Doanh nghiệp mong chính sách hỗ trợ sớm triển khai

- Thứ Năm, 06/01/2022, 06:58 - Chia sẻ
Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng rất nhiều vào gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp bất thường; đồng thời mong muốn các chính sách hỗ trợ phải cụ thể, đúng mục tiêu và triển khai nhanh chóng, hiệu quả.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam NGUYỄN CÔNG HÙNG: 

Doanh nghiệp trụ được nhờ hỗ trợ của Nhà nước

Hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách, gặp rất nhiều khó khăn trong suốt năm qua do thực hiện giãn cách xã hội và các địa phương mỗi nơi chống dịch một kiểu. Hiện nay, vận tải hành khách đã nối lại theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 song vẫn chưa thể hồi phục. Thu không đủ chi, xăng tăng giá mạnh nhất trong 7 năm qua càng khiến doanh nghiệp vận tải điêu đứng, bởi xăng chiếm tới 30 - 35% cấu thành giá.

Trong bối cảnh đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ, giúp doanh nghiệp có thể trụ lại. Đặc biệt, tại Kỳ họp bất thường lần này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết với nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Chúng tôi rất mong chờ các chính sách này sớm được cụ thể hóa và nhanh chóng đi vào cuộc sống để đạt hiệu quả cao nhất, hỗ trợ nhiều nhất cho doanh nghiệp.

	Cộng đồng doanh nghiệp đang rất trông chờ Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Quốc hội. Nguồn: TTXVN
Cộng đồng doanh nghiệp đang rất trông chờ Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Quốc hội.
Nguồn: TTXVN

Năm nay, Việt Nam dự kiến mở cửa đường bay quốc tế, mở ra triển vọng phục hồi cho ngành du lịch, vận tải hành khách. Bên cạnh việc triển khai các gói hỗ trợ theo dự thảo Nghị quyết, chúng tôi mong Quốc hội và Chính phủ nới lỏng các chính sách hỗ trợ như xem xét miễn phí bảo trì đường bộ thay vì chỉ giảm 30%; giảm giá xăng thông qua việc miễn thuế bảo vệ môi trường; xem xét cho các doanh nghiệp vận tải vay từ các quỹ để trả lương cho nhân viên; nhất là phải ổn định thị trường du lịch, nhà hàng và các dịch vụ khác thì ngành vận tải mới có thể bứt tốc.

Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp quốc gia phía Nam HUỲNH THANH VẠN: 

Chính sách hỗ trợ cần triển khai nhanh chóng 

Năm 2021 rất đặc biệt với cộng đồng doanh nghiệp cả về những khó khăn, thách thức chưa từng có và nỗ lực, ý chí vươn lên. Nhìn lại năm qua, tôi cho rằng sự hỗ trợ của Nhà nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp doanh nghiệp có thể trụ lại. Hiện tại, Quốc hội đang họp kỳ họp bất thường và sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Tôi mong các chính sách này tới đây được triển khai nhanh chóng, đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là tự thân doanh nghiệp phải nỗ lực chuyển đổi, thích ứng với tình hình mới, đặc biệt phải đầu tư ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động và chú trọng đào tạo nhân lực để làm chủ công nghệ mới. Như công ty chúng tôi đã áp dụng đổi mới sáng tạo, đầu tư 3 máy CNC cắt khắc gỗ và 2 robot, bảo đảm chính xác và tăng hiệu quả sản xuất 30% dù phải thực hiện giãn cách. Đồng thời, công ty chuyển sang sản xuất mặt hàng sofa và xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Australia, Mỹ. Nhờ đó, năm 2021, doanh số của công ty tăng trên 30% so với năm trước.

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ du lịch Nha Trang HỒ VĂN TÍN:

Ưu tiên hỗ trợ ngành bị tác động nặng nề

Doanh nghiệp du lịch vừa trải qua thêm một năm đầy khó khăn. Doanh thu không có thu song chúng tôi vẫn phải trả lương cho người lao động, chi phí bảo dưỡng gần 20 xe du lịch và tàu, ca nô, trả lãi và gốc vốn vay ngân hàng lên tới 150 triệu đồng/tháng. Nhờ các chính sách hỗ trợ của Quốc hội và Chính phủ, chúng tôi có thể trụ vững đến giờ.

Ngành du lịch được kỳ vọng sẽ phục hồi khi tỷ lệ bao phủ vaccine đã đạt trên 80%, chính sách phòng chống dịch thay đổi theo hướng thích ứng an toàn. Đặc biệt, đường bay quốc tế dự kiến sẽ mở lại trong năm 2022. Song, chúng tôi sẽ không thể nhập cuộc nếu không được tháo gỡ về tài chính. Bởi gần hai năm qua, chúng tôi hầu như không có doanh thu nên việc giảm thuế, hạ lãi suất hầu như không có tác dụng. Vấn đề chúng tôi cần nhất lúc này là được tiếp cận tài chính dễ dàng theo hình thức tín chấp để có nguồn tiền tái đầu tư.

Việc Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là rất cần thiết với cộng đồng doanh nghiệp. Theo tôi, cần phân định rõ các ngành và ưu tiên cho những ngành bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19 như du lịch, dịch vụ, vận tải… Trên cơ sở đó, đề ra các chính sách hỗ trợ cụ thể tương ứng thì mới phát huy hiệu quả

Minh Châu