Doanh nghiệp vận tải miền Tây gặp khó vì bất nhất biện pháp chống dịch

- Thứ Bảy, 14/08/2021, 16:43 - Chia sẻ
Mặc dù đã được tạo điều kiện để lưu thông thuận lợi song theo phản ánh của các hiệp hội doanh nghiệp vận tải miền Tây, doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân bởi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch không thống nhất ở các địa phương.
Kiểm soát người và phương tiện ra vào tỉnh Tiền Giang tại chốt ở cầu Mỹ Lợi trên Quốc lộ 50, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Nguồn TTXVN
Kiểm soát người và phương tiện tại chốt ở cầu Mỹ Lợi trên Quốc lộ 50, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh nguồn: TTXVN)

Mỗi nơi một kiểu

Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh An Giang cho biết, từ khi áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg đến nay, toàn bộ hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh nói riêng và trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, thành) nói chung phải tạm dừng. Chỉ có doanh nghiệp vận tải hàng hoá được phép hoạt động.

“Do dịch Covid-19, các doanh nghiệp vận tải hàng hoá đã phải giảm công suất khi hiện toàn tỉnh chỉ có khoảng 300 – 400 xe tải hoạt động trong tổng số khoảng 4.000 xe. Thêm nữa, việc thực thi các quy định khác nhau ở từng địa phương càng khiến doanh nghiệp khó khăn hơn”, ông Xuân nói

Để minh chứng cho điều này, ông Xuân lấy dẫn chứng: Theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn số 5753/BYT-MT ngày 19.7.2021 về xét nghiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho người vận chuyển hàng hoá, trong trường hợp phải kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính SAR-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hay test nhanh kháng nguyên có hiệu lực trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu. Tuy vậy, tại An Giang chỉ chấp nhận hiệu lực trong vòng 24 giờ. “Thậm chí, khi di chuyển trong nội tỉnh, tài xế đã có xét nghiệm nhanh âm tính vẫn còn hiệu lực nhưng đến một chốt trạm khác bị yêu cầu phải xét nghiệm lại. Chính tôi đã phải gọi điện cho trưởng trạm về trường hợp này nhưng vẫn không thay đổi được yêu cầu”, ông Xuân cho biết.

Mặc dù chia sẻ với tỉnh trong việc siết chặt công tác phòng chống dịch, tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp vận tải tại An Giang cho rằng, mỗi lần xét nghiệm nhanh cho tài xế là 238.000 đồng, còn với RT-PCR là 740.000 đồng. Ngày nào cũng xét nghiệm khiến anh em tài xế mệt mỏi, doanh nghiệp vận tải cũng thêm gánh nặng chi phí. Nếu áp dụng hiệu lực giấy xét nghiệm trong 72 giờ chắc chắn sẽ tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Ngọc Xuân cho biết, nhằm tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị không kiểm tra giấy "luồng xanh" đối với xe vận chuyển hàng hóa chỉ lưu thông trong phạm vi 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tuy nhiên, “xe đi từ An Giang về TP. Hồ Chí Minh, qua địa phận các tỉnh như Đồng Tháp vẫn phải dừng lại kiểm soát giấy này, nếu không có buộc phải quay đầu, làm kéo dài thời gian lưu thông trên đường”.

Ông Huỳnh Văn Nguyện, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Tiền Giang cho hay, mặc dù Bộ Y tế hướng dẫn chấp thuận cả hai loại giấy xét nghiệm là RT-PCR và test nhanh song một số chốt trên đường vận chuyển hàng hoá từ Tiền Giang đi TP. Hồ Chí Minh chỉ chấp nhận RT-PCR, trong khi số lượng cơ sở được phép xét nghiệm theo hình thức này có hạn khiến tài xế phải mất thời gian chờ đợi.

Song, theo ông Nguyện, cái khó nhất hiện nay là quy định giờ giới nghiêm từ 18 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau khiến nhiều phương tiện vận tải không thể hoàn thành nốt chuyến xe. “Đáng ra, phương tiện có giấy ưu tiên rồi nên để họ được di chuyển trong khung giờ đó”, ông Nguyện đề xuất.

Cần hỗ trợ doanh nghiệp vận tải để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Nguồn ITN
Cần hỗ trợ doanh nghiệp vận tải để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. (Ảnh nguồn: ITN)

Ưu tiên tiêm vaccine, giảm lãi suất cho vay

Trước thực tế hoạt động hiện nay, đại diện các doanh nghiệp vận tải ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, dù rất ủng hộ các biện pháp chống dịch mạnh của địa phương song cần có sự thống nhất theo hướng dẫn, quy định của các bộ, ngành. Theo đó, nên chấp nhận hiệu lực giấy xét nghiệm SAR-CoV-2 trong vòng 72 giờ theo khuyến cáo của Bộ Y tế để giảm bớt chi phí, áp lực cho tài xế cũng như doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ tài xế vận tải đường bộ lẫn những người điều khiển phương tiện vận tải thủy. Việc yêu cầu tài xế phải có kết quả xét nghiệm âm tính SAR-CoV-2 là rất cần thiết để bảm đảm an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, phần lớn lượng hàng hóa thiết yếu của miền Tây được chuyển về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ và xuất khẩu, phải di chuyển qua nhiều tỉnh thành. “Đáng ra, chỉ nên kiểm soát tài xế và phương tiện tại hai đầu: nơi xuất phát và nơi đến sẽ tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp thay vì vào địa phận tỉnh nào cũng phải dừng xe để kiểm soát dịch”, ông Nguyễn Ngọc Xuân đề nghị.

Mặt khác, để hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải, ông Lê Hoàng Ngon, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Cà Mau đề xuất, về phía ngân hàng cần xem xét giãm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. “Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vận tải vay vốn ngân hàng để đầu tư phương tiện nhưng dịch bệnh phức tạp khiến vận tải hành khách dừng hoàn toàn, vận tải hàng hóa đều hoạt động dưới công suất, doanh thu không bảo đảm. Nếu phía ngân hàng không hỗ trợ, các doanh nghiệp vận tải phá sản sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đứt gãy chuỗi cung ứng khó tránh khỏi, bởi hàng hóa của địa phương muốn tiêu thụ, xuất khẩu đều phải chở về TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ…”, ông Ngon nhấn mạnh.

Minh Châu