Doanh nghiệp “3 tại chỗ” và nỗi lo F0

- Thứ Hai, 02/08/2021, 15:26 - Chia sẻ
Việc triển khai “3 tại chỗ” được kỳ vọng là cứu cánh cho các doanh nghiệp phía Nam vẫn ổn định sản xuất trong tình hình dịch bệnh căng thẳng. Tuy nhiên, sau chưa đầy một tháng thực hiện, một số nhà máy đã phát hiện có F0 và nguy cơ lây lan nhanh chóng hiện hữu. Lúng túng, doanh nghiệp kêu cứu và chờ đợi cơ quan chức năng vào cuộc.

Mô hình "3 tại chỗ" (ăn - ở - sản xuất tại chỗ) hay “1 cung đường – 2 điểm đến” là phương án được một số doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện nhằm thích nghi với điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp và thực hiện song song hai mục tiêu bảo vệ sức khỏe cho người dân và duy trì sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được “3 tại chỗ”. Rất nhiều doanh nghiệp ngay cả khi thu hẹp quy mô để lấy chỗ trống, cũng không thể bố trí đủ điều kiện để bố trí đủ điều kiện để người lao động nghỉ lại trong thời gian dài, đảm bảo các yêu cầu tối thiểu như tắm giặt, vệ sinh cá nhân, quản lý an toàn. Theo số liệu của 4 hiệp hội doanh nghiệp gồm, dệt may; da giày, túi xách; doanh nghiệp điện tử và mỹ nghệ, chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, 90% doanh nghiệp tạm dừng tìm các biện pháp chống dịch vì khó đáp ứng được các điều kiện cần thiết.

Một doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh bố trí chỗ ngủ cho công nhân "3 tại chỗ" 

Vậy nhưng, ngay cả khi thực hiện nghiêm túc “3 tại chỗ”, cũng rất khó để doanh nghiệp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động. Chủ một doanh nghiệp thừa nhận, khi vận hành, dù muốn dù không, các nhân viên vẫn phải giao lưu với xã hội bên ngoài, từ khâu xuất nhập hàng hoá đế cung ứng suất ăn… Rõ ràng vẫn có những kẽ hở để dịch bệnh xâm nhập vả lây lan. Vì vậy vấn đề phòng chống dịch luôn được các doanh nghiệp này đặt lên hàng đầu.

Tại TP. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo “3 tại chỗ”, khi xét nghiệm vẫn ra 43 ca F0, buộc phải đóng cửa, ngưng hoạt động như từng xảy ra với bộ phận đóng gói, pha lóc của Công ty CP Vissan. Tương tự tại Đồng Nai cho biết, tình hình lây nhiễm tại một số công ty “3 tại chỗ” khá phức tạp, đặc biệt tại công ty BOE (huyện Nhơn Trạch). Trước đó, công ty này đã phát hiện 50 ca mắc Covid-19. Sáng 1.8. qua test nhanh toàn bộ nhân viên, có trên 50% trong tổng số hơn 700 công nhân đang làm việc tại công ty cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và đang tiếp tục chờ kết quả xét nghiệm PCR.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa rà soát kỹ các điều kiện theo yêu cầu, chưa chuẩn bị phương án xử lý khi có F0 nên lúng túng, bị động. Đây là những trường hợp các    địa phương cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, ban phòng chống dịch có phương án xử lý kịp thời, an toàn không để bùng phát dịch bệnh.

Cũng trong bối cảnh dịch phức tạp, cũng thực hiện “3 tại chỗ” nhưng Bắc Giang và Bắc Ninh lại thực hiện mô hình này thuận lợi. Đến nay, cơ bản kiểm soát được ca F0 và 100% doanh nghiệp hoạt động trở lại. Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh chỉ thực hiện khi đã có  sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi nguồn lực, mọi bước đi đều làm thận trọng, đáp ứng đủ điều kiện mới cho vận hành. Phải xây dựng được các bộ tiêu chí về sản xuất, nhà ở cho công nhân phù hợp với địa bàn. Hay như tại Bắc Ninh, tỉnh đã dồn lực để thực hiện kiểm tra dịch tễ cho trên 132.000 lao động chỉ trong 5 ngày. Ngay cả khi doanh nghiệp đảm bảo các điều kiện “3 tại chỗ”, công nhân được vào nhà máy đi làm thì cũng phải kiểm tra xét nghiệm tầm soát liên tục cho công nhân để phân loại tiếp, dần dần mới tăng công suất.

Trước những nguy cơ trong mô hình "3 tại chỗ", mới đây Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã có văn bản khẩn gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất một số giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hạn chế sự đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Trong đó, Ban IV kiến nghị các địa phương yêu cầu doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" cần xây dựng và công bố các phương án y tế, quy trình xử lý nhanh chóng trong trường hợp có F0 tại nhà máy, phối hợp mọi nguồn lực ứng phó. Hạn chế tối đa trường hợp doanh nghiệp báo nghi ngờ phát dịch nhưng chậm trễ kiểm tra, hoặc kiểm tra xong chỉ thực hiện phong tỏa hàng nghìn lao động tại nhà máy, khiến cho dịch lan mạnh hơn.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Bộ Y tế cần phối hợp với các địa phương có các phương án diễn tập, hướng dẫn cụ thể để bảo đảm an toàn đối với các doanh nghiệp chưa có F0. Các địa phương cũng cần điều chỉnh lại chính sách thực hiện "3 tại chỗ", chỉ nên tính toán thực hiện mô hình “3 tại chỗ” ở các địa phương có tình hình dịch bệnh vẫn ở diện kiểm soát được. Đặc biệt, các tỉnh cần lên phương án gấp rút tiêm cho người lao động trong các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất. Từ đó, tiêm dọc theo chuỗi sản xuất, các khâu liên quan khác như vận chuyển, bán lẻ... để bảo đảm các mắt xích trong chuỗi sản xuất đều an toàn, giúp các doanh nghiệp vừa sản xuất, kinh doanh vừa phòng, chống dịch hiệu quả.

Chi An