Doanh nghiệp "chạy nước rút" đơn hàng cuối năm

- Thứ Hai, 22/11/2021, 06:11 - Chia sẻ
Sau thời gian đình trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp đang tăng tốc sản xuất để đáp ứng đơn hàng cuối năm. Tình hình đơn hàng của nhiều ngành rất khả quan, trong đó dệt may đã có đơn hàng tới tháng 4.2022.

Tăng tốc sản xuất    

Ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt dịch thứ 4 do 70% doanh nghiệp trong ngành tập trung ở các tỉnh, thành phía Nam. Tuy vậy, từ tháng 9, ngành có dấu hiệu phục hồi và bước sang tháng 10, các doanh nghiệp đã nhanh chóng mở lại hoạt động sản xuất.

Nguồn: ITN

Khảo sát của Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) với 131 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, tại 22 tỉnh, thành phố cho thấy, ở thời điểm hiện tại, số doanh nghiệp hoạt động trên 70% công suất chiếm 67%; 13% doanh nghiệp hoạt động với công suất dưới 50%; 20% doanh nghiệp hoạt động từ 50 - 70% công suất. Số doanh nghiệp hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ” là 24%; “2 cung đường 1 điểm đến” là 19%; còn lại là các mô hình khác chiếm 56%. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 12,8 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2020.

Tương tự với ngành dệt may, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang cho biết, thời gian trước do dịch bệnh nên 90% các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hơn 1/3 doanh nghiệp dệt may ở phía Nam phải dừng hoạt động. Tuy nhiên kể từ đầu tháng 10, hoạt động sản xuất đã dần khôi phục sau một khoảng thời gian dài bị đình trệ. Tình hình đơn hàng cuối năm rất khả quan, cùng với đó các doanh nghiệp đang phải tăng tốc để vừa kịp hoàn thành đơn hàng tồn từ tháng 8, 9 và vừa nhận đơn hàng mới.

Theo thông tin từ Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Bé, tỷ lệ doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh hoạt động trở lại đạt trên 95%, lực lượng lao động quay lại làm việc khoảng 80%. Đặc biệt, các khu công nghệ cao đã “hồi sinh” với 100% doanh nghiệp phục hồi sản xuất, làm tốt các công tác phòng, chống dịch và bảo đảm sức khỏe, đời sống cho người lao động. Các doanh nghiệp đang hoạt động hết năng suất, tăng cường tuyển dụng lao động để tăng tốc hoàn thiện đơn hàng cũ cũng như đơn hàng mới của năm 2022.

5K phải thành kỹ năng sống của công nhân

Theo dự báo xu hướng tuyển dụng trong quý IV.2021 và đầu năm 2022 của Navigos Group, tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may rất khả quan, thậm chí có những công ty đã nhận đơn hàng tới tận tháng 4.2022. Do đó, nhu cầu tuyển dụng có thể tăng do các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất để hoàn thành đơn hàng đúng tiến độ.

Giám đốc Công ty TNHH ván ép cơ khí xây dựng Nhật Nam Nguyễn Minh Nhật cho biết vẫn đang đối mặt với tình trạng khan hiếm lao động mặc dù liên tục tuyển dụng. Hiện công ty mới có 60% lao động quay lại làm việc nên năng suất chỉ đạt khoảng 65% so với khi chưa có dịch. Để khắc phục, công ty của ông đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm thu hút và giữ chân người lao động. Ví dụ hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người đối với những lao động mới hoặc quay lại làm việc sau thời gian nghỉ, đồng thời tăng mức thưởng theo sản phẩm để khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài.

Mong muốn hiện nay của doanh nghiệp là người lao động sớm được tiêm đủ 2 mũi vaccine để yên tâm làm việc trở lại. Khảo sát do Viforest thực hiện với 43,5 nghìn lao động cho thấy, tỷ lệ tiêm phủ vaccine Covid-19 mũi 1 của các doanh nghiệp đạt 60%; mũi 2 đạt 29%; 11% người lao động chưa tiêm. 

Theo ông Nguyễn Văn Bé, Hiệp hội các doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh luôn khuyến khích doanh nghiệp tái cấu trúc để thích ứng với tình hình bình thường mới. Doanh nghiệp phải nhận thức được rằng, ý thức tự giác của người lao động là yếu tố tiên quyết giúp phòng, chống dịch hiệu quả. Vì vậy, cần có những chương trình tuyên truyền, nâng cao ý thức để thực hiện 5K trở thành kỹ năng sống của người lao động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi số, trang bị thêm máy móc, công nghệ hiện đại để tăng công suất, giảm phụ thuộc vào yếu tố con người, góp phần phòng, chống dịch.

Minh Trang