Điều Nhân dân mong đợi!

- Thứ Sáu, 17/09/2021, 06:16 - Chia sẻ
Chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa luôn là yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi làm việc với các cơ quan của Quốc hội. Thực tiễn hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thể hiện sâu sắc yêu cầu này.

Có thể thấy rõ điều đó khi nhìn lại sự chủ động, thậm chí là những sáng tạo, chưa có tiền lệ của Quốc hội trong cuộc chiến chống Covid-19.

Tại Kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ này, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, dù Chính phủ chưa trình nhưng Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ động đề xuất và phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 30/2021/QH15 cho phép Chính phủ được áp dụng các biện pháp đặc thù, đặc cách, đặc biệt có quy định khác hoặc chưa được luật hiện hành quy định để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Tại Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 42 (AIPA 42) và Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) vừa qua, lãnh đạo nghị viện các nước trong khu vực và trên thế giới đều chia sẻ và đánh giá cao sáng kiến lập pháp này của Quốc hội Việt Nam.

Tiếp đó, ngày 6.8.2021, khi Thủ tướng có văn bản đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã triệu tập họp khẩn cấp và ngay tối hôm đó đã ban hành Nghị quyết để Chính phủ thực hiện.

Cuối tháng 8 vừa qua, một Tổ công tác thực hiện Nghị quyết 30 cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Trong đó, theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các thành viên Tổ công tác phải hành động quyết liệt “không kể ngày đêm”, thường trực 24/7 nhằm tập trung, tập hợp trí tuệ, chủ động nghiên cứu, tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để quyết định kịp thời các vấn đề thuộc thẩm quyền bảo đảm thiết thực, đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng pháp luật, tạo đồng thuận và hiệu quả toàn diện khi thực hiện.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đòi hỏi phải đẩy càng nhanh càng tốt chiến dịch tiêm chủng vaccine cho toàn dân. Trong khi nguồn cung vaccine khan hiếm trên toàn cầu, từ chủ trương của Đảng, Quốc hội đã chủ động triển khai công tác “ngoại giao vaccine”.

Trước chuyến thăm làm việc tại một số nước châu Âu vừa qua, Chủ tịch Quốc hội đã gửi thư đến lãnh đạo Liên minh châu Âu và lãnh đạo nghị viện các nước thành viên EU đề nghị ủng hộ, viện trợ, nhượng lại nguồn vaccine còn dôi dư, thuốc điều trị Covid-19, trang thiết bị y tế và thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam. Ngay khi đến Áo, Chủ tịch Quốc hội đã làm việc đồng thời với 6 Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Czech, Slovakia, Hungary, Ba Lan, Áo kiêm nhiệm Slovenia, Đức nhằm tiếp tục thúc đẩy các hoạt động ngoại giao vaccine. Cuộc làm việc đặc biệt ấy có lẽ cũng chưa từng có tiền lệ trong các chuyến công du nước ngoài của người đứng đầu cơ quan lập pháp nước ta. Bởi lúc này, như Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh với các Đại sứ: Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, chúng ta phải bằng mọi cách, mọi kênh để có được nguồn vaccine nhanh nhất, sớm nhất để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trong nước. 

Những nỗ lực "ngoại giao vaccine" đã đem lại "trái ngọt". Ngay trong chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ Bỉ, Slovakia đã trao tặng Việt Nam 200 nghìn liều vaccine; các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và cộng đồng người Việt ở nước ngoài trao tặng các trang thiết bị, vật tư y tế hỗ trợ phòng, chống dịch với giá trị hơn 1.000 tỷ đồng. Toàn bộ số vaccine và trang thiết bị, vật tư y tế này đã được Văn phòng Quốc hội bàn giao cho Bộ Y tế và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ngay khi về đến Sân bay quốc tế Nội Bài, bổ sung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch.

Các đề xuất về vấn đề vaccine của Chủ tịch Quốc hội ta đã được Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 ghi nhận và thể hiện đậm nét trong Tuyên bố chung và các nhà lãnh đạo nghị viện trên toàn thế giới sẽ có trách nhiệm thúc đẩy thực hiện. Lãnh đạo Liên minh châu Âu, Bỉ, Phần Lan cũng cam kết mạnh mẽ với Chủ tịch Quốc hội ta về việc tăng cường cung cấp vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX, chuyển nhượng, cho vay nguồn vaccine còn dôi dư và thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.

Trong khuôn khổ chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội, nhiều hợp đồng về thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cũng đã được doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp châu Âu ký kết, hứa hẹn tiềm năng rộng mở hơn về nguồn cung vaccine, vật tư y tế phòng, chống dịch, thậm chí có thể chủ động sản xuất được ngay ở trong nước.

Đó chỉ là một trong những ví dụ cho thấy Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã và đang thực hiện nhất quán phương châm: Chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa, đồng hành sát sao với Chính phủ, linh hoạt và tận dụng mọi điều kiện thời gian, không gian, trí tuệ, nguồn lực, không kể đêm hay ngày, trong nước hay ngoài nước để thực hiện hiệu quả nhất các nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao cho.

Hơn lúc nào hết, đất nước đang đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị phải chủ động, quyết liệt và phối hợp chặt chẽ, tận dụng mọi cơ hội, mọi nguồn lực có thể để tạo nên sức mạnh tổng hợp đẩy lùi đại dịch và nhanh chóng phục hồi, phát triển. Một Quốc hội chủ động và quyết liệt như thế, thậm chí sẽ còn chủ động và quyết liệt hơn nữa, cũng chính là điều mà cử tri và Nhân dân cả nước mong đợi, tin tưởng! 

Thành Long