục tiêu lựa chọn các mặt hàng nông lâm sản chủ lực trong bối cảnh hội nhập. Qua đây, địa phương quy hoạch phát triển nông nghiệp có sức cạnh tranh cao, hiệu quả, bền vững.

T. T