Thực thi pháp luật về môi trường

Doanh nghiệp sẵn sàng gia tăng chi phí tuân thủ

- Thứ Năm, 17/09/2020, 08:46 - Chia sẻ
Doanh nghiệp sẵn sàng tăng chi phí tuân thủ pháp luật về môi trường là điểm nhấn chú ý tại Báo cáo Thích ứng để thành công: Đánh giá tác động của biến đổi khi hậu đối với doanh nghiệp Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Quỹ châu Á công bố tại Hà Nội, ngày 16.9.

Dễ tiếp cận các thông tin về thời tiết

Là một trong những nền kinh tế năng động, nhưng Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức của biến đổi khí hậu với sự gia tăng của nhiều hiện tượng khí hậu cực đoan. Nhiều nghiên cứu, đánh giá của quốc tế đã chỉ ra Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu.

Theo Báo cáo chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu (CRI) 2020 do Germanwatch công bố, trong giai đoạn 1999 - 2018, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 6 trong số các quốc gia chịu tác động tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu. Với tổng số 226 vụ do thiên tai gây ra trong 20 năm qua, trung bình mỗi năm Việt Nam có 285 người thiệt mạng và chịu thiệt hại khoảng 2 tỷ USD.

Báo cáo “Thích ứng để thành công: Đánh giá tác động của biến đổi khi hậu đối với doanh  nghiệp Việt Nam” đã nhận được sự phản hồi từ 10.356 doanh nghiệp từ 63 tỉnh, thành phố. Đây là cuộc điều tra doanh nghiệp quy mô lớn nhất về chủ đề này tại Việt Nam từ trước đến nay. 

Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn bị tác động tương đối nhiều/rất nhiều cao nhất trong việc bị gián đoạn sản xuất kinh doanh (54%). Kế đến là năng suất lao động bị giảm do thời tiết khắc nghiệt và suy giảm doanh thu (đều ở mức 51%). Cũng có tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp phản ánh về bị gián đoạn kênh vận chuyển (46%) và tăng chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (44%). Tiếp đến, có tỷ lệ không nhỏ doanh nghiệp cho biết có tác động tương đối nhiều/rất nhiều về khía cạnh mạng lưới phân phối bị đình trệ (38%), giảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ (37%), thiệt hại cơ sở vật chất (34%) và thiếu hụt nhân lực (33%). Thậm chí, có 33% doanh nghiệp chịu tác động tương đối nhiều/rất nhiều của việc thiếu nguồn cung nguyên vật liệu sản xuất.

Từ những tác động không mong muốn từ biến đổi khí hậu, trung bình các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư với quy mô lên tới lên tới 7,32% chi phí hoạt động cho việc thân thiện hơn với môi trường, bao gồm việc nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Với những doanh nghiệp nhận được thông tin rằng Nhà nước sẽ ban hành và thực thi pháp luật nghiêm khắc hơn liên quan tới vấn đề môi trường thì trung bình các doanh nghiệp sẽ bỏ ra 7,44% chi phí hoạt động để cải thiện mức độ tuân thủ của mình. Trong khi đó, với những doanh nghiệp nhận được thông tin về giải pháp mềm, đánh giá của tổ chức xã hội có uy tín tại Việt Nam, thì trung bình họ sẵn sàng chi ra khoảng 7,29% chi phí hoạt động.

Đáng lưu ý, Báo cáo cũng cho thấy, các doanh nghiệp đánh giá khá tích cực về mức độ sẵn sàng của chính quyền các địa phương trong việc xử lý và hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề này. Cụ thể có tới 91% doanh nghiệp cho biết họ dễ tiếp cận thông tin, số liệu về thời tiết tại địa phương. Điều này không có gì ngạc nhiên, khi các thông tin này phủ sóng liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng, cả ở quốc gia, cũng như tại các địa phương.

Bên cạnh đó, có tới 90% doanh nghiệp đánh giá các dịch vụ hạ tầng cơ bản (điện, nước, viễn thông) được cấp lại kịp thời sau khi thiên tai xảy ra. Đây là kết quả rất tích cực, khi các doanh nghiệp (phần lớn vẫn là thuộc sở hữu nhà nước) đã đảm trách tốt chức năng cung cấp dịch vụ của mình. 78% doanh nghiệp có nhận được cảnh báo sớm trước khi thiên tai xảy ra, và cũng một tỷ lệ tương tự cho biết hạ tầng giao thông tại địa phương được khôi phục nhanh chóng.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại buổi công bố Báo cáo Thích ứng để thành công: Đánh giá tác động của biến đổi khi hậu đối với doanh nghiệp Việt Nam  

Cộng đồng trách nhiệm của doanh nghiệp với môi trường 

Theo Báo cáo “Thích ứng để thành công: Đánh giá tác động của biến đổi khi hậu đối với doanh nghiệp Việt Nam”, 50% doanh nghiệp cho biết sẽ đào tạo tốt hơn quản lý và nhân viên về vấn đề rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu; 36% doanh nghiệp cho biết sẽ mua nguyên vật liệu đầu vào từ những nhà sản xuất thân thiện với môi trường; khoảng 1/3 số doanh nghiệp (33%) sẽ ứng dụng công nghệ sạch hơn cho sản xuất. Đáng lưu ý, có tới 10% doanh nghiệp sẽ tuyển nhân viên chuyên trách phụ trách việc tuân thủ các quy định về môi trường.

Kết quả điều tra cho thấy kết quả khá thú vị, đó là với những doanh nghiệp nhận được thông tin rằng Nhà nước sẽ ban hành và thực thi pháp luật nghiêm khắc hơn liên quan tới vấn đề môi trường, thì trung bình các doanh nghiệp sẽ bỏ ra 7,44% chi phí hoạt động để cải thiện mức độ tuân thủ của mình. Trong khi đó, với những doanh nghiệp nhận được thông tin về giải pháp mềm, đánh giá của tổ chức xã hội có uy tín tại Việt Nam, thì trung bình họ sẵn sàng chi ra khoảng 7,29% chi phí hoạt động. Sự khác biệt trong mức độ sẵn sàng chi trả của các doanh nghiệp nhận được thông tin về giải pháp bắt buộc hay tự nguyện này là không đáng kể về mặt thống kê. Nó cho thấy các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư để cải thiện mức độ tuân thủ về môi trường.

Thực tế, Chính phủ đã nhận thấy tầm quan trọng của công tác ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua việc ban hành và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2008 và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu năm 2011 cùng với nhiều hành động khác. Dù vậy, khoảng cách giữa chính sách và thực thi trong lĩnh vực này còn tương đối lớn, nhất là đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, các chính sách, pháp luật về thích ứng rủi ro biến đổi khí hậu liên quan tới cộng đồng doanh nghiệp cần được nhìn nhận đầy đủ hơn, có tính chiến lược hơn và cần chú ý đến nhu cầu và rủi ro thực tế mà các doanh nghiệp gặp phải. Cùng quan điểm, Cố vấn cao cấp Oxfam Việt Nam Nguyễn Ngọc Quy cho rằng, cần thực thi nghiêm các quy định liên quan đến đánh giá tác động môi trường, nhất là đối với các dự án lớn; đồng thời cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm thân thiện với môi trường, đặc biệt là khâu tiêu thụ. 

Ở góc độ cơ quan quản lý, đại diện Cục Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lại cho rằng, cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm nông nghiệp, cũng như xây dựng các mạng lưới cảnh báo, cơ sở vật chất liên quan đến phòng chống thiên tai như trạm đo độ ẩm, độ mưa... Các mạng lưới này cần có tính năng kết nối, chia sẻ giữa các doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về thiên tai, biến đổi khí hậu. Điều này đặc biệt quan trọng trong khi Chính phủ chưa có điều kiện đầu tư, xây dựng cơ sở dữ liệu, cũng như mạng lưới cảnh báo. 

Nguyễn Minh