Doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ về thuế là cao nhất

- Thứ Bảy, 24/10/2020, 16:06 - Chia sẻ
Đại dịch Covid - 19 ảnh hưởng lớn đến toàn bộ đời sống xã hội và nền kinh tế. Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chủ yếu tiếp cận được với gói “gia hạn nộp thuế”, các gói hỗ trợ khác tỷ lệ tiếp cận thấp.

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người nộp thuế

Theo Tổng cục Thống kê, tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực của nền kinh tế đều chịu tác động mạnh từ dịch bệnh Covid-19. Nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp (DN) và người dân, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế 5 tháng đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN của các DN, tổ chức sản xuất, kinh doanh; gia hạn 5 tháng đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân của các hộ kinh doanh; gia hạn 5 tháng đối với tiền thuê đất của các DN, tổ chức, cá nhân...

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người nộp thuế.
Ảnh nguồn: ITN

Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ và giải quyết theo thẩm quyền miễn thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thiết bị y tế phục vụ cho phòng chống dịch; trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 122/2016/NĐ-CP; Nghị định số 125/2017/NĐ-CP và Nghị định số 134/2016/NĐ-CP về thuế suất nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn cho các DN hoạt động lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến nông lâm thủy sản, cơ khí, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ và công nghiệp ôtô...

Đồng thời, Bộ Tài chính đã phối hợp với các ngành để rà soát cắt giảm, miễn giảm nhiều loại phí, lệ phí. Miễn lệ phí môn bài đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và DN, hộ gia đình, cá nhân thành lập mới trong năm đầu; giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký DN; giảm 67% mức phí công bố thông tin DN; giảm 50-70% phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính... Tổng số phí, lệ phí cắt giảm mà DN và người dân được hưởng lợi là khoảng 500 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để đề xuất với Quốc hội quyết định mức thực hiện chính sách thuế thu nhập DN cho DN nhỏ và siêu nhỏ, áp dụng từ ngày 1.7.2020. Nếu chính sách này được thông qua, khoảng 700 nghìn DN, chiếm khoảng 93% tổng số DN cả nước đang hoạt động sẽ được hưởng lợi.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14. Với mức giảm trừ mới, các mốc thu nhập chưa phải nộp thuế sẽ nâng lên là 11 triệu đồng/tháng (không có người phụ thuộc); 15,4 triệu đồng/tháng (có 1 người phụ thuộc) và 19,8 triệu đồng/tháng (có 2 người phụ thuộc). Việc điều chỉnh này là một nỗ lực rất lớn của Quốc hội, Chính phủ, thể hiện tinh thần đồng hành, hỗ trợ người nộp thuế trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước dịch bệnh Covid-19.

Gần 70% doanh nghiệp tiếp cận được gói “gia hạn nộp thuế”

Tại hội thảo “Chính sách vượt qua tác động của Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế” được tổ chức mới đây, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, kết quả khảo sát 450 doanh nghiệp trong 6 lĩnh vực ngành nghề: du lịch; tài chính, ngân hàng; bảo hiểm; dệt may; công nghệ thông tin; logistics cho thấy, có 69,23% doanh nghiệp nhận được gói hỗ trợ “gia hạn nộp thuế”.

Trong khi các chính sách hỗ trợ khác như cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn; cơ cấu lại thời hạn và các khoản nợ của DN; tạm dừng đóng BHXH, kinh phí công đoàn... thì tỷ lệ DN tiếp cận được còn thấp. Đáng chú ý, một số chính sách được đánh giá là không có tác động tích cực như kỳ vọng, như hỗ trợ chi phí logictics đường bộ, đường thủy nội địa; giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hoạt động xuất nhập khẩu... Theo khảo sát, có đến gần 80% doanh nghiệp không nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ.

Hội thảo “Chính sách vượt qua tác động của Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế” do trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức mới đây. 

Theo PGS. TS Bùi Đức Thọ, nguyên nhân chủ yếu là do các DN khó đáp ứng, hoặc không đáp ứng được các điều kiện để nhận hỗ trợ. Trong khi đó, với các DN được nhận hỗ trợ thì tỷ lệ trong ngành du lịch và dệt may là nhiều nhất và tỷ lệ các DN có quy mô từ 50 - 200 lao động trở lên nhận được gói hỗ trợ nhiều hơn so với các đơn vị quy mô nhỏ hơn.

Để các chính sách ứng phó với Covid-19 đối với doanh nghiệp phát huy hiệu quả, nhóm nghiên cứu của trường Kinh tế Quốc dân cho rằng, trước tiên cần hỗ trợ hơn nữa các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, tập trung vào các giải pháp tiền tệ thông qua việc nới lỏng hơn nữa các điều kiện tín dụng, miễn và giảm lãi suất. Trong khi đó, với giải pháp tài khóa, cần tiếp tục miễn giảm thuế, phí; giảm phí BHXH, phí công đoàn; giảm các chi phí thuê hạ tầng. Các hình thức hỗ trợ cần phù hợp hơn với các DN ở từng ngành, từng lĩnh vực và từng giai đoạn, song song với việc ưu tiên cho các DN có quy mô siêu nhỏ bởi khả năng chống chịu kém.

Về chính sách hỗ trợ lần 2, nhóm nghiên cứu khuyến nghị Chính phủ cần phân loại, đánh giá, lựa chọn doanh nghiệp để hỗ trợ. Chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc các ngành bị tổn thương bởi dịch bệnh, có hệ thống quản trị tốt để có thể vượt lên sau đại dịch

Xuân Tùng