Doanh nghiệp nhỏ cần vốn để phục hồi

- Thứ Năm, 02/12/2021, 08:34 - Chia sẻ
Sau gần 2 tháng nới lỏng giãn cách xã hội, hầu hết doanh nghiệp đã khôi phục hoạt động và hồi phục khá tốt. Tuy vậy, tiếp cận vốn tín dụng vẫn là bài toán khó, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Khó tiếp cận vốn ngân hàng

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với trên 97%, sử dụng gần một nửa tổng số lao động và đóng góp trên 40% GDP hàng năm. Theo kết quả khảo sát tình hình "sức khỏe" tài chính của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 do Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân thực hiện năm 2021, (trong số 21.517 đơn vị tham gia, có hơn 93% là doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh, chỉ 16% trong số này có thể duy trì sản xuất, còn đa số phải dừng kinh doanh hoặc giải thể. Dòng tiền để các doanh nghiệp này tiếp tục hoạt động trên 6 tháng chỉ chiếm 17%.

Rõ ràng, nhu cầu nguồn vốn để tiếp tục vượt khó và tái đầu tư của các doanh nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, các chuyên gia đều đánh giá, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều hạn chế. Theo một số doanh nghiệp, do thiếu nguồn vốn nên vẫn phải hoạt động cầm chừng. Dù các doanh nghiệp đang phải tìm cách chuyển đổi mô hình hoạt động để có thể phục hồi, nhưng nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ đang rất khó khăn về tài chính, nguồn vốn tích lũy hầu như đã cạn kiệt. Các doanh nghiệp đang rất cần nguồn tín dụng mới với lãi suất ưu đãi từ phía ngân hàng để có thể phục hồi sản xuất kinh doanh tốt hơn trong thời gian tới.

Mặc dù, thời gian qua, nhiều ngân hàng tuyên bố hạ lãi vay song rất ít doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiếp cận được. Ví dụ với gói vay lãi suất khoảng 7% một năm, khi xét duyệt, ngân hàng có nhiều điều kiện như yêu cầu chứng minh dòng tiền, phương án kinh doanh khả quan thời gian tới... Những điều này hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó đáp ứng khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.

Cho vay theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng

Theo Giám đốc điều hành Economica Vietnam Lê Duy Bình, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ không có tài sản thế chấp chiếm tới 65%, trong đó có tới gần 73% doanh nghiệp chưa bao giờ có hoạt động vay vốn với các ngân hàng. Mặc dù, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất lớn nhưng thực tế hầu hết các doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng.

Theo ông Bình nguyên nhân là do phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa vận hành có tính tự phát, thiếu chiến lược kinh doanh, quản trị rủi ro, quản trị nguồn vốn. Vì vậy khi khủng hoảng xảy ra các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh khiến thiếu nguồn vốn. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phần lớn dựa trên nguồn tự có, hoạt động lĩnh vực khó có thể bảo đảm khả năng về thế chấp, sự minh bạch tài chính chưa bảo đảm, chưa chuẩn mực kế toán, kiểm toán nên khó tiếp cận nguồn vốn.

Do đó, ông Bình khuyến cáo các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chú trọng xây dựng hồ sơ tín dụng minh bạch, tin cậy trong mắt các tổ chức tín dụng ngay từ đầu. Điều này cần thực hiện lâu dài không phải chỉ một vài tháng mà được. Đặc biệt rất cần sự hướng dẫn, song hành của tổ chức tín dụng  đối với các khoản vay tín chấp.

Trước mắt, để có thể tiếp cận được nguồn vốn giai đoạn này, theo ông Bình, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần lựa chọn ngân hàng muốn làm việc với các doanh nghiệp nhỏ. Vì các ngân hàng này có sự cam kết, thiết kế các sản phẩm, dịch vụ cách thức giải ngân quy trình vốn cho doanh nghiệp nhỏ. Từ đó, doanh nghiệp có thể dễ vay vốn hơn vì có sản phẩm phù hợp với doanh nghiệp mình, đồng thời giảm các thủ tục, chi phí không cần thiết.

Về phía các ngân hàng cần đổi mới về tư duy, chuyển cho vay tài sản thế chấp dựa trên độ khả tín, kế hoạch kinh doanh. Dựa trên điều này, các gói cho vay của ngân hàng điều chỉnh phù hợp hơn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khác nhau. Các ngân hàng có thể lựa chọn hình thức cho vay theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng. Khi ngân hàng giao dịch với các doanh nghiệp trung tâm, đầu chuỗi có thể nhận diện các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nằm trong chuỗi. Từ đó, mở rộng các sản phẩm, dịch vụ vay phù hợp cho các doanh nghiệp nằm trong chuỗi, qua đó tăng khả năng thanh khoản, phục hồi và bứt phá đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Dưới góc độ ngân hàng, Giám đốc Phân khúc khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa Ngân hàng MSB Vũ Thị Phương cũng thừa nhận, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn lưu động, vốn kinh doanh… trong khi hạn mức tín dụng, tài sản bảo đảm đều đã sử dụng hết. Để giải quyết khó khăn này rất cần sự phối hợp của nhiều bên. Theo bà Phương, ở thời điểm này nếu yêu cầu tài sản bảo đảm, dòng tiền, phương án kinh doanh khả thi sẽ là rất khó khăn cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do vậy, ngân hàng đã có giải pháp cho từng nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa với những yêu cầu khác nhau như: nhóm doanh nghiệp có yêu cầu vay, bảo lãnh; doanh nghiệp xuất nhập khẩu… Từ những yêu cầu đó, ngân hàng sẽ đưa ra từng gói cho vay phù hợp với định hướng kinh doanh của doanh nghiệp. MSB đã đưa ra gói giải pháp về tín chấp hỗ trợ các doanh nghiệp có doanh thu từ 3 - 30 tỷ đồng không cần tài sản thế chấp để phục vụ nhu cầu mùa kinh doanh cuối năm.

Vũ Quang