Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ

Điều gì được chờ đợi?

- Thứ Tư, 16/06/2021, 06:59 - Chia sẻ
Ngày 16.6 giờ địa phương, cuộc gặp rất được mong đợi giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ, trong bối cảnh quan hệ giữa Washinton và Moscow đang ở mức thấp thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Ông Biden, lúc đó là Phó Tổng thống Mỹ, bắt tay ông Putin, lúc đó là Thủ tướng Nga năm 2011 ở Moscow
Nguồn: AP

Không nhiều kỳ vọng

Theo Al Jazeera, trong thập kỷ qua, Tổng thống Nga Putin đã trở thành một trong những cái gai khó chịu nhất đối với Nhà Trắng. Điện Kremlin khiến Mỹ không bằng lòng với mối đe dọa xâm lược Ukraine, tích trữ vũ khí, các cuộc tấn công của hacker và can thiệp bầu cử. Chính vì vậy, hai nhà lãnh đạo gặp lại nhau tại Geneva cho hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của họ trong bối cảnh quan hệ rạn nứt và phương Tây ngày càng gia tăng áp lực lên Moscow.

Mặc dù vậy, Tổng thống Putin vẫn nói về Tổng thống Biden với sự lạc quan thận trọng. Thậm chí khi trả lời một câu hỏi của phóng viên NBC cuối tuần trước về việc từng bị ông Biden gọi là “killer” (kẻ giết người), ông cười nói: “Trong nhiệm kỳ của mình, tôi đã quen với các cuộc tấn công từ mọi góc độ và từ mọi lĩnh vực với mọi lý do”.

Trước đó một tuần, người đứng đầu điện Kremlin nói về người đứng đầu Nhà Trắng là “tôi hy vọng ông ấy là người có kinh nghiệm, cân bằng và rất chính xác. Tôi rất mong cuộc họp của chúng tôi sẽ diễn ra tích cực”.

Giống như Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Nga Vladimir  Putin, người đã gặp 4 đời Tổng thống Mỹ kể từ năm 1999, cũng giữ kỳ vọng về hội nghị thượng đỉnh ở mức thấp. Ông nói: “Tôi không mong đợi bất kỳ bước đột phá nào trong quan hệ Nga - Mỹ, không có gì có thể khiến tất cả chúng ta sững sờ”. Ngược lại, Tổng thống Mỹ hôm 14.6 dành những lời đánh giá cao người đồng cấp Nga. Phát biểu trong cuộc họp báo sau Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Brusels, Bỉ, ông chủ Nhà Trắng mô tả Tổng thống Putin là người “sáng suốt”, “cứng rắn” và là “đối thủ xứng tầm”. Điều này khác hẳn với những gì gây tranh cãi mà ông từng nói về ông Putin, vốn khiến quan hệ Mỹ - Nga xấu thêm.

Liên quan đến chương trình nghị sự cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Nga Putin, Tổng thống Biden cho biết ông sẽ chuyển tải đến Tổng thống Putin rằng có những lĩnh vực mà Mỹ và Nga có thể hợp tác “nếu ông ấy đồng ý”, trong khi cũng cam kết vạch ra “ranh giới đỏ”.

“Tôi không tìm kiếm xung đột với Nga nhưng chúng tôi sẽ đáp trả nếu Nga tiếp tục các hoạt động có hại và chúng tôi sẽ không thất bại trong việc bảo vệ liên minh xuyên Đại Tây Dương”, ông Biden nhấn mạnh.

Những vấn đề gai góc

Trước hết đó là về Ukraine, cho đến nay, đây là vấn đề xương máu lớn nhất của xung đột giữa hai bên.

Vào tháng 3 và đầu tháng 4, Tổng thống Putin đã ra lệnh tập trung hàng chục nghìn quân ở Crimea - nơi đã sáp nhập vào Nga và dọc theo biên giới của Nga với Ukraine cùng hai khu vực ly khai thân Nga ở đây.

Đã có lúc chiến tranh tưởng như sắp nổ ra, cho đến khi Tổng thống Joe Biden gọi điện cho Tổng thống Putin ngày 13.4 yêu cầu ông giảm leo thang căng thẳng, đồng thời đề nghị gặp mặt ở Geneva và nhà lãnh đạo Nga đã đồng ý. Trên thực tế, Tổng thống Biden hiểu rõ Ukraine hơn các tổng thống Mỹ khác trong lịch sử. Ông từng đến thăm đất nước thuộc Liên Xô cũ này sáu lần và thậm chí từng nói đùa rằng ông dành nhiều thời gian nói chuyện điện thoại với Tổng thống Petro Poroshenko hơn là với vợ.

Theo cựu nghị sĩ Gennady Gudkov, “cuộc gặp của ông Biden với ông Putin sẽ chỉ giải quyết được một câu hỏi - làm thế nào để không để xảy ra cuộc chiến thực sự".

Tuy nhiên, ông Alexey Mukhin, người đứng đầu Trung tâm Thông tin chính trị trụ sở tại Moscow, khẳng định, Tổng thống Biden sẽ tránh thảo luận về Ukraine vì việc làm ăn của con trai Hunter tại một công ty năng lượng Ukraine, từng là cớ để cựu Tổng thống Donald Trump gây áp lực đối với Kyev và ngược lại nó cũng là vấn đề dẫn đến cuộc luận tội đầu tiên đối với ông Trump.

Ông Mukhin cho rằng, hai địa điểm xa xôi - Bắc Cực và Syria - cũng sẽ chiếm ưu thế trong các cuộc đàm phán như những lĩnh vực hợp tác có thể có. Trong hai năm tới, Moscow sẽ giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng các quốc gia Bắc Cực có biên giới với khu vực, nơi mà băng tan mở ra các tuyến đường biển mới có thể cạnh tranh với kênh đào Suez và eo biển Malacca.

Vì vậy, các biện pháp trừng phạt của phương Tây về vấn đề Crimea bao gồm cả lệnh cấm xuất khẩu công nghệ khoan ngoài khơi mà Nga cần để có được phần của mình ở Bắc Cực, nơi chứa tới 90 tỷ thùng dầu và khí tự nhiên, vượt quá trữ lượng đã được chứng minh của Qatar.

Trong khi đó, Moscow đang tăng cường hiện diện quân sự ở Bắc Cực bất chấp tình trạng 6 tháng đêm dài và mùa đông kéo dài 9 tháng ở đây, vì khu vực này là con đường ngắn nhất cho các tên lửa đạn đạo từ Nga tới Bắc Mỹ - hay ngược lại. Giữa tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết: “Chúng tôi lo ngại về một số hoạt động quân sự gần đây ở Bắc Cực”.

Về vấn đề Syria, Moscow khiến cả phương Tây choáng váng khi can thiệp quân sự để cứu Tổng thống Bashar Assad, và Washington hiểu rằng chỉ hợp tác với Moscow mới giúp giải quyết được xung đột. Một số nhà phân tích phương Tây tỏ ra tích cực rằng, Tổng thống Putin sẽ “hy sinh” ông Assad nếu phương Tây bảo đảm không xâm phạm ảnh hưởng mới của Moscow ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá này. Cụ thể, bà Lina Khatib, Giám đốc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Chatham House, viết trên tạp chí Foreign Policy hôm 9.6 với nhận định: Nga có thể sẽ chấp nhận hy sinh nhiệm kỳ Tổng thống của ông Assad, nhưng chỉ để đổi lấy việc duy trì mức độ ảnh hưởng cho mình ở Syria. Tuy nhiên, một số chuyên gia am hiểu nhất về Nga và Trung Đông không đồng ý với ý kiến này.

Bên cạnh đó, “trò chơi trạng thái” cũng đang thử thách Nga - Mỹ. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov mới đây lặp lại kỳ vọng thấp của Tổng thống Putin về hội nghị thượng đỉnh và sử dụng hình ảnh ẩn dụ để mô tả khả năng khôi phục quan hệ song phương. “Phải có hai người để nhảy điệu tango. Nhưng nếu ai đó lại đang nhảy breakdance, mọi thứ sẽ phức tạp hơn”, ông Lavrov phát biểu tại hội nghị về thanh niên hôm 9.6.

Ngoại trưởng Nga đề cập đến một trong những nền tảng của kiến trúc kiểm soát vũ khí hạt nhân toàn cầu mà Moscow và Washington đã duy trì trong nhiều thập kỷ - và điều đó có thể mang lại khả năng đổi mới hợp tác.

Điện Kremlin từ lâu đã lo lắng về hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore của NATO ở Romania và Ba Lan, các vệ tinh thời Liên Xô của Nga. Mặc dù Mỹ tuyên bố hệ thống này được thiết kế để ngăn chặn mối đe dọa hạt nhân từ Iran, nhưng Moscow tin rằng nó có thể được nâng cấp để bắn tên lửa Tomahawk tầm xa vào Nga. Moscow mong muốn tiến hành kiểm tra thường xuyên các cơ sở Aegis Ashore và sẽ cho phép NATO kiểm tra tên lửa Iskander tầm ngắn của họ ở vùng Kaliningrad, vùng Baltic, cực Tây của Nga.

Ngoại trưởng Lavrov nói: “Chúng tôi mời các bạn đến thăm vùng Kaliningrad và xem quần đảo Iskanders. Đổi lại, các chuyên gia của chúng tôi sẽ đến thăm các căn cứ phòng thủ tên lửa đang được xây dựng ở Romania và Ba Lan”.

Nhưng theo nhiều chuyên gia phân tích, nhu cầu đó không gì khác ngoài một trò chơi thượng thừa để nâng cao uy tín của Moscow. Ông Pavel Luzin, một nhà phân tích người Nga của tổ chức tư vấn Jamestown Foundation trụ sở ở Washington, cho rằng: “Đây là cách trực tiếp mang đến những gì Nga đã không đạt được kể từ những năm 1990 - tư cách là người bảo đảm an ninh của châu Âu, ngang bằng Mỹ”. Ông dự đoán, Tổng thống Biden rất khó cho phép kiểm tra, nhưng có thể hứa sẽ không lắp đặt Tomahawks, điều mà về mặt kỹ thuật là không thể bắt đầu.

Linh Anh