Doanh nghiệp phải chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu

- Thứ Bảy, 30/06/2018, 08:08 - Chia sẻ
Chia sẻ với báo chí bên lề kỳ họp Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF 6), GS.TS NGUYỄN HỮU NINH - Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm nghiên cứu, giáo dục môi trường và phát triển cho rằng: Hiện nay doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế, vì vậy, chúng ta phải có một cơ chế mới để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia giảm phát thải carbon và thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Đề cập tới cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Quỹ Biến đổi khí hậu tại GEF 6, GS. TS. Nguyễn Hữu Ninh cho biết:

- Để tiến tới phát triển bền vững thì phải lấy vấn đề biến đổi khí hậu làm trọng tâm. Tại Đại hội lần thứ 6 này của GEF, tất cả các đề tài đều liên quan đến biến đổi khí hậu, lấy biến đổi khí hậu là một trong những trọng tâm để hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật. Hầu như các buổi diễn thuyết và các đề tài, hay các cuộc họp bên lề đều nói về vấn đề đó. Các dự án dự kiến GEF tài trợ đều liên quan đến việc làm giảm thiểu carbon và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tôi cũng vừa dự một hội thảo liên quan đến một dự án về giảm thiểu carbon trong trồng lúa tại Đông Nam Á. Chúng ta đều biết, hơn một nửa dân số thế giới dùng lúa, gạo và cần có những phương pháp giảm thiểu được phát thải carbon mà chất lượng lúa vẫn bảo đảm.

Việt Nam là một trong những nước bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nhất là đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ Việt Nam đã có Nghị quyết 120 để bảo vệ và phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, GEF 6 là cơ hội để chúng ta tận dụng tối đa sự hợp tác của quốc tế không chỉ vấn đề tài chính mà cả kỹ thuật và kinh nghiệm của họ nữa.


Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu

- Một số tổ chức quốc tế cho rằng, nỗ lực của từng quốc gia, tổ chức đơn lẻ không thể giải quyết được vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường toàn cầu,  thay vào đó phải là sự chung tay của cộng đồng thế giới, đặc biệt là vai trò của doanh nghiệp. Quan điểm của ông như thế nào?

- Sau nhiều năm nghiên cứu và hợp tác với các tổ chức quốc tế, tôi thấy tất cả sự phát triển của chúng ta đều có vai trò của doanh nghiệp. Doanh nghiệp là đòn bẩy phát triển kinh tế nhưng bản thân doanh nghiệp cũng có thể gây ra ô nhiễm. Với nền kinh tế như hiện nay, hợp tác công - tư rất quan trọng. Việc đối tác công - tư cùng làm, cùng phát triển thì thích ứng biến đổi khí hậu sẽ tốt hơn rất nhiều. Nói cách khác, để thích ứng với biến đổi khí hậu buộc phải có sự kết hợp của doanh nghiệp, thuyết phục doanh nghiệp chung tay cùng Nhà nước và toàn dân hướng đến phát triển bền vững như thông qua thay đổi cơ cấu, cách làm, phương pháp và hướng đầu tư. Khi đó chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao.

- Tuy nhiên, thực tế cho thấy doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà tham gia các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, phải chăng chúng ta chưa có cơ chế đủ mạnh, thưa ông?

- Hiện nay, doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế. Vì vậy, chúng ta phải có một cơ chế mới về thuế để giúp doanh nghiệp trong điều kiện họ giảm thiểu carbon, đó sẽ là đòn bẩy kích thích doanh nghiệp phát triển.

Thể chế và chính sách rất quan trọng, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính có vai trò rất quan trọng trong việc điều phối tổng thể những vấn đề có liên quan. Ví dụ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có thể điều phối cơ chế thuế trong việc phối hợp giảm thải carbon. Thời điểm này nên tăng cường hợp tác công - tư, đưa doanh nghiệp vào là trung tâm, động lực để thúc đẩy kinh tế, đồng thời tham gia tích cực vào vấn đề giảm thải carbon và thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Xin cảm ơn ông!

CHÍ TUẤN thực hiện