Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình thảo luận Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

- Thứ Bảy, 23/10/2021, 23:00 - Chia sẻ
Ngày 23.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình, đoàn ĐBQH tỉnh tiến hành thảo luận ở tổ về các dự án luật cũng như hoàn thành nội dung chương trình làm việc.
Toàn cảnh buổi thảo luận
Toàn cảnh buổi thảo luận

Với dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đa số ý kiến đồng thuận: luật đã, đang tạo động lực cho phong trào thi đua; cụ thể hóa các hình thức thi đua, khen thưởng; cần tập trung cho các đối tượng trực tiếp; các tập thể nhỏ, chú trọng các cá nhân, thành phần ngoài công lập…. Có đại biểu đề nghị, việc khen thưởng công lập cần có sự tách bạch riêng với khu vực ngoài nhà nước; công tác khen thưởng chỉ là một bộ phận của việc đánh giá cán bộ (quy hoạch, điều động, bổ nhiệm…) nhưng ảnh hưởng gắn với rất nhiều quyền lợi (lên lương, bổ nhiệm, quy hoạch, thăng cấp bậc, cộng điểm ưu tiên…) vì thế cần lưu ý để không khen thưởng tràn lan mà phải đúng người, đúng việc, có hiệu quả, gắn với những thành tích nổi trội…

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách Nguyễn Minh Tâm phát biểu 

Các đại biểu đồng tình với việc tăng cường hơn nữa việc khen trong các cụm dân cư, trong xã phường. Cần tránh cách làm hình thức, danh hiệu hình thức như “gia đình văn hóa, thôn văn hóa” tràn lan như thời gian qua. Thi đua khen thưởng hướng tới cấp cơ sở - đặc biệt thông qua đợt phòng, chống dịch vừa qua; cần lấy người dân làm trung tâm của hoạt động thi đua khen thưởng.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Vũ Đại Thắng đồng tình với việc tăng cường hơn nữa việc khen trong các cụm dân cư, trong xã phường. “Thi đua khen thưởng hướng tới cấp cơ sở là “rất đúng và trúng” đặc biệt thông qua đợt phòng, chống dịch vừa qua. Và đại biểu đề nghị các phong trào thi đua, phong trào khen thưởng thời gian tới cần tập trung đến người dân, lấy người dân làm trung tâm, tế bào của hoạt động thi đua khen thưởng”. Đại biểu phản ánh thực tế, việc khen thưởng cũng gắn với rất nhiều quyền lợi (lên lương, quy hoạch, bổ nhiệm, thăng cấp bậc, cộng điểm ưu tiên cho các đối tượng khi tham gia thi tuyển…) vì thế, cần lưu ý để không khen thưởng tràn lan mà phải đúng người, đúng việc, có hiệu quả công việc nổi trội… để phản ánh được tinh thần của Luật là đảm bảo được tính động viên với người có thành tích, nỗ lực.

ĐBQH, Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Tiến Nam đóng góp ý kiến vào Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

Với Luật Điện ảnh (sửa đổi), đây là luật đặc thù, đại biểu đề cập đến thực tế điện ảnh có thể tạo nên những tác động lớn như ảnh hưởng tới tư tưởng, văn hóa… Do đó, việc điều chỉnh Luật là điều cần thiết, để phòng, chống văn hóa ngoại lai, khuếch trương văn hóa Việt Nam. Cùng với đó, vấn đề tác quyền, bản quyền rất quan trọng khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do. Mục tiêu xây dựng, hợp tác đã giúp cho quá trình quảng bá văn hóa Việt Nam, hạn chế tiêu cực trong xã hội. Các đại biểu cũng đề nghị duy trì phim nhà nước tài trợ nhưng phải có sự quản lý để phát huy hiệu quả. Các hãng phim cần dựa vào cơ chế đấu thầu để lựa chọn được những nhà làm phim tư nhân có năng lực vì thế không nhất thiết phải đưa nội dung đấu thầu sản phẩm điện ảnh này vào Luật Điện ảnh (sửa đổi). Bên cạnh đó, không cần thiết duy trì Quỹ Phát triển điện ảnh vì hiện nay cơ chế thị trường đã tạo ra sự vận động linh hoạt của chính những đối tượng tham gia hoạt động điện ảnh, việc thành lập Quỹ này có thể tạo ra sự ỷ lại, bao cấp. Việc xem phim qua Internet cần có chế tài để đảm bảo quyền của người sản xuất và phù hợp xu thế chung của thế giới.

Nam Anh