Điều quan trọng nhất là tư cách của người cách mạng

- Thứ Tư, 25/11/2020, 18:07 - Chia sẻ
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) sáng nay, 25.11.

Cơ bản nhất trí với báo cáo và các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu “quyết tâm đã đề ra là phải thực hiện cho bằng được theo đúng tiến độ”. Tinh thần là “chỗ nào vướng mắc thì tập trung bàn, tháo gỡ; vụ án, vụ việc nào đã rõ, đã chín, đã thống nhất, thì đưa ra xét xử sớm, không chờ; rõ đến đâu làm đến đấy”.

Về tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng từ khi thành lập Ban Chỉ đạo, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước nêu rõ, tính từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay đã được hơn một nhiệm kỳ (từ năm 2013 đến nay), thì đã đủ thời gian để nhìn lại, tổng kết, rút kinh nghiệm. Thực tiễn cho thấy nhiều kinh nghiệm hay, từ việc lớn đến việc nhỏ, từ khởi tố đến quá trình điều tra, kết thúc vụ án, đưa ra xét xử… Do đó, cần tổng kết, làm rõ những việc hay đã làm được, việc gì chưa làm được, nguyên nhân vì sao, để rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, định hướng, cách làm, phương pháp đến sự phối hợp giữa các ngành, các cấp và sự đồng thuận của nhân dân trên dưới một lòng. Đặc biệt, cần rút kinh nghiệm một cách thiết thực để làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. “Đây là bài học không chỉ cho một, hai nhiệm kỳ mà cho lâu dài”, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước nói.

Ảnh: Trí Dũng
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, sáng 25.11
Ảnh: Trí Dũng

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước khẳng định, những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đã góp phần vào thành tựu chung của đất nước, tạo không khí phấn khởi trong xã hội, tăng cường niềm tin trong nhân dân. “Tại sao trước kia nhiều án treo, khó giám định, khó định giá, tắc khâu này, tắc khâu kia... mà bây giờ vụ nào đi vụ nấy và xử lý số lượng như thế, mấy trăm người, cả Ủy viên Bộ Chính trị, mười mấy Ủy viên Trung ương, bao nhiêu cán bộ cao cấp”. Chỉ ra kết quả này, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước phân tích: Trước đây, có ý kiến nói là “trên nóng, dưới lạnh”, thì bây giờ hình như dưới “bớt lạnh”, có chuyển rồi, ấm ấm rồi. Những khâu yếu trước đây, như thu hồi tài sản khó, thì nay đã thu hồi được rồi… Từ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kiểm sát đến công an, quân đội, tòa án, bây giờ phối hợp cùng vào cuộc, đồng lòng, nhất trí. Nguyên nhân là do bố trí cán bộ hay do lề lối làm việc, do nhận thức mới hay do chỉ đạo mà có được sự đồng lòng nhất trí như vậy? Đặc biệt, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhận được sự đồng tình nhất trí của nhân dân, “vụ nào đưa ra cũng được nhân dân đồng tình… “Càng sát tới Đại hội càng phải làm, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước yêu cầu.

Trước sự quan tâm của dư luận và nhân dân, liệu sắp tới có tiếp tục công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng không, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước chỉ rõ: Suốt thời gian vừa qua rõ ràng không phải là “chùng xuống”, mà thậm chí còn làm quyết liệt hơn, khiến người bị xử lý đều tâm phục, khẩu phục, và cốt để giáo dục là chính, nhận ra sai lầm để tự sửa; để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa đừng xảy ra thì tốt, chứ không phải là để cho xảy ra rồi mới xử; rất đau xót; không ai thích kỷ luật đồng chí mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước nói.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước lưu ý, các cơ quan có trách nhiệm cần tiếp tục phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng và tốt hơn. “Trường hợp ý kiến khác nhau là bình thường, thậm chí phải khuyến khích ý kiến khác nhau, trao đi, đổi lại và cùng tìm tiếng nói chung; chỗ nào vướng luật pháp, thì sửa luật pháp nếu không phù hợp với thực tiễn nữa”.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà còn trong lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đặc biệt là quan điểm tư tưởng chính trị - đây mới là vấn đề quan trọng. Nhấn mạnh điều này, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước cảnh báo: Sắp Đại hội đến nơi rồi, có khi lại tranh thủ vận động “anh ủng hộ em”, rồi “nói xấu anh này nghĩ thế nọ thế kia”, tranh giành nhau quyền lực - như vậy có xứng đáng là cán bộ, đảng viên hay không? “Càng cán bộ cấp cao lại càng không được như thế, không thể như thế”. Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước một lần nữa nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất là tư cách người cách mạng. Tham nhũng về mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống... là nguy hiểm vô cùng. Sắp tới phải làm mạnh vấn đề này. Cần sống làm sao để đến lúc nhắm mắt xuôi tay khỏi phải ân hận. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”.

Thanh Tâm