Doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài

- Thứ Ba, 21/09/2021, 06:45 - Chia sẻ
Đầu tư ra nước ngoài tăng hơn 74% trong 8 tháng qua cho thấy sự nhanh nhạy của các doanh nghiệp. Đáng chú ý, chất lượng đầu tư đang được cải thiện khi số vốn dành cho các dự án khoa học công nghệ chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Xu hướng tốt

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, 8 tháng năm 2021, các doanh nghiệp trong nước đã đầu tư ra nước ngoài 40 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư mới khoảng 150,1 triệu USD, giảm 31,3% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, có 13 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn thêm 424,9 triệu USD, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung cả vốn cấp mới và tăng thêm, đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp đạt 575 triệu USD trong 8 tháng, tăng 74,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp nhận vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam, Mỹ đứng đầu với 302,8 triệu USD, tiếp theo là Campuchia 89,4 triệu USD, Lào 47,8 triệu USD.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Việt cũng thay đổi đáng kể trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0. Theo đó, đầu tư cho các dự án khoa học công nghệ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 270,8 triệu USD; kế đó là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với gần 151 triệu USD. Theo thống kê gần nhất, các doanh nghiệp đã chuyển khoản lợi nhuận hơn 3 tỷ USD về nước, ngoài ra, các khoản lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư gần 400 triệu USD.

Theo Giám đốc Economica Việt Nam Lê Duy Bình, kết quả đầu tư ra nước ngoài thể hiện sự năng động, nhanh nhạy của các doanh nghiệp trong nước cũng như chủ trương, chính sách của Nhà nước hiện nay rất ủng hộ doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài. Quá trình hội nhập không chỉ theo một chiều mở cửa đón nhận các dòng vốn vào nước ta, việc luân chuyển nguồn vốn như vậy góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. 

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng việc dần chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực thương mại, công nghệ sẽ đóng góp rất lớn cho quá trình phát triển kinh tế số. Các doanh nghiệp sẽ học hỏi và đem những thành tựu khoa học kỹ thuật mới về áp dụng dựa trong nước, đồng thời "phổ biến" rộng rãi thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Nguồn tiền phải minh bạch

Tuy dòng vốn đầu tư ra nước ngoài có những dấu hiệu tích cực song mức độ, quy mô còn khá khiêm tốn. Theo ông Hiếu, một số lĩnh vực đầu tư mới chỉ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp mà chưa đóng góp được nhiều cho nền kinh tế quốc gia như bất động sản, đầu tư chứng khoán. Khi hoạt động tại nước ngoài, những khác biệt về văn hóa, pháp luật, môi trường kinh doanh cũng dẫn đến những tranh chấp không mong muốn, ảnh hưởng đến hình ảnh của nhà đầu tư Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Một số doanh nghiệp chưa có ý thức, trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị dẫn đến thiếu hụt kiến thức về pháp lý, năng lực dự báo và thích ứng với tốc độ thay đổi kinh tế chưa cao.

Ông Lê Duy Bình cho rằng, đầu tư ra nước ngoài phải bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn đó một cách có hiệu quả và tuân thủ quy định của Việt Nam cũng như nước sở tại. Những lĩnh vực các doanh nghiệp nên đầu tư để có cơ hội đóng góp và tác động tích cực đến kinh tế quốc gia là thương mại, công nghiệp, sản xuất, công nghệ thông tin… Quan trọng hơn cả, nguồn tiền phải được minh bạch, tránh những trường hợp núp bóng đầu tư để rửa tiền. 

Đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài, theo ông Bình, cơ quan quản lý cần rà soát, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để tối giản các quy định, giấy tờ, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Công tác hỗ trợ, tư vấn cũng nên được đẩy mạnh nhằm kịp thời nắm bắt, xử lý các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp khi xảy ra tranh chấp. Những quy định trong nước cũng cần có sự tương đồng, tiệm cận nhất định với pháp luật quốc tế để doanh nghiệp không bỡ ngỡ khi “đem chuông đi đánh xứ người”.

Minh Trang