Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Tổ chức phiên tòa trực tuyến góp phần xây dựng nền tư pháp công bằng, chuyên nghiệp, liêm chính

- Chủ Nhật, 24/10/2021, 19:44 - Chia sẻ
Trong phiên thảo luận về Dự thảo Nghị quyết tổ chức phiên tòa trực tuyến; công tác phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, các đại biểu Quốc hội đã tích cực đăng ký tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào nội dung này.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Đóng góp ý kiến vào dự thảo thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đồng tình cao với sự cần thiết và tính khả thi của việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Thực tế này được chứng minh tại tỉnh Bắc Giang khi dịch bệnh Covid19 bùng phát, ngành Tòa án cũng gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, các hoạt động xét xử đã phải dừng lại. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đã cho thấy sự cần thiết và mang tính khả thi cao. Đại biểu nhấn mạnh, phiên toàn trực tuyến phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia và xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp. Tố tụng trực tuyến nói chung, xét xử trực tuyến nói riêng cũng như xu hướng toàn cầu hóa, ứng dụng công nghệ thông tin cho hoạt động xét xử của Tòa án. Đại biểu cho rằng, mục tiêu cao nhất của xây dựng tòa án điện tử, tòa án số, trong đó có tổ chức phiên tòa trực tuyến để góp phần xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, công bằng, liêm minh, liêm chính phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân, đảm bảo quyền con người, bảo vệ công lý ngày càng hiệu quả hơn.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà phát biểu thảo luận

Liên quan đến nội dung “Giao trách nhiệm cho Tòa án trong giải quyết khiếu nại, nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực Nhà nước và công tác phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo”, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị Trung ương, Quốc hội, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lưc Nhà nước. Trước hết, Quốc hội cần giao cho Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật khiếu nại và Luật tố cáo theo hướng giao cho tòa án các cấp thực hiện giải quyết khiếu nại đối với hành vi hành chính, tức là yêu cầu giải quyết khiếu nại thông qua con đường duy nhất là theo trình tự và thủ tục tố tụng hành chính. Các cơ quan hành chính vẫn thực hiện trách nhiệm giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luận hiện hành. Nếu có khiếu nại với các quy định giải quyết tố cáo của các cơ quan hành chính thì việc giải quyết khiếu nại đó do tòa án thực hiện.

Đại biểu Trần Văn Tuấn phát biểu thảo luận

Đại biểu Trần Văn Tuấn cũng nhấn mạnh, thực hiện được như vậy sẽ phát huy tốt hơn vai trò kiểm soát quyền lực nhà nước, cơ quan tư pháp với hoạt động hành pháp. Từ đó góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, các công chức viên chức nhà nước trong việc thực hiện các quyết định hành chính, giảm thiểu hành chính tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, đại biểu cho rằng việc này sẽ đảm bảo việc giải quyết khiếu nại tố cáo được khách quan, nghiêm túc, tránh đùn đẩy, khắc phục tình trạng khiếu nại tố cáo phức tạp, đông người, vượt cấp, kéo dài, thậm chí trở thành điểm nóng như hiện nay.

Chi An