Doanh nghiệp cần “thuốc bổ” để phục hồi

- Thứ Tư, 21/04/2021, 08:19 - Chia sẻ
Mặc dù dự báo rất cao triển vọng kinh tế của Việt Nam năm 2021 nhưng sự thực là vào quý I năm 2021, số doanh nghiệp thành lập mới vẫn giảm 1,4% trong khi số doanh nghiệp rời khỏi thị trường tăng tới 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. Sau nhiều làn sóng Covid, khó khăn vẫn bủa vây doanh nghiệp, đòi hỏi Chính phủ phải “kê đơn thuốc bổ” - như tiếp tục cắt giảm thuế phí, không thêm sắc thuế mới trong những năm tới, duy trì chính sách thuế ổn định - nhằm giúp doanh nghiệp sớm phục hồi và lớn mạnh hơn.
Chính phủ phải “kê đơn” “thuốc bổ” để giúp doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh
Nguồn: ITN

Cơn bĩ cực chưa qua

85% trong số 350 doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát nhanh mới đây của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đại dịch Covid-19 vẫn đang tác động tiêu cực đến họ. Theo phản ánh của doanh nghiệp, khó khăn phổ biến nhất là thị trường tiêu thụ sụt giảm, không thanh toán được các chi phí kinh doanh do thiếu nguồn thu...

Kết quả này hoàn toàn tương đồng với cuộc khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cuối năm 2020, công bố đầu tháng 3.2021, với quy mô lớn hơn rất nhiều. Có tới 87,2% trong số hơn 8.600 doanh nghiệp tham gia cho biết họ phải chịu tác động ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực” từ đại dịch.

Dù dịch bệnh đã một lần nữa tạm lắng xuống ở trong nước và niềm lạc quan về triển vọng kinh tế năm nay tiếp tục được duy trì nhưng doanh nghiệp vẫn đang trong cảnh “giữa muôn trùng vây”. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 1,4%; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 15,5%; số doanh nghiệp quay lại hoạt động giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính ra, trung bình, mỗi tháng có 13.400 doanh nghiệp rời thị trường.

Những doanh nghiệp còn trụ lại được sau một năm bị bão Covid-19 “hoành hành” cũng đang chật vật hồi phục và đầy lo lắng khi nhìn về tương lai. Đơn cử như Công ty CP Đầu tư K&G Việt Nam, chuyên phân phối thời trang cao cấp, đã thay đổi rất nhiều cả về sản phẩm và cách bán hàng cho hợp thời Covid. Dù vẫn hoạt động và có cửa hàng giữ được doanh thu như năm 2019 nhưng lãnh đạo K&G vẫn băn khoăn liệu có thực sự khỏe để tiếp tục sống nếu dịch Covid-19 hay điều gì đó khủng khiếp hơn tái diễn.

Tương tự, trong năm đầu tiên “chiến đấu” với Covid-19, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) chịu thương tổn nặng nề, tốc độ tăng trưởng giảm tới 7,1% so với năm 2019. Đặc biệt, theo số liệu từ Nielsen, ngành đồ uống đối mặt với mức tăng trưởng âm 10% khi lượng tiêu thụ giảm xuống thấp nhất kể từ năm 2018. Lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành này sụt giảm mạnh là điều không còn phải bàn cãi, nhưng đằng sau đó còn là số phận của rất nhiều ngành nghề có liên quan, hàng triệu lao động và số thuế đóng cho ngân sách.

Tương lai ngành hàng tiêu dùng nhanh năm nay cũng rất khó đoán định, theo hãng nghiên cứu thị trường Nielsen. Trong tài liệu họp đại hội đồng cổ đông vừa công bố, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội dự kiến lượng bia tiêu thụ năm nay sẽ giảm gần 30 triệu lít so với thực tế bán năm 2020. Do tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó có Covid đã khiến Habeco thu về lợi nhuận thấp nhất 10 năm qua với hơn 319 tỷ đồng trước thuế và 255 tỷ đồng sau thuế.

PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, sức chịu đựng của các doanh nghiệp là nhân tố mấu chốt giúp Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 nhưng đây là chuyện của năm cũ. Năm nay doanh nghiệp có “gồng” nổi nữa hay không thì chưa có câu trả lời cụ thể. Bức tranh kinh tế chung ngày càng khó khăn hơn vì thương mại quốc tế chưa thông suốt, chi phí đầu vào thì đắt đỏ hơn. Đây là thách thức rất lớn với doanh nghiệp, ông Bảo nhận định. Còn nói như TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, doanh nghiệp đang ở đỉnh điểm của khó khăn sau một năm gánh chịu những tác động nặng nề từ Covid-19 trên diện rộng.

Liều thuốc mang tên “ổn định”

Cơn bĩ cực chưa qua nên doanh nghiệp vẫn đang ngóng chờ Nhà nước hỗ trợ. Kết quả cuộc điều tra do VCCI thực hiện được nhắc tới ở trên cho thấy mối quan tâm và mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp là tiếp tục được miễn giảm thuế, giãn và gia hạn nộp thuế ít nhất trong một năm nữa. Tiếp đến, doanh nghiệp đề xuất giảm lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận vốn vay; giảm chi phí của các hoạt động kinh doanh...

“Sự hỗ trợ của Nhà nước là cần câu để doanh nghiệp vực dậy trong thời điểm khó khăn”, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh bày tỏ quan điểm. Ông lo rằng, doanh nghiệp nếu chậm được hỗ trợ sẽ càng kiệt quệ, khó phục hồi và như vậy nguồn thu ngân sách cũng bị ảnh hưởng.

Cùng quan điểm, PGS.TS. Tô Đức Hạnh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho rằng để đạt được tăng trưởng 6,5% trong năm nay phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, cần tiếp tục cắt giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp thông qua thực hiện các chính sách miễn, giảm phí và gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất...

Trên thực tế, nhiều quốc gia đã và đang lựa chọn hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19 bằng biện pháp ưu đãi thuế. Mặc dù thu ngân sách Chính phủ gặp khó khăn, Chính phủ Trung Quốc vẫn miễn thuế VAT cho một loạt dịch vụ, giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp... để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp.

Cũng vậy Chính phủ Hoa Kỳ vẫn duy trì các chính sách ưu đãi về thuế (gồm hoãn thời gian thu thuế và phí, tín dụng thuế, giảm thuế suất, tạm thời giảm giá thuê các tài sản của Nhà nước), xuất phát từ quan điểm: Chấp nhận thâm hụt tài khóa có thể ở mức cao trong vài năm nhưng có thể đạt được mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quay trở lại quỹ đạo ổn định.

Theo các nhà kinh tế thế giới, nếu các Chính phủ ngừng các gói cứu trợ quá sớm có thể cản trở đà phục hồi của nền kinh tế. Trong một báo cáo công bố cuối tháng 11.2020, ông Neal Shearing, nhà kinh tế trưởng của Capital Economics cho rằng đây là “rủi ro lớn nhất” mà các nền kinh tế trên thế giới phải đối mặt trong ngắn hạn, là một sai lầm kiểu “gậy ông đập lưng ông”.

Đối với Việt Nam, “giờ chưa phải là lúc tính đến chuyện ngừng hỗ trợ, tăng thuế phí quá sớm hay đề xuất thêm các loại thuế mới vì việc này sẽ chất thêm gánh nặng lên doanh nghiệp và có thể cản trở đà hồi phục của nền kinh tế”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Sự hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp sau nhiều làn sóng Covid-19 không chỉ đến từ những gói cứu trợ tài chính. Doanh nghiệp cần “thuốc bổ”, đó chính là sự ổn định về kinh tế vĩ mô, về chính sách mà đặc biệt là chính sách thuế, phí (không tăng thuế hay ra những sắc thuế mới) để tăng sức đề kháng và phục hồi, qua đó đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và bảo đảm việc làm cho người lao động. Theo PGS.TS. Phạm Thế Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, ưu tiên hàng đầu lúc này là bảo đảm an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp còn hoạt động.

Hà Lan