Doanh nghiệp nông sản gồng mình trong đại dịch

- Chủ Nhật, 15/08/2021, 05:27 - Chia sẻ
Diễn biến khó lường của dịch Covid-19, nhất là khi 19 tỉnh phía Nam đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Nguồn: ITN

Chi phí sản xuất tăng vọt

Mật hoa dừa Sokfarm là sản phẩm chủ lực của Công ty TNHH Trà Vinh Farm. Ông Phạm Đình Ngãi, Giám đốc công ty cho biết, nguyên liệu chính là mật hoa dừa thu mua tại các địa phương. Tuy nhiên, một số nhà cung cấp chủ lực của công ty lại ở các tỉnh, thành phố đang áp dụng Chỉ thị 16 nên ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung nguyên liệu. Ngay cả những nguyên phụ liệu như chai đóng sản phẩm, tem nhãn, bao bì… cũng khan hiếm, buộc công ty phải tìm đầu mối khác với giá cao hơn do mọi chi phí đều tăng. 

Không chỉ vậy, trụ sở công ty ở Trà Vinh nhưng thị trường tiêu thụ chính lại ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Cả 2 thành phố đang thực Chỉ thị 16 nên vận chuyển hàng hóa rất khó khăn và công ty bị chậm nhiều hợp đồng. Ông Ngãi cho biết, chi phí giao hàng lúc trước chỉ 3 - 4%, giờ tăng lên 8%. Lợi nhuận những tháng qua không thể giữ được như cùng kỳ năm trước vì chi phí sản xuất đã tăng trên 30%.

Dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp về mọi mặt, đặc biệt khâu vận chuyển, tổ chức sản xuất, nhân công… Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, do phải giảm bớt số lao động để phòng dịch nên năng suất không giữ được như trước. Ngoài ra, doanh nghiệp phải gánh chi phí logistics tăng rất cao và khó đàm phán chọn tàu chở hàng nên ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch kinh doanh.

Tương tự, hoạt động của các doanh nghiệp ngành thủy sản hiện gần như “tê liệt” khi có đến 70% đơn vị phải tạm ngưng sản xuất. Thủy sản tiêu thụ nội địa cũng giảm giá mạnh do chợ đóng cửa, quán ăn ngưng hoạt động.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có báo cáo gửi Thủ tướng đề nghị chỉ đạo 19 tỉnh, thành phố phía Nam ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 100% công nhân nhà máy chế biến nông, thủy sản, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm đang thực hiện “3 tại chỗ” và các cơ sở sản xuất liên kết với nhà máy thực hiện theo chuỗi giá trị. Đây là lực lượng lao động trực tiếp bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm lâu dài cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, Bộ đề xuất triển khai chương trình mở rộng hạn ngạch cho vay để thu mua nông sản và vật tư phục vụ nông nghiệp với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm đủ năng lực; đề nghị Chính phủ hỗ trợ giá điện sản xuất cho các doanh nghiệp chế biến nông, thủy sản để tăng cường thu mua sản phẩm bảo quản đông lạnh.

Không để gián đoạn chuỗi cung ứng đầu vào

Sức ép lớn nhất với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản hiện nay là vừa phải bảo đảm an toàn cho người lao động, vừa hoàn thành các đơn hàng kịp thời hạn. Trong khi đó, phương án sản xuất “3 tại chỗ” chưa hiệu quả do chi phí đội lên nhiều, năng suất giảm và việc ổn định đời sống sinh hoạt cho người lao động rất nan giải.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, ngành thủy sản đang đứng trước thời cơ rất lớn do nhu cầu nhập khẩu của thế giới tăng và các nền kinh tế lớn đã dần phục hồi sau đại dịch. Nếu sản xuất bị đình trệ, thủy sản sẽ đánh mất cơ hội này. Giải pháp căn bản nhất theo ông Hòe vẫn là tiêm vaccine cho người lao động.

Đồng tình với ý kiến này, bà Ngô Tường Vy cho rằng, cần ưu tiên vaccine cho doanh nghiệp kinh doanh nông sản, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu để họ tiếp tục hoạt động và bảo đảm khâu tiêu thụ cho bà con nông dân. Về chi phí logistics, công ty của bà Vy và các doanh nghiệp nông nghiệp nói chung đã kiến nghị đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để can thiệp kịp thời nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông Phạm Đình Ngãi chia sẻ, công ty đã lên kế hoạch đặt nguyên vật liệu cho tới cuối năm. Trước đây nhập nguyên liệu chỉ mất khoảng 1 tháng, bây giờ phải đợi 3 tháng mới có hàng. Theo ông, điều quan trọng bây giờ là doanh nghiệp phải lưu ý không để chuỗi cung ứng đầu vào bị gián đoạn. Sau đó, có thể mượn kho của nhà phân phối để giao hàng tới các chi nhánh trên cùng địa bàn. Doanh nghiệp cũng cần phát triển các kênh thương mại điện tử, giao dịch online vì đây là xu thế tất yếu trong kinh doanh hiện đại, chứ không chỉ là cứu cánh trong thời điểm dịch bệnh.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ

Minh Trang