Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình góp ý Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

- Thứ Bảy, 23/10/2021, 15:18 - Chia sẻ
Tiếp tục chương trình ngày làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khoá XV, sáng 23.10, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Cần kiểm soát chặt đầu vào phim phát hành trên mạng

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều. Điểm mới của Dự thảo là đã bỏ quy định "phát hành phim là ngành nghề kinh doanh có điều kiện”. Dự thảo cũng quy định rõ vấn đề sản xuất phim bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Trong đó, đưa ra 2 phương án, phương án 1: Sản xuất phim bằng nguồn ngân sách Nhà nước được thực hiện theo một trong hai hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng; phương án 2: Giữ nguyên quy định hiện hành (bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất phim).

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Chính phát biểu

Dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Điều 33 Luật Điện ảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra, xử lý việc tự phân loại phim phổ biến trên không gian mạng theo quy định của pháp luật.

Sau khi nghiên cứu dự thảo, các đại biểu nhất trí tán thành việc cần thiết ban hành Luật Điện ảnh (sửa đổi) để khắc phục những thiếu sót, bất cập trong Luật Điện ảnh hiện hành. Đồng thời các đại biểu cũng thống nhất cần có cơ chế cụ thể về sản xuất phim từ ngân sách bằng hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu. Bên cạnh đó, cần có biện pháp để quản lý chặt chẽ việc phát hành phim trên không gian mạng. Cụ thể, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Chính cho rằng: Việc đấu thầu sản xuất phim từ ngân sách Nhà nước phù hợp với quy định hiện nay, ngoài vấn đề về nghệ thuật thì điện ảnh cũng là một nền công nghiệp và cũng là một ngành kinh tế.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc phát biểu tại phiên thảo luận

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Đặng Bích Ngọc - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phân tích thêm: Việc Nhà nước hỗ trợ kinh phí sản xuất phim cần có trọng tâm, trọng điểm và giám sát sử dụng hiệu quả, tiết kiệm. Cần quy định một số chính sách về xã hội hóa sản xuất phim. Có cơ chế liên doanh giữa doanh nghiệp với đơn vị Nhà nước.

Về phổ biến phim trên không gian mạng, các đại biểu thống nhất cần có giải pháp để kiểm soát chặt đầu vào phim phát hành trên không gian mạng. Dự thảo Luật cần quy định cụ thể tiêu chí phân loại, điều kiện để được công chiếu, trách nhiệm của đơn vị phát hành phim. Đồng thời, để bảo đảm an ninh chính trị, thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc, trong khâu kiểm duyệt phim cần kết hợp tiền kiểm lẫn hậu kiểm, phải có rà soát, quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước.

Quan tâm khen thưởng người lao động làm việc trực tiếp

Đối với dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), sau khi sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật có 8 chương và 98 điều. So với Luật hiện hành, Dự thảo có nhiều sửa đổi, bổ sung liên quan đến nội dung thi đua, khen thưởng; quy định về thẩm quyền và bổ sung liên quan đến thủ tục cải cách hành chính. Cụ thể: Đã quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, đơn vị, cơ sở trong thức triển khai phong trào thi đua; bổ sung danh hiệu "Xã tiêu biểu”, "Phường, thị trấn tiêu biểu”; sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua các cấp” đối với cá nhân; danh hiệu "Cờ thi đua của Chính phủ”, "Cờ thi đua bộ, ban, ngành, tỉnh” đối với tập thể, đồng thời bổ sung tiêu chuẩn xét tặng Cờ thi đua của Chính phủ đối với tập thể dẫn đầu cụm. Bổ sung mục tiêu khen thưởng; nguyên tắc khen thưởng; sắp xếp lại thứ tự các loại hình khen thưởng...

Thảo luận tại tổ, các đại biểu cho rằng dự thảo đã quy định việc khen thưởng người lao động trực tiếp sản xuất, địa bàn miền núi, hải đảo, dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cần có những chính sách rõ hơn, động viên người lao động trực tiếp sản xuất, những cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu. Theo đại biểu Hoàng Đức Chính, thực tế việc khống chế tỷ lệ phần trăm từng nhóm, khen cao sẽ rất khó với những người làm trực tiếp. Để đạt được thành tích 2 năm, 3 năm liên tục mới được khen cao thì cán bộ làm trực tiếp rất ít có cơ hội.

Ngoài ra, các đại biểu đề nghị, thủ tục khen thưởng cần có sự thay đổi, nên quy định đối với đối tượng nào phải viết báo cáo thành tích. Những đối tượng như dũng cảm cứu người, làm từ thiện... nên có sự linh hoạt và không nhất thiết phải viết báo cáo thành tích.

Trần Tâm