Doanh nghiệp bất động sản mong trợ lực chính sách

- Thứ Bảy, 24/07/2021, 06:02 - Chia sẻ
Mặc dù từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường bất động sản, song giới chuyên gia vẫn lạc quan cho rằng lĩnh vực này đang có nhiều cơ hội phát triển; trong đó không thể thiếu trợ lực về chính sách như sớm có Luật Đất đai sửa đổi, hay phân định rõ loại hình bất động sản nào được quyền mua bán, loại nào chỉ cho thuê…
Thị trường bất động sản vẫn còn nhiều xung lực để phát triển
Nguồn: zing.vn

Có nhiều xung lực phát triển

Theo Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Đỗ Viết Chiến, mặc dù trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, thị trường bất động sản vẫn có nhiều cơ hội phát triển. Trước hết, đó là tính ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế được lạm phát. Sự quyết liệt của Chính phủ trong việc thúc đẩy các địa phương, bộ, ngành giải ngân vốn đầu tư công đã tác động rất lớn đến nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, Nhà nước đã có những tháo gỡ khó khăn về cơ chế và chính sách cho các doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp đã có nhìn nhận và thích ứng, không chỉ trong ngắn hạn mà đã có bước đi xa hơn. Đặc biệt, nguồn cầu về nhà ở vẫn còn rất lớn.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc kéo dài thời gian nộp thuế và lãi suất của năm 2021 thấp nhất trong vòng 15 năm qua là những xung lực tốt cho thị trường bất động sản.

Mặt khác, cùng với việc Chính phủ khuyến khích nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, hoạt động du lịch được dự đoán sẽ “ấm dần”, các chính sách vĩ mô, vi mô, tài chính cũng được điều chỉnh linh hoạt sẽ góp phần tạo động lực cho thị trường. “Khi dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại, các nhà đầu tư thận trọng hơn với những kênh đầu tư lướt sóng như vàng, chứng khoán thì bất động sản vẫn luôn là kênh có nhiều tiềm năng”, Chủ tịch VCCI bình luận.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, trong đó quy định rõ nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại, hoặc xây dựng công trình khác và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1.9 tới, kỳ vọng gỡ nút thắt trong cải tạo chung cư cũ.

Doanh nghiệp phải có kế hoạch dự phòng

Mặc dù thị trường đang có nhiều xung lực để phát triển song vẫn còn nhiều rào cản từ cơ chế chính sách, đòi hỏi phải được tháo gỡ kịp thời.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Khởi xác nhận, những năm qua, Chính phủ đã quan tâm và có những cơ chế cho thị trường bất động sản, đặc biệt trong năm 2020 thông qua Luật Đầu tư sửa đổi và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Năm 2021, Chính phủ cũng đã ban hành một loạt nghị định có tác động đến thị trường, đặc biệt là Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư. Những chính sách này từng bước gỡ khó cho thị trường. Chính quyền địa phương cũng quan tâm đến kinh doanh bất động sản hơn. Doanh nghiệp điều chỉnh về chiến lược, xác định được sản phẩm, chọn đúng phương thức hoạt động. Nguồn cung bất động sản cũng bắt đầu hình thành bởi đã hoàn tất rà soát các thủ tục pháp lý, các chính sách cũng dần có hiệu lực.

“Giai đoạn 2021 - 2025 chắc chắn sẽ có những chính sách, quyết sách mới ít nhiều tác động đến thị trường”, ông Khởi thông tin. Từ nay đến cuối năm, Bộ Xây dựng dự kiến sẽ ban hành một loạt chính sách mới. Hiện, Bộ đang nghiên cứu sửa đổi, trình Chính phủ ban hành quy định cụ thể nhằm hạn chế hoặc kiểm soát các hoạt động giao dịch của thị trường, đặc biệt là giao dịch liên quan đến đất nền sổ đỏ, kinh doanh bất động sản.

Ở góc độ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch HĐQT CenGroup Phạm Thanh Hưng mong muốn sớm có Luật Đất đai sửa đổi, giao quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu về tài sản gắn liền với đất rõ ràng, rành mạch để doanh nghiệp ghi nhận vào trong báo cáo tài sản một cách rõ ràng. Đồng thời, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan cần phân định rõ loại hình bất động sản nào được quyền mua bán, loại nào chỉ cho thuê như Condotel, Officetel.

Cũng theo ông Hưng, nếu chỉ dựa vào nguồn vốn ngân hàng thì doanh nghiệp sẽ bị động. Do vậy, cần có cơ chế linh động hơn, cho phép doanh nghiệp được huy động vốn trong đó có hình thức quỹ tín thác. Chính sách, chủ trương của Chính phủ đã cởi mở nhưng vẫn còn thiếu văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện.

Tổng Giám đốc Đại Phúc Land Nguyễn Thị Thanh Hương nhìn nhận, doanh nghiệp bất động sản Việt Nam chủ yếu vừa và nhỏ nên khả năng chống chịu sẽ không cao. Nếu các rào cản của thị trường được giải quyết rốt ráo, quan tâm đúng cách, các trợ lực từ cơ chế, chính sách được điều chỉnh sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp. Theo bà Hương, thị trường 6 tháng cuối năm sẽ không phụ thuộc vào yếu tố chống chịu của doanh nghiệp mà nằm ở kịch bản dịch bệnh. Trong trung và dài hạn, doanh nghiệp phải có kế hoạch dự phòng, luôn bền bỉ, nâng cao tính chống chịu để có nguồn lực tốt nhất khi quay trở lại thị trường.

Hạnh Nhung