Hội nghị lấy ý kiến vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII:

Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo - nhân tố quan trọng cho sự phát triển đất nước

- Thứ Hai, 26/10/2020, 14:29 - Chia sẻ
Dự thảo Văn kiện vẫn nhấn mạnh đoàn kết là sức mạnh. Dân chủ trong Đảng phải là nòng cốt, dân chủ phải là kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương và sáng tạo, là những tiền đề, nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Đây là nhấn mạnh của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tại Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức sáng nay 26.10, tại Hà Nội.

Tiếp tục xác định "3 khâu đột phá" chiến lược

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhắc lại nhấn mạnh của Tổng bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng về nội dung của Văn kiện Đại hội XIII: “Văn kiện Đại hội là một văn kiện rất quan trọng, vừa mang tính lý luận cao, tính thực tiễn sâu sắc và tính chính trị chỉ đạo cho lâu dài, tồn tại mãi mãi trong lịch sử của Đảng, của đất nước, do vậy phải có tầm nhìn chiến lược; phải làm cho chặt chẽ, chắc chắn, diễn đạt cho rõ ràng, không được sơ hở gây hiểu lầm. Văn kiện phải có tính quần chúng, giản dị, ai đọc cũng hiểu… viết sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, dễ kiểm tra. Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, các báo cáo khác phải lấy đó làm hồn cốt, làm gốc, không được trùng lắp, nhưng cũng không được trái, khác với Báo cáo chính trị. Trên tinh thần cầu thị và lắng nghe, những vấn đề gì, việc nào đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh, các ý kiến thống nhất cao thì đưa vào báo cáo. Còn những vấn đề đang tranh luận, mới hoặc có nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, thận trọng, khách quan”.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, dự thảo văn kiện lần này có nhiều điểm mới, đó là đòi hỏi khách quan, kế thừa từ các nhiệm kỳ trước, cũng như từ những kinh nghiệm thành công của các nước. Nếu trước đây ta mới chỉ ghi "xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh", thì lần này, dự thảo đề xuất "xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh". “Như vậy, dự thảo đã bổ sung cả "hệ thống chính trị" bao gồm Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng cho biết, yếu tố dân chủ đã được bổ sung và gắn vận mệnh dân tộc, đất nước vào thời đại, kết hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với thời đại. Xây dựng xã hội chủ nghĩa có bổ sung những nhân tố mới là khơi dậy khát vọng phát triển dân tộc, phát huy ý chí để phát triển đất nước, xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc. "Dự thảo Văn kiện vẫn nhấn mạnh đoàn kết là sức mạnh. Dân chủ trong Đảng phải là nòng cốt, dân chủ phải là kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương và sáng tạo, là những tiền đề, nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước", Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

 

Đề cập đến khâu “đột phá” Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, từ Đại hội XI, XII Đảng ta đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược là: thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng. Lần này, dự thảo Văn kiện tiếp tục khẳng định: thể chế là hành lang pháp lý; nguồn nhân lực vẫn là yếu tố quyết định trong quá trình phát triển và gắn với đó là hạ tầng, kết cấu hạ tầng. Nhưng trong từng giai đoạn phát triển phải xác định được nội hàm của từng khâu đột phá chiến lược đó.

Quan tâm nâng cao đời sống nhân dân ở nông thôn, vùng sâu, dân tộc thiểu số

Góp ý vào các dự thảo văn kiện, Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn thẳng thắn cho rằng, trong nhiệm kỳ qua, bên cạnh những kết quả đạt được, một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế. Trong đó, giáo dục và đào tạo có bước phát triển nhưng quá chậm. Lĩnh vực bảo vệ tài nguyên môi trường còn nhiều sai sót, trong đó việc xây dựng nhiều thủy điện gây nên thảm họa trong mùa lũ. Về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tuy đã tiếp tục hoàn thiện nhưng việc vi phạm của các cơ quan pháp quyền còn nhiều, đến mức phải xử lý như ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… Góp ý về phương hướng phát triển trong giai đoạn tới, ông Võ Sở cho rằng, định hướng về phá triển kinh tế-xã hội 2021-2025 cần đưa công nghiệp chế tạo, chế biến lên cao hơn, trong đó quan tâm sản xuất công nghiệp nặng, có sản xuất tư liệu sản xuất, hạn chế việc để lệ thuộc kinh tế nước ngoài. Hết sức quan tâm đến việc nâng cao đời sống nhân dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số.

Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa đánh giá: các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã được chuẩn bị công phu, tổng kết đánh giá thực tiễn, có tính khái quát cao. “Đặc biệt, dự thảo lần này đã cụ thể hóa một bước cơ chế “nhân dân làm chủ” thông qua vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”; phát triển, mở rộng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; đã bổ sung hai quyền rất quan trọng của nhân dân là quyền giám sát, quyền thụ hưởng theo tinh thần của Hiến pháp 2013 và các quyết định của Bộ Chính trị, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của nhân dân, bà Hòa nhận định.

Liên quan đến vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới, văn kiện Đại hội XII có nêu: “tạo điều kiện để phụ nữ phát triển tài năng”, nhưng theo bà Hòa, ở phần đánh giá của dự thảo văn kiện mới chỉ đánh giá kết quả thực hiện bình đẳng giới và công tác trẻ em, không đề cập đến công tác cán bộ nữ hoặc phụ nữ tham gia lãnh đạo, mặc dù nhiệm kỳ này đã có những bước tiến đáng kể về vấn đề phụ nữ tham chính. Do đó, cần bổ sung đánh giá về đội ngũ cán bộ nữ cũng như định hướng tiếp tục phát huy tài năng nữ, nguồn lực đội ngũ cán bộ nữ trong phần IV về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người, bà Hòa đề nghị.

Đào tạo nguồn nhân lực phải đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế

Đánh giá cao các báo cáo đã có những đánh giá toàn diện, khá rõ về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, chỉ ra những nguyên nhân thành công hay chưa thành công và rút ra những kinh nghiệm cần lưu ý cho nhiệm kỳ sắp tới, tuy nhiên, GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội khuyến học Việt Nam cũng cho rằng, những đánh giá này thiên về định tính khái quát mà chưa đi sâu vào đánh giá thực trạng, chưa làm rõ bản chất của các hiện tượng. Dự thảo nói nhiều đến chất lượng nguồn nhân lực, nhưng không thấy tiêu chí cho từng con người thế nào thì phát triển thế nào? GS Phạm Tất Dong đặt vấn đề. Đề cập đến vấn đề giáo dục, GS Phạm Tất Dong cho rằng, trước những vấn đề mà dư luận đang quan tâm về sách giáo khoa, chúng ta cần đi sâu vào bản chất “quần chúng mong muốn gì ở sách giáo khoa”.

GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh

Cùng về vấn đề nhân lực, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng: vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần phải thêm tiêu chí “đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế”. Bởi nguồn nhân lực phải tiến đến tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; quản lý nhà nước đối với giáo dục hiện nay cần phải tập trung, không nên phân tán. Chính vì vậy, dự thảo văn kiện cần ghi thêm rằng: “Quản lý nhà nước, nhất là quản lý hệ thống các trường Cao đẳng, Đại học còn phân tán”. Nhấn mạnh, Cao đẳng, Đại học là một hệ thống, nhưng quản lý chưa tập trung khiến cho quá trình liên thông gặp khó khăn. Mặt khác, hệ thống trường Cao đẳng ở nước ta là rất lớn nhưng văn kiện chưa đề cập”, PGS Trần Xuân Nhĩ nói.

Hà An