Trình độ, kiến thức, kỹ năng và thái độ:

Điều kiện cần và đủ của đại biểu dân cử

- Thứ Tư, 17/11/2021, 19:35 - Chia sẻ
Tại buổi tập huấn thứ tư của Lớp tập huấn trực tuyến dành cho giảng viên, báo cáo viên bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã do Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) tổ chức, PGS.TS Nguyễn Văn Hậu - Chánh Văn phòng Học viện Hành chính Quốc gia đã có những chia sẻ đầy tâm huyết ở 4 nhóm vấn đề thuộc chức năng nhiệm vụ của đại biểu HĐND. Theo đó, để làm tốt công tác dân cử, các đại biểu phải có bốn yếu tố là trình độ, kiến thức, kỹ năng và thái độ.

"Trình bày, thuyết phục, thuyết trình tiếp xúc cử tri” và “Thảo luận, tranh luận trong tiếp xúc cử tri” là hai kỹ năng cần thiết đối với công tác đại biểu HĐND. PGS.TS Nguyễn Văn Hậu cho rằng, để làm tốt kỹ năng này, từ khóa quan trọng nhất mà các đại biểu cần ghi nhớ là “thuyết phục”. Những điều mà đại biểu nói phải làm cho cử tri thấy đúng và thấy tin.

PGS.TS Nguyễn Văn Hậu có những chia sẻ đầy tâm huyết với những giảng viên, báo cáo viên và đại biểu HĐND tại 61 điểm cầu.
PGS.TS Nguyễn Văn Hậu có những chia sẻ đầy tâm huyết với những giảng viên, báo cáo viên và đại biểu HĐND tại 61 điểm cầu.

Để nâng cao tính thuyết phục trong tiếp xúc cử tri và tiếp xúc các đối tượng khác, các đại biểu cần chú ý đến ngôn từ và các cử chỉ “phi ngôn từ”. “Về ngôn từ các đại biểu cần phải có sự nhất quán trong trình bày, đặc biệt cấp xã, huyện các đại biểu cần rất thận trọng trong lựa chọn lời hứa của mình, tránh trường hợp hứa không làm được”, PGS.TS Nguyễn Văn Hậu chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Văn Hậu cũng chỉ ra rằng, trong tranh luận, thảo luận tại các cuộc tiếp xúc cử tri, đại biểu cần nắm chắc và nghiên cứu kỹ các yếu tố văn hóa, phong tục, tập quán, yếu tố vùng miền, hệ giá trị... Đây là yếu tố tác động không nhỏ tới hiệu quả của cuộc tiếp xúc cử tri. Nếu các đại biểu không nắm chắc, không có sở mà vẫn nêu vấn đề sẽ gây mất thiện cảm của cử tri với chính đại biểu đó. Còn với vai trò là báo cáo viên, các thầy cô cần lựa chọn đối tượng để có từ ngữ phù hợp trong giảng dạy, giao tiếp, truyền đạt vấn đề.

Lớp học với sự tham gia của 61 điểm cầu trên cả nước.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cần chú trọng kết cấu của ngôn từ, trong 3 bước của tiếp xúc cử tri là chuẩn bị, tiến hành và kết thúc đều có những quy định riêng về ngôn từ. Ví dụ ở khâu chuẩn bị, các đại biểu cần nghiên cứu: Cử tri - họ là ai? Họ cần gì? Họ biết gì”. Việc chuẩn bị và nghiên cứu kỹ đối tượng sẽ giúp ích rất nhiều cho các đại biểu khi tiếp xúc và tránh việc dùng các ngôn từ, cử chỉ không phù hợp.

Về ngôn từ ở khâu tiến hành và kết thúc đại biểu HĐND phải chú ý tới 3 vấn đề mở đầu - nội dung và kết luận. Về thái độ và cử chỉ phi ngôn từ cũng cần thân thiện, thẳng thắn, tỉnh táo và tự tin. Các đại biểu cần biết lồng ghép một cách khéo léo các vấn đề mình hướng tới; phải nhắm đúng các nhóm đối tượng có thể ủng hộ mình để từ đó có động thái khích lệ họ...

Các đại biểu tham gia lớp tập huấn tại Yên Bái. 

Ở nội dung tiếp theo của buổi học, với kỹ năng chất vấn, PGS.TS Nguyễn Văn Hậu cho biết, để làm tốt nhiệm vụ này đại biểu luôn phải nắm rõ vấn đề chất vấn để đúng tầm và đúng đối tượng. Đại biểu ở cấp nào thì cần đúng tầm ở cấp ấy, xứng đáng với kỳ vọng của địa phương mà mình công tác. Pháp luật đã quy định rõ, đại biểu ở địa phương nào thì có quyền chất vấn, giám sát các vấn đề của địa phương ấy. Để xứng đáng với tư cách là đại biểu dân cử, đại biểu cần và dám chất vấn các vấn đề cử tri quan tâm cũng như hỏi đúng đối tượng cần chất vấn. “Thực tế, chất vấn không phải để cho lãnh đạo hay người có thẩm quyền báo cáo mà phải khiến họ nhìn nhận các tồn tại, thiếu sót, sai phạm rồi đưa ra phương hướng giải quyết cũng như thời gian giải quyết” - PGS.TS Nguyễn Văn Hậu nói thêm.

Ở chuyên đề thu thập, phân tích, xử lý và cung cấp thông tin, PGS.TS Nguyễn Văn Hậu đưa ra nhiều dẫn chứng tại các địa phương và rút ra nguyên tắc cho các đại biểu khi hoạt động. Đó là phải bảo đảm nguyên tắc đúng, đủ, kịp thời, khách quan và cuối cùng là đạt mục tiêu. Muốn đạt được năm nguyên tắc này, đại biểu cần quan tâm tới nguồn cung cấp thông tin. Điều này rất quan trọng bởi nguồn thông tin phải bảo đảm giá trị pháp lý, điều này được ghi rõ trong các văn bản pháp luật mà các đại biểu cần thường xuyên cập nhật và nghiên cứu. Việc không nắm chắc các nguồn thông tin sẽ gây ra nhiều tổn hại, không những với chính đại biểu mà còn gây mất uy tín với HĐND ở cấp của họ. Giá trị của nguồn thông tin là một trong các yếu tố quan trọng nhất để đại biểu làm tốt các nhiệm vụ khác trong hoạt động của HĐND. Việc phận định được tính chính xác và tính quy phạm của thông tin cũng cần được bồi dưỡng và rèn luyện từ chính bản thân đại biểu.

Kết luận bài giảng, PGS.TS Nguyễn Văn Hậu chỉ ra , các đại biểu phải có bốn yếu tố là trình độ, kiến thức, kỹ năng và thái độ. Yếu tố nào quan trọng hơn sẽ phụ thuộc vào điều kiện, môi trường và hoàn cảnh công tác của từng đại biểu. Cũng có ý kiến cho rằng, cần có cả các yếu tố trung thành, chuyên nghiệp và dám đổi mới, nhưng điều đó còn phải phụ thuộc vào hoàn cảnh, đối tượng và các yếu tố khách quan, chủ quan chứ không thể lấy những quy chuẩn dành cho đại biểu ở cấp này áp đặt cho cấp khác.

Ngoài ra, muốn phát huy được năng lực người đại biểu cũng cần quan tâm tới cả “đầu vào” và “đầu ra”. Đầu vào là thông tin, nguồn lực pháp lý, cơ sở vật chất và cuối cùng là con người. Chỉ khi có “đầu vào” chất lượng thì mới tạo ra được những thành quả chất lượng. Trong đó, pháp lý là vấn đề rất quan trọng. Đại biểu cần nắm được pháp luật và cả những điều chưa có hành lang pháp lý để nêu kiến nghị của mình nhằm hoàn thiện các văn bản, điều luật, nghị quyết... Vấn đề tiếp theo là “con người”, các đại biểu cần quan tâm mình cần ai, làm thế nào để có sự ủng hộ của họ, làm thế nào để họ trao kinh nghiệm cho mình và cho cử tri, cuối cùng là trong một công việc cụ thể cần bao nhiêu người. Việc để người khác cộng tác, phát huy năng lực và truyền kinh nghiệm của họ là rất khó, cần có một quá trình thuyết phục, vận động rất dài và yêu cầu sự khéo léo của người đại biểu.

Tùng Dương