Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự Diễn đàn Chính trị cấp cao về phát triển bền vững

- Thứ Hai, 12/07/2021, 22:24 - Chia sẻ
Tối 12.7, tại Nhà Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham dự Diễn đàn Nghị viện tại Liên Hợp Quốc, Diễn đàn Chính trị cấp cao về phát triển bền vững được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Diễn đàn do Quan sát viên thường trực của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) tại Liên Hợp Quốc Paddy Torsney điều hành, với sự tham gia của hơn 150 nghị sĩ đến từ các nghị viện thành viên IPU và khách mời.

Diễn đàn Chính trị cấp cao về phát triển bền vững (HLPF) là cơ chế hoạt động của Liên Hợp Quốc được tổ chức hàng năm nhằm rà soát tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững  (SDGs) - chương trình nghị sự đầy tham vọng nhằm khắc phục đói nghèo và bất bình đẳng, đồng thời, bảo đảm cuộc sống bền vững cho mọi người dân trên thế giới.

Quan sát viên thường trực của IPU tại Liên Hợp Quốc Paddy Torsney cho biết, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu đang đặt ra những yêu cầu cấp bách về xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn. Trong những năm qua, IPU đã có nhiều hoạt động nhằm tăng cường vai trò của các nghị viện thúc đẩy thực hiện SDGs, dần đưa cơ chế họp nghị viện vào hoạt động chính thức của các phiên họp HLPF hàng năm.

Bà Paddy Torsney nêu rõ, các hội nghị khác của IPU trong năm nay đã tập trung vào nhiều vấn đề chính sách cụ thể như: sức khoẻ, bình đẳng giới, hệ thống thực phẩm… Với chủ đề Thông điệp từ đại dịch: đưa “Chính phủ” trở lại, Diễn đàn nhằm xem xét bức tranh toàn cảnh hơn, trong đó, đánh giá vai trò của Chính phủ và vai trò của thị trường trong thực hiện SDGs; cung cấp quan điểm phản biện về vai trò của chính sách công, khu vực công trong điều hành, quản lý nền kinh tế và đáp ứng các nhu cầu của người dân.

Phản ứng mạnh mẽ của các Chính phủ trong giải quyết những thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra đã khẳng định vai trò chính và quan trọng của Chính phủ trong kiến tạo các điều kiện nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội và nhân loại. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy vai trò không đồng đều giữa Chính phủ các quốc gia phát triển và quốc gia đang phát triển. Nhấn mạnh điều này, bà Paddy Torsney đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ các vấn đề như: làm cách nào để các nghị viện giúp xác định lại quan hệ giữa khu vực công do Chính phủ dẫn dắt và khu vực tư do thị trường dẫn dắt? Các nghị viện có nên ủng hộ các chính sách tài chính mở rộng hơn nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng về giáo dục, y tế và các hàng hoá công cộng khác? Các nghị viện cần làm gì để hạn chế xu hướng tài chính hóa và giảm sự độc quyền đang thống lĩnh nhiều khu vực của nền kinh tế?... 

Chủ tịch IPU Duarte Pacheco đánh giá, chủ đề của Diễn đàn lần này rất thú vị và không kém phần quan trọng khi tập trung vào vai trò của Chính phủ cũng như tầm quan trọng của quan hệ đối tác công - tư trong thực hiện SDGs, đặc biệt trong bối cảnh đầy thách thức do đại dịch Covid-19 đặt ra với thế giới. Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp, hợp tác giữa các nghị viện, chính phủ cũng như quan hệ đối tác công - tư để cùng tìm ra giải pháp, Chủ tịch IPU cũng cho rằng, diễn đàn giúp các nghị sĩ hiểu hơn về những nỗ lực mà các Chính phủ đang làm và cách thức để đồng hành với Chính phủ trong giai đoạn tới.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã nghe các chuyên gia trình bày về những thách thức trong thực hiện SDGs; vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy thực hiện SDGs… Bên cạnh đó, các đại biểu đã được nghe báo cáo kết quả sơ bộ cuộc khảo sát của IPU đối với nghị viện của 44 quốc gia tham gia xây dựng báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện (VNR) về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Thanh Chi