Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: Đánh giá toàn diện các tồn tại, hạn chế trong giai đoạn vừa qua

- Thứ Bảy, 30/10/2021, 10:16 - Chia sẻ
Tham gia thảo luận ở Tổ về Dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; Dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), các ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Các báo cáo của Báo cáo được chuẩn bị công phu của Chính phủ đã cơ bản đánh giá tương đối đầy đủ các hạn chế, yếu kém; chỉ rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan trong giai đoạn 2016 - 2020. Đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục đề ra các giải pháp căn cơ, hiệu quả nhằm thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong giai đoạn tiếp theo.
Trưởng Đoàn ĐBQH Quảng Ninh Ngô Hoàng Ngân phát biểu thảo luận tại Tổ - ảnh MẠNH TUÂN.jpg
Trưởng Đoàn ĐBQH Quảng Ninh Ngô Hoàng Ngân phát biểu thảo luận tại Tổ
Ảnh: MẠNH TUÂN

Cơ cấu lại không gian kinh tế, tăng cường liên kết vùng cần giải pháp sâu hơn

Theo Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Ngô Hoàng Ngân, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2016 – 2020. Từ sự đúng hướng, bài bản đó, đất nước đã đạt nhiều kết quả tích cực, quan trọng; hoàn thành và vượt kế hoạch 17/22 mục tiêu đặt ra, chất lượng tăng trưởng nâng lên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, năng suất lao động cải thiện rõ nét. Dù vậy, đối với việc không hoàn thành 5/22 chỉ tiêu quan trọng liên quan đến khu vực công như: Cơ cấu đầu tư công, đào tạo lao động… cần đánh giá lại các nguyên nhân chủ quan, khách quan liên quan đến thể chế, quy định và việc thực hiện. Đơn cử như việc sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước chậm do một số khó khăn, vướng mắc về thể chế chậm được giải quyết, nhất là thể chế đánh giá đất đai, tài sản.

Đối với giai đoạn 2021 – 2025, đại biểu Ngô Hoàng Ngân nhấn mạnh, cần đánh giá sâu sắc hơn nữa bối cảnh trong nước, tình hình tế giới, dự báo tác động của tình hình đại dịch Covid-19; xu thế giá các nguyên liệu (xăng dầu, than, kim loại) trong những năm kế tiếp. Đi sâu vào mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, đại biểu đề nghị, nội dung tăng năng suất lao động của 5 thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn năng suất lao động bình quân cả nước cần phải có số liệu cụ thể là tăng thêm bao nhiêu để các địa phương xây dựng kế hoạch, lãnh đạo chỉ đạo hàng năm. Góp phần hoàn thành mục tiêu tốc độ tăng trưởng năng suất bình quân cả nước đạt 6,5% trong giai đoạn.

Cùng bày tỏ mối quan tâm về các giải pháp, nhiệm vụ cơ cấu nền kinh tế quốc gia trong giai đoạn mới, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị, cần có giải pháp sâu hơn trong cơ cấu lại không gian kinh tế và tăng cường liên kết vùng; phát huy vai trò của các vùng đầu tầu kinh tế trọng điểm; bổ sung phát triển các khu đô thị lớn. Cùng với đó, tập trung phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cũng đề xuất, nghiên cứu bổ sung 1 trụ cột trong tái cơ cấu kinh tế là: Sức khỏe và nhân lực. Quan tâm thúc đẩy phát thương mại điện tử, kinh tế số, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và giống cây trồng mới năng suất cao và cần khuyến khích các giải pháp phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch.

Bảo đảm dự báo sát về nhu cầu sử dụng đất

Cho ý kiến về Dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) quốc gia, các ý kiến của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đều thống nhất với quan điểm sử dụng đất là tài nguyên đặc biệt. Đồng thời, chỉ rõ, thực tiễn triển khai tại cơ sở về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thực hiện Luật Đất đai đang phát sinh một số nội dung vướng mắc như: Thủ tục xác định nguồn gốc sử dụng đất; khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng do chênh lệch giữa giá đất đền bù, tái định cư, nhất là đất nông nghiệp.

Đi vào các vấn đề cụ thể, đại biểu Ngô Hoàng Ngân chia sẻ, theo Điều 6 của Luật Quy hoạch: Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia nhưng hiện nay Quy hoạch tổng thể quốc gia chưa được phê duyệt. Quy hoạch sử dụng đất quốc gia được xác định cứ vào chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước, kế hoạch, nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương. Hiện, các địa phương chưa lập xong quy hoạch của địa phương, quy hoạch của một số ngành chưa rõ. Do vậy, nếu căn cứ vào đó thì đề nghị Bộ TN - MT cập nhật đầy đủ nhu cầu của các ngành, địa phương nhằm tránh việc không thống nhất về nhu cầu sử dụng đất. Việc dự báo sử dụng đất chưa sát với nhu cầu làm cho việc phân bổ chỉ tiêu ảnh hưởng đến việc phát triển tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng vùng trong phát triển kinh tế.

Đại biểu Ngô Hoàng Ngân cũng bày tỏ băn khoăn khi trong mục tiêu, kế hoạch sử dụng đất vẫn đặt ra việc lấn biển và cho rằng: Chỉ nên cho phép lấn biển với công trình quốc phòng và phát triển kinh tế đặc biệt. Phân tích thêm nội dung này, đại biểu nêu rõ: Trong quyết định của Bộ TN - MT về đường triều kiệt (ngày 6.6.2018) và bản đồ đường triều kiệt cho thấy, việc lấn biển giai đoạn trước 2018 chưa được cập nhật đầy đủ (thực tế, trước năm 2018, một số địa phương đã có những khu đô thị lấn biển vượt qua đường triều kiệt do Bộ TN – MT đưa ra). “Đề nghị Bộ TN - MT cần khảo sát, cập nhật, đánh giá để báo cáo Chính phủ điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Có thể xem xét lấy năm 2021 làm năm cuối cùng để cập nhật, điều chỉnh đường triều kiệt cho phù hợp, góp phần để các địa phương pháp triển và thực hiện đúng quy định pháp luật về phát triển vùng ven biển”, đại biểu đề xuất.

MẠNH TUÂN