Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự phiên thảo luận về hợp tác khu vực châu Á – Thái Bình Dương

- Thứ Ba, 09/11/2021, 12:42 - Chia sẻ
Sáng 9.11, tại Nhà Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham dự phiên họp trực tuyến, thảo luận các dự thảo Nghị quyết về hợp tác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
	Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn góp ý vào dự thảo Nghị quyết “Nâng cao hiểu biết về đa dạng văn hóa ở châu Á - Thái Bình Dương” Ảnh: Thanh Chi
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn góp ý vào dự thảo Nghị quyết “Nâng cao hiểu biết về đa dạng văn hóa ở châu Á - Thái Bình Dương”
Ảnh: Thanh Chi

Đây là hoạt động trong khuôn khổ các phiên họp trực tuyến chuẩn bị văn kiện cho Hội nghị thường niên Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 29 (APPF-29) sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 12 tới tại Hàn Quốc, với chủ đề “Vai trò của Nghị viện trong việc nâng cao khả năng tự cường phục hồi sau đại dịch Covid-19”.

Tham dự phiên họp, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam gồm: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh; Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm; Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn. 

Phiên họp có sự tham dự của các nghị sĩ đến từ các nước thành viên APPF. 

Tại phiên làm việc, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến đối với 3 dự thảo Nghị quyết về: “Vai trò của Nghị viện trong việc cân bằng giữa kiểm soát dịch bệnh, kinh tế, quyền con người và các ý tưởng hợp tác liên Nghị viện”, “Hành động chung của Nghị viện trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”, “Nâng cao hiểu biết về đa dạng văn hóa ở châu Á - Thái Bình Dương”. 

Đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị quyết về “Nâng cao hiểu biết về đa dạng văn hóa ở châu Á - Thái Bình Dương” do Hàn Quốc và Liên bang Nga đồng bảo trở, Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị, dự thảo Nghị quyết cần nhấn mạnh sự cần thiết các Nghị viện hành động để bảo vệ tính đa dạng bản sắc văn hóa của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, phục vụ hiệu quả yêu cầu hội nhập và phát huy các giá trị của khu vực.

	Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm góp ý về lồng ghép bình đẳng giới vào dự thảo Nghị quyết “Vai trò của Nghị viện trong việc cân bằng giữa kiểm soát dịch bệnh, kinh tế, quyền con người và các ý tưởng hợp tác liên Nghị viện”
Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm góp ý về lồng ghép bình đẳng giới vào dự thảo Nghị quyết “Vai trò của Nghị viện trong việc cân bằng giữa kiểm soát dịch bệnh, kinh tế, quyền con người và các ý tưởng hợp tác liên Nghị viện”
Ảnh: Thanh Chi

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam kiến nghị, các Nghị viện thành viên APPF tăng cường hỗ trợ về tài chính và thể chế cho các ngành công nghiệp sáng tạo và du lịch, nhằm mở rộng sự đa dạng văn hóa, thúc đẩy quyền hưởng thụ văn hóa của người dân trong khu vực; khuyến khích các quốc gia trong khu vực nới lỏng các biện pháp hạn chế - theo từng giai đoạn – nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa, nghệ thuật, du lịch vốn bị gián đoạn kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát; đồng thời, khuyến khích các nước thành viên thúc đẩy các dự án mở rộng giao lưu, quan hệ giữa các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương; các chương trình đào tạo nguồn nhân lực; kho lưu trữ di sản văn hóa kỹ thuật số, các hội thảo về chuẩn bị và tổ chức các sự kiện văn hóa.

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết “Vai trò của Nghị viện trong việc cân bằng giữa kiểm soát dịch bệnh, kinh tế, quyền con người và các ý tưởng hợp tác liên nghị viện” do Nghị viện Hàn Quốc và Nghị viện Australia đồng bảo trợ, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đề nghị bổ sung cụm từ “nhạy cảm giới” vào cách tiếp cận trong các biện pháp kiểm soát Covid-19. Theo đó, dự thảo Nghị quyết khuyến nghị, các Nghị viện thành viên APPF đánh giá mọi biện pháp được áp dụng để kiểm soát dịch Covid-19 có bảo đảm sự cân bằng trong kiểm soát dịch bệnh, duy trì phát triển kinh tế, bảo đảm quyền con người và thúc đẩy bình đẳng giới, để qua đó, các Chính phủ ban hành các biện pháp kiểm soát dịch với cách tiếp cận dựa trên quyền con người, nhạy cảm về giới cũng như cân nhắc tình trạng bất bình đẳng mà các nhóm dễ bị tổn thương phải đối mặt trong quá trình hoạch định, ban hành chính sách.

	Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự phiên họp trực tuyến, thảo luận các dự thảo Nghị quyết về hợp tác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự phiên họp trực tuyến, thảo luận các dự thảo Nghị quyết về hợp tác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương
Ảnh: Thanh Chi

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cho biết, vấn đề bình đẳng giới đã được lồng ghép trong các dự thảo Nghị quyết Hội nghị Nữ nghị sĩ APPF-29, được các nghị sĩ thảo luận trước đó. Tuy nhiên, cần tiếp tục lồng ghép bình đẳng giới vào các nội dung dự thảo Nghị quyết về các vấn đề khác trong chương trình nghị sự của Hội nghị, bảo đảm tính xuyên suốt về thúc đẩy bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực. Thực tế cũng cho thấy, đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng khoảng cách về giới, đảo ngược những kết quả đạt được trong tiến trình thúc đẩy giới thời gian qua và đẩy phụ nữ đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn hơn. Chính vì lẽ đó, Đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghị cần tiếp tục lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các khuyến nghị về vai trò Nghị viện trong việc cân bằng giữa kiểm soát dịch bệnh, kinh tế và quyền con người.

Thanh Chi