Định hướng phát triển giai đoạn 2021-2030:

Đưa khoa học công nghệ trở thành động lực quyết định phát triển bền vững đất nước

- Thứ Ba, 22/12/2020, 18:36 - Chia sẻ
Trong 10 năm qua, toàn hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã luôn nỗ lực cố gắng để thực hiện Chiến lược gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16.4.2010 của Bộ Chính trị Khóa X về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lương, hiệu quả hoạt động trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đã đạt được những kết quả tích cực. Để phát huy được thế mạnh, trong giai đoạn 2021-2030, Liên Hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cần phải đưa tri thức, khoa học công nghệ trở thành động lực quyết định phát triển bền vững đất nước.

Mục tiêu phát triển 

Theo báo cáo của “Dự thảo Định hướng phát triển Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tại Hội nghị Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam lần thứ 7, khóa VII, Trưởng ban Ban Tổ chức và Chính sách Hội, Liên hiệp Hội, Nguyễn Quyết Chiến cho biết, phát triển Liên hiệp hội Việt Nam là trách nhiệm của các tổ chức thành viên trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam, của đội ngũ trí thức KHCN nước nhà.

Liên hiệp Hội Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức KHCN; có trách nhiệm lớn trong việc phát triển, bồi dưỡng nhằm sử dụng tốt đội ngũ trí thức; thường xuyên nâng cao năng lực, thực hiện tốt các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, phổ biến kiến thức, nâng cao dân trí, xã hội hóa trong các lĩnh vực KHCN, GDĐT, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe nhân dân và thực hiện các dịch vụ công.

Hội nghị Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam lần thứ 7, khóa VII

Ảnh: Vusta

Mục tiêu đặt ra, đến năm 2030, Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ trở thành tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh trong hệ thống chính trị nước ta, có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; địa chỉ tin cậy của Đảng, Nhà nước trong công tác vận động trí thức. Là tổ chức nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết rộng rãi và phát huy sức mạnh sáng tạo của đội ngũ trí thức KHCN, góp phần đưa KHCN trở thành động lực phát triển bền vững đất nước; đại diện cho ý chí và nguyện vọng của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội thành viên và hội viên hoạt động trong các hội.

Ông Chiến cho rằng, để phát triển Liên hiệp Hội Việt Nam đến năm 2030 cần xác định và thực hiện các mục tiêu: Xây dựng Liên hiệp Hội Việt Nam trở thành một tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh của trí thức KHCN trong hệ thống chính trị nước ta, có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Liên hiệp Hội Việt Nam trở thành tổ chức tập hợp đông đảo đội ngũ trí thức góp phần quan trọng đưa tri thức, KHCN trở thành động lực quyết định phát triển bền vững đất nướcLiên hiệp Hội Việt Nam mở rộng hợp tác, liên kết, trở thành đối tác có uy tín của các tổ chức trong nước và quốc tế; là một đầu mối quan trọng trong công tác vận động, thu hút trí thức Việt kiều tham gia phát triển đất nước; Liên hiệp Hội Việt Nam thực sự là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và hỗ trợ nhu cầu phát triển của các thành viên trong hệ thống.

Bốn nhiệm vụ trọng tâm 

Để có thể hiện thực hóa được các mục tiêu đã đề ra, theo ông Nguyễn Quyết Chiến, đầu tiên, cần tiếp tục chủ động và tích cực phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục thúc đẩy việc thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến Liên hiệp Hội Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6.8.2008 của Ban Chấp hành Trung ương và Chỉ thị số 42-TC/TW ngày 16.4.2010 của Bộ Chính trị, khóa X.

Thứ hai là tiếp tục kiện toàn và hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy của Liên hiệp Hội Việt Nam ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo một mô hình thống nhất. Thực hiện nhất quán Đề án về tổ chức bộ máy và hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam trong hệ thống liên hiệp Hội Việt Nam theo chỉ đạo của Ban Bí thư phù hợp với tình hình mới.

Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của các hội thành viên, các đơn vị trực thuộc. Đa dạng hoá các loại hình nhằm tập hợp đông đảo trí thức trong đó có cả trí thức hoạt động ngoài Nhà nước, trí thức trong doanh nghiệp, trí thức trẻ; tạo môi trường thuận lợi, dân chủ, rộng mở để thu hút trí thức tham gia vào các hoạt động hội. Mở rộng việc kết nạp các hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, trong đó có loại hình hiệp hội. Đẩy mạnh việc phát triển song song với việc củng cố các tổ chức khoa học và công nghệ và các tổ chức trực thuộc.

Thứ ba là tập hợp trí thức nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và giải pháp thực hiện để tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước trong quá trình xây dựng những chủ trương, những chính sách lớn và các dự án quan trọng, đặc biệt là chủ trương về phát triển KHCN, giáo dục đào tạo và chính sách đối với trí thức.

Xây dựng và triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án kinh tế - xã hội có tính chất dài hạn, các nhiệm vụ KHCN có mục tiêu, liên ngành, liên vùng do Liên hiệp hội Việt Nam chủ trì, thu hút đội ngũ trí thức hoạt động trong các tổ chức thành viên của Liên hiệp Hội tham gia thực hiện, tạo ra những đóng góp nổi bật cho sự phát triển đất nước. Chủ động khai thác các nguồn lực từ Nhà nước, từ doanh nghiệp và từ nước ngoài để tổ chức và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong lĩnh vực KHCN, giáo dục, Y tế, bảo vệ môi trường… với sự tham gia của đông đảo các hội thành viên, các tổ chức trong hệ thống và đội ngũ trí thức.

Thứ tư là chủ động thực hiện việc phối hợp, hợp tác, liên kết với các cơ quan tổ chức trong nước, nhất là các cơ quan của Đảng, Nhà nước có thẩm quyền nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Liên hiệp Hội, góp phần nâng cao năng lực của các cơ quan đối tác trong hệ thống chính trị của nước ta. Tiếp tục xây dựng và ký kết các chương trình hợp tác giữa Liên hiệp Hội Việt Nam với các đối tác truyền thống và các đối tác mới nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ của các bên có liên quan.

Tiếp tục mở rộng việc thiết lập quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế liên quan đến KHCN, các tổ chức quốc tế có thiện chí hợp tác với Việt Nam nhằm thúc đẩy việc giao lưu, trao đổi về học thuật trong lĩnh vực KHCN, nhất là từ các quốc gia tiên tiến và tiếp nhận các nguồn tài trợ quốc tế phục vụ mục tiêu phát triển đất nước.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam GS TSKH Đặng Vũ Minh cho biết, Liên hiệp Hội Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội, có hệ thống từ Trung ương đến địa phương, trong những năm qua Liên hiệp Hội Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi đội ngũ trí thức KHCN ở trong nước và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức nhiều hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao và đạt được những kết quả tích cực, đóng góp vào việc củng cố, phát triển đội ngũ trí thức và các hội của trí thức, góp phần ổn định tình hình chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Xuân Tùng