Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi):

Định giá dịch vụ môi trường thông qua đấu thầu

- Thứ Tư, 01/07/2020, 07:56 - Chia sẻ

Định giá đối với các hàng hóa dịch vụ môi trường quy định tại Khoản 4 Điều 157, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) là một trong những chính sách để phát triển loại hình kinh tế này. Đây cũng sẽ là công cụ kinh tế linh hoạt được sử dụng khi Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có hiệu lực để thay thế cho công cụ hành chính cứng nhắc, giúp khuyến khích các hoạt động thân thiện môi trường, tăng tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác này.

Theo quy định tại Điều 154, giá hàng hóa và dịch vụ môi trường được Nhà nước quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Nhà nước thực hiện việc định giá đối với các hàng hóa, dịch vụ môi trường gồm: Thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; Thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt phát sinh từ khu đô thị, khu dân cư tập trung, hộ gia đình, cá nhân; Các dịch vụ khác. Chính phủ sẽ quy định hướng dẫn thực hiện điều khoản này tại dự án Luật.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) phát biểu tại hội trường  

Ảnh: Quang Khánh 

Tán thành với những hàng hóa, dịch vụ môi trường do Nhà nước định giá được dự thảo Luật quy định, song đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) đề nghị, cần quy định rõ việc xác định giá dịch vụ xử lý chất thải, nước thải được thực hiện thông qua đấu thầu cung cấp dịch vụ công. Theo đó, các công nghệ đã được đo kiểm thực nghiệm đạt đầy đủ các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường sẽ được tham gia đấu thầu tập trung do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. Nhà thầu thắng thầu được công bố là công nghệ tốt nhất tại thời điểm hiện tại và ký hợp đồng dịch vụ với các địa phương.

Cần định giá dịch vụ xử lý chất thải, nước thải thông qua đấu thầu, vì cách đấu thầu dự án, lựa chọn chủ đầu tư như đang làm hiện nay đang để lại những hậu quả nặng nề. Cụ thể, dự án đầu tư xong nhưng không đạt kết quả đầu ra là chất lượng xử lý rác thải theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường nhưng không thể chấm dứt dự án, đóng cửa nhà máy vì nhà đầu tư cho rằng họ đã được chọn để cấp phép đầu tư. Với lý lẽ nhà đầu tư đã bỏ ra hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng nên nếu đóng cửa các dự án xử lý rác thải không bảo đảm chất lượng sẽ phải đền bù cho họ. Nhận định đây là những "kẽ hở chết người" của pháp luật khiến các địa phương thiệt hại hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng nhưng... "tiền mất tật mang" vừa qua, đại biểu Nguyễn Văn Hiển cho rằng, đã đến lúc thay đổi cách tiếp cận vấn đề, phải chuyển hẳn từ cách chỉ định hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án như trên sang đấu thầu cung cấp dịch vụ công. Theo đó, thỏa thuận hợp đồng dựa trên kết quả đầu ra, không cần biết nhà đầu tư bỏ ra bao nhiêu tiền để xây dựng nhà máy, miễn là chất lượng dịch vụ đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, bảo đảm khối lượng, công suất ở mức cao nhất theo quy định của hợp đồng thì được thanh toán.

Sử dụng phương thức này để định giá dịch vụ, hàng hóa môi trường được quy định tại Khoản 4, Điều 154, nhiều đại biểu chỉ rõ, khi không đáp ứng chất lượng, khối lượng theo hợp đồng thì cơ quan quản lý môi trường có thể chấm dứt hợp đồng để các doanh nghiệp khác vào thay thế. Cách đấu thầu này cũng rất minh bạch vì dựa vào tiêu chí kết quả đầu ra là chất lượng môi trường theo quy chuẩn kỹ thuật của Nhà nước, việc tổ chức đấu thầu theo hình thức tập trung. Ngoài ra, theo phương án này sẽ khuyến khích được các nhà khoa học luôn luôn đổi mới, sáng tạo, doanh nghiệp thì cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, Nhà nước, xã hội và người dân sẽ cùng hưởng lợi từ cơ chế.

Về nguyên tắc, tự do hóa thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ môi trường sẽ là công cụ hỗ trợ hiệu quả đối với thực hiện tăng trưởng xanh, nhằm góp phần hình thành một lĩnh vực kinh tế mới với các sản phẩm hàng hóa môi trường và các hoạt động cung cấp dịch vụ môi trường. Đồng thời, mở rộng sản xuất và phát triển thị trường đối với các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ mà quá trình sản xuất, chế biến, sử dụng và thải bỏ ít gây ô nhiễm môi trường hơn các sản phẩm thông thường khác. Nhưng các hàng hóa, dịch vụ môi trường được dự thảo Luật quy định do Nhà nước xác định giá về cơ bản là những dịch vụ thiết yếu, đầu vào sản xuất quan trọng. Việc Nhà nước định giá các hàng hóa, dịch vụ này có thể nói là phù hợp, song phương thức định giá như thế nào cần được quy định rõ hơn trong dự thảo Luật. Yêu cầu này được đại biểu Quốc hội đặt ra với Ban soạn thảo dự án Luật xuất phát từ thực tế những công trình “tiền mất tật mang”, gây thiệt hại lớn cho ngân sách địa phương thời gian qua.

Lê Bình