Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Khai thác hiệu quả tiềm năng của kinh tế biển

- Thứ Sáu, 29/10/2021, 20:16 - Chia sẻ
Thảo luận tại tổ về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, các ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cân nhắc, quan tâm cơ cấu lại các ngành trong "nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ 5" và bổ sung làm rõ hơn một số nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến kinh tế biển.

Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh: Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đòi hỏi phải tiếp tục chuyển đổi phương thức phát triển, xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp đối với những nội dung ưu tiên cần tập trung nguồn lực để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế. Qua đó, khắc phục các hạn chế trong giai đoạn 2016 - 2020; tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn mới.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến điều hành thảo luận tổ

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam hướng tới phát triển kinh tế biển xanh là một điểm đột phá. Dù vậy, để phát huy lợi thế và khắc phục số tồn tại trong cơ cấu lại nền kinh tế, cần phải tập trung, phát triển ngành du lịch và dịch vụ. Trong đó, cần chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao tại các vùng ven biển. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới. Nghiên cứu thí điểm phát triển du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ; đẩy mạnh các hoạt động thám hiểm khoa học; chú trọng công tác giáo dục, y tế biển, tăng cường năng lực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Về vấn đề "Kinh tế hàng hải", đại biểu Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh: Trọng tâm là khai thác có hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển. Cùng với đó, cần quy hoạch, xây dựng, tổ chức khai thác đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyển quốc tế, cảng chuyên dùng gắn với các dịch vụ hỗ trợ. Xây dựng hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế. Tiếp tục phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải nội địa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải, từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị phần quốc tế. Đẩy mạnh khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong xây dựng, quản lý, khai thác phù hợp với tiêu chí cảng xanh.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến lấy dẫn chứng từ sự phát triển của hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải và cho biết: Đây là lợi thế so sánh bậc nhất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện nay, trong hệ thống cảng, có 28 cảng đang hoạt động, tổng công suất khoảng 87,1 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng đầu tư của toàn hệ thống cảng đạt mức 2 tỷ USD đưa Cái Mép - Thị Vải trở thành 1 trong 21 cảng trên thế giới có thể tiếp nhận tàu siêu trọng trên 214.121 tấn. 6 năm gần đây, cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải liên tục nằm trong danh sách các cảng có mức tăng trưởng tốt nhất thế giới, với mức tăng 23% (cao thứ 6 trên thế giới và cao nhất khu vực Đông Nam Á). Hiện, mỗi tuần các cảng container khu vực Cái Mép - Thị Vải tiếp nhận trung bình 25 chuyến tàu mẹ quốc tế, gấp 5 lần so với 10 năm trước. Trong đó, có 15 chuyến trực tiếp đi Châu Âu và Hoa Kỳ. Đến cuối năm 2019, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải chiếm 30% sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container của cả nước.

Sự thành công của hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải là minh chứng cho việc Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển kinh tế biển đúng hướng 

Về vấn đề "Nuôi trồng và khai thác hải sản", các ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất, cần chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ đi đôi với thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản. Hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển; xây dựng một số doanh nghiệp mạnh tham gia khai thác hải sản xa bờ và hợp tác khai thác viễn dương. Các đại biểu cũng kiến nghị, cần chú trọng đầu tư nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nhật Trường