Doanh nghiệp dệt may xoay xở để giao hàng đúng hạn

- Thứ Sáu, 11/06/2021, 06:18 - Chia sẻ
Sự hồi phục của các thị trường xuất khẩu chính đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho ngành dệt may. Nhiều doanh nghiệp đã kín đơn hàng trong 2 quý cuối năm. Trước tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, nhiều doanh nghiệp phải tăng ca, đàm phán lùi thời hạn giao hàng với đối tác...
Nguồn: ITN

Đơn hàng nhiều, lo lắng lớn 

Theo báo cáo của Bộ Công thương, ngành dệt may trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường xuất khẩu chính dần hồi phục và doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại. Tính chung 5 tháng qua, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 8,1% so với cùng kỳ; ngành sản xuất trang phục tăng 9,1%. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt trên 12 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng hơn 60%, vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 66,2%.

Nếu như một năm trước, doanh nghiệp nào cũng chồng chất nỗi lo vì “đói” đơn hàng thì nay đáng mừng là nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu đến quý III và cả năm. Dù vậy Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những áp lực vô cùng lớn từ làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang, dịch bệnh bùng phát làm cho tâm lý của người lao động bất an, các địa phương triển khai giãn cách xã hội khiến việc di chuyển của công nhân khó khăn hơn, nhất là nhóm lao động từ tỉnh khác. Hơn nữa, để giữ khoảng cách an toàn khi làm việc, doanh nghiệp phải cắt giảm số lao động, chia ca khác với lịch trình bình thường. Từ đó, gây mất ổn định cho dây chuyền sản xuất, nghiêm trọng hơn là không thể hoàn thành những kế hoạch được đặt ra trong năm 2021. Hiện đã có ít nhất 45 doanh nghiệp dệt may phải tạm dừng sản xuất. Những doanh nghiệp nào trụ lại được thì vẫn phải trả lương đầy đủ cho công nhân để giữ chân họ, bên cạnh đó còn phải “gánh” thêm hàng loạt các chi phí phát sinh khác trong khi nguồn thu sụt giảm.

Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho rằng, hiện nay, các đơn hàng đều đã được ký nhận đến hết năm 2021. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu khiến các nhà máy phải đóng cửa hoặc giảm năng suất lao động thì sẽ khó bảo đảm được tiến độ sản xuất và giao hàng đúng hạn. Từ đó, gây ra nhiều hệ lụy như bị hủy đơn hàng, đền bù hợp đồng, dẫn đến thiệt hại có thể lên tới hàng tỷ USD cũng như ảnh hưởng uy tín của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Tăng ca, đàm phán lùi thời gian giao hàng

Từ khi TP. Hồ Chí Minh áp dụng giãn cách xã hội, hơn 7.500 công nhân của Công ty CP Dệt may - đầu tư thương mại Thành Công phải chia thành 2 ca sản xuất thay vì 1 ca như trước. Năng suất lao động của công nhân giảm đã gia tăng áp lực đến quá trình hoàn thành các đơn hàng. Vì vậy, doanh nghiệp đang tiến hành thương lượng với đối tác để lùi thời gian giao hàng. Nếu không được buộc lòng phải thay đổi phương thức vận chuyển từ đường tàu sang đường hàng không để nhanh hơn, đương nhiên, chi phí vận chuyển bằng đường hàng không cao hơn nhiều lần so với các phương thức khác.

Tương tự, tại Công ty TNHH Việt Thắng Jean, mọi hoạt động sản xuất cũng phải thay đổi khi TP. Hồ Chí Minh giãn cách xã hội. Trước đó, mỗi ngày gần 5.000 công nhân chỉ làm việc 2 ca thì nay phải tăng lên 3 ca để vừa bảo đảm phòng dịch, vừa trả kịp đơn hàng cho đối tác. Được biết, mỗi ngày Việt Thắng Jean phải xuất xưởng một lô hàng gần 30.000 sản phẩm cho các đối tác tại Mỹ, châu Âu… do đó, công nhân tại nhà máy phải làm việc hết công suất mới kịp hoàn thành tiến độ.

Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may đều có nguyện vọng để người lao động được ưu tiên tiếp cận tiêm vaccine, đặc biệt là những doanh nghiệp nằm trong tâm dịch như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng kiến nghị có những chính sách tạo điều kiện để các nhà máy trong ngành này hoạt động bình thường, để kịp tiến độ hoàn thành các đơn hàng cho đối tác trong thời gian tới.

Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trương Văn Cẩm cho rằng TP. Hồ Chí Minh cần tạm dừng thu phí cảng biển; Chính phủ nghiên cứu giảm phí công đoàn xuống 1% thay vì 2% như hiện nay và để lại cho công đoàn cơ sở 85 - 90% số thu để chăm lo đời sống cho người lao động.

 ____________

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị Quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Minh Trang